Thay đổi hộ khẩu có cần đổi Căn cước công dân?

01/04/2021 10:55 GMT+7
Không ít người băn khoăn khi chuyển hộ khẩu có bắt buộc phải làm lại Căn cước công dân. Dưới đây Etime trích dẫn một số điều luật giải đáp vấn đề này.

Trường hợp người dân đang dùng Chứng minh nhân dân

Theo quy định tại Thông tư 04/1999/TT-BCA(C13), những công dân đã được cấp chứng minh nhân dân (CMND) được đổi lại trong các trường hợp sau:

- Quá thời hạn sử dụng 15 năm kể từ ngày cấp;

- CMND rách, nát, không rõ ảnh hoặc một trong các thông tin đã ghi trên CMND;

- Thay đổi họ, tên, chữ đệm, ngày, tháng, năm sinh. Những thay đổi này phải có quyết định của cơ quan có thẩm quyền;

- Những người đã được cấp giấy CMND nhưng chuyển nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trường hợp chuyển đăng ký hộ khấu thường trú trong phạm vi tỉnh, thành phố mà công dân có yêu cầu thì được đổi lại CMND;

- Thay đổi đặc điểm nhận dạng là những trường hợp đã qua phẫu thuật thẩm mỹ chỉnh hình hoặc vì lý do khác đã làm thay đổi hình ảnh hoặc đặc điểm nhận dạng của họ.

Ngoài ra, những công dân đã được cấp CMND nhưng bị mất thuộc trường hợp được cấp lại CMND.

Căn cứ quy định trên, trường hợp người dân đang dùng thẻ CMND mà chuyển hộ khẩu thường trú sang tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác thì bắt buộc phải thực hiện đổi lại CMND. Trường hợp chuyển hộ khẩu trong cùng tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì sẽ được đổi CMND nếu người dân có nhu cầu.

Thay đổi hộ khẩu có cần đổi Căn cước công dân? - Ảnh 1.

Nếu đang dùng Căn cước công dân mà thay đổi hộ khẩu, người dân không phải xin cấp đổi, cấp lại Căn cước công dân.

Trường hợp người dân đang dùng thẻ Căn cước công dân

Theo quy định tại Điều 23 Luật Căn cước công dân 2014:

1. Thẻ Căn cước công dân được đổi trong các trường hợp sau đây:

a) Các trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 21 của Luật này (khi công dân đủ 25 tuổi, đủ 40 tuổi và đủ 60 tuổi);

b) Thẻ bị hư hỏng không sử dụng được;

c) Thay đổi thông tin về họ, chữ đệm, tên; đặc điểm nhân dạng;

d) Xác định lại giới tính, quê quán;

đ) Có sai sót về thông tin trên thẻ Căn cước công dân;

e) Khi công dân có yêu cầu.

2. Thẻ Căn cước công dân được cấp lại trong các trường hợp sau đây:

a) Bị mất thẻ Căn cước công dân;

b) Được trở lại quốc tịch Việt Nam theo quy định của Luật quốc tịch Việt Nam.

Trong những trường hợp cấp đổi, cấp lại thẻ Căn cước công dân nêu trên, không có trường hợp nào do thay đổi hộ khẩu thường trú. Vì thế, nếu đang dùng Căn cước công dân mà thay đổi hộ khẩu, người dân không phải xin cấp đổi, cấp lại Căn cước công dân.

Hiện tại, nhiều địa phương đang thực hiện đổi từ CMND/Căn cước công dân cũ sang Căn cước công dân gắn chip cho người dân. 

Thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử có độ bảo mật cao, dung lượng lưu trữ lớn, cho phép tích hợp nhiều ứng dụng đi kèm như: Ứng dụng chữ ký số, hạ tầng khóa bảo mật công khai, ứng dụng sinh trắc học, ứng dụng mật khẩu một lần…, có thể được sử dụng và kết nối rộng rãi cho các dịch vụ công cộng và tư nhân.

Khi thẻ Căn cước công dân gắn chip điện tử có tích hợp đầy đủ các thông tin, lúc đó người dân đi giao dịch và làm các thủ tục sẽ không phải mang nhiều loại giấy tờ mà chỉ cần dùng thẻ Căn cước công dân có gắn chip thì sẽ thực hiện được các giao dịch. Ngoài ra, việc tích hợp chip trên Căn cước công dân đem lại tính linh hoạt khi cần bổ sung hoặc sửa đổi thông tin trên thẻ sau khi phát hành bởi cơ quan công an. Dữ liệu trên chip có thể được truy cập ngay lập tức mà không bị phụ thuộc vào kết nối mạng thông qua các thiết bị cho phép đọc thông tin trên chip giúp cho việc xác thực danh tính được thực hiện ngay, hạn chế tối đa việc giả mạo danh tính.

Căn cước gắn chip có tính bảo mật cao hơn, lưu giữ nhiều trường thông tin hơn nhờ chip mã hóa các dữ liệu cá nhân, vì vậy cần phải có đầu đọc chuyên dụng mới có thể tra cứu được các thông tin mã hóa trên thẻ chip. Chip gắn trên thẻ Căn cước công dân không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của công dân. Việc tích hợp, sử dụng thông tin trên chip tuân thủ quy định của pháp luật Việt Nam, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.

Bên cạnh đó, mặt trước của thẻ có mã QR, mã hóa các thông tin cơ bản như họ tên, số thẻ, số chứng minh thư cũ, quê quán. Với mã QR này, người dân, tổ chức có thể dùng điện thoại để kiểm tra, cảnh sát sẽ không phải cấp giấy chứng nhận số chứng minh thư cũ như khi đổi chứng minh thư sang thẻ căn cước mã vạch trước đây. Công dân chỉ cần mang thẻ mới đi là có thể thực hiện được các giao dịch. 

Dự kiến từ ngày 1/7, công dân có mã số định danh cá nhân khi làm các thủ tục hành chính không cần trình sổ hộ khẩu giấy, không phải nộp một số giấy tờ công chứng.

Khi đi làm Căn cước công dân gắn chip, công dân cần mang theo CMND đã được cấp trước đó và các giấy tờ hợp pháp xác nhận việc có thay đổi thông tin công dân nếu sự thay đổi này chưa được cập nhật trên hệ thống dữ liệu quốc gia về dân cư. Hiện nay, thông tin cư dân đã được ngành công an thu thập với trên 95% dân số, do vậy khi đi làm thủ tục cấp Căn cước công dân gắn chip, người dân không phải điền vào tờ khai, chỉ cần chụp ảnh, lăn tay, kiểm tra thông tin và xác nhận vào bản in do công an cấp.

Trường hợp hộ khẩu không trùng thông tin với CMND, Căn cước công dân hoặc hộ khẩu không có ngày tháng năm sinh thì người đi làm Căn cước công dân gắn chip cần mang theo giấy khai sinh.

An Vũ
Cùng chuyên mục