Thay đổi quản lý theo chuỗi, thích ứng với lối làm ăn hiện đại, hiệu quả

Khương Lực Thứ năm, ngày 12/12/2019 08:00 AM (GMT+7)
“Ngay từ khâu xây dựng văn bản, Bộ NN&PTNT đã cố gắng tổ chức nhiều hoạt động như: các hội nghị, hội thảo; rồi đăng tải, tuyên truyền… để làm sao văn bản chưa ban hành thì người dân, các tổ chức, cá nhân đã phải quan tâm để biết và phải thay đổi cách thức sản xuất, kinh doanh nhằm thích ứng với những lối làm ăn hiện đại, hiệu quả. Đây là một cách làm đem lại lợi ích cho tổ chức cá nhân, doanh nghiệp”.
Bình luận 0

Phóng viên Dân việt có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT) về kết quả xây dựng cũng như tổ chức thực thi văn bản quy phạm pháp luật trong bối cảnh ngành nông nghiệp đang có sự chuyển đổi mạnh từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún sang sản xuất hàng hóa quy mô lớn theo chuỗi giá trị.

img

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT). Ảnh: K. Lực

Theo bà Nguyễn Thị Kim Anh, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật là công việc thường xuyên của Bộ NN&PTNT, luôn được lãnh đạo Bộ cũng như thủ trưởng các cơ quan, đơn vị đặc biệt quan tâm. Ngay từ đầu năm, Bộ trưởng đã ban hành kế hoạch để xác định những văn bản cần hướng dẫn, xây dựng.

Trong năm 2019, Bộ được giao chủ trì, xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và đề điều cùng như chùm các văn bản, gồm 10 nghị định hướng dẫn Luật Trồng trọt và Luật Chăn nuôi và 30 thông tư hướng dẫn. Tại cuộc họp giao ban tháng 11 và dự kiến kế hoạch tháng 12, công tác xây dựng văn bản pháp luật được đánh giá là cơ bản hoàn thành.

Bà có thể nói cụ thể hơn về nội dung, chất lượng và tiến độ xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật của Bộ, liệu các văn bản được ban hành có đáp ứng được yêu cầu tăng cường quản lý ngành, lĩnh vực trong bối cảnh có nhiều thay đổi như hiện nay?

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều đã trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8 vừa qua và có nhiều đại biểu Quốc hội cho ý kiến và trên cơ sở đó đánh giá rất cao việc Bộ NN&PTNT đã trình đầy đủ các hồ sơ cũng như đảm bảo trình tự thủ tục, đáp ứng được yêu cầu mới về quản lý phòng chống thiên tai.

Thí dụ liên quan đến Quỹ phòng chống thiên tai, đề nghị phải có ở cả cấp trung ương thay vì trước đây chỉ có ở địa phương, rồi việc tiếp nhận các nguồn viện trợ từ nước ngoài để phục vụ cho hoạt động phòng, chống thiên tai để phù hợp hơn với thực tiễn. Về hệ thống văn bản hướng dẫn thi hành Luật Trồng trọt, Luật Chăn nuôi là một trong những yêu cầu đặt ra là phải quyết tâm thực hiện.

Đối với Luật Trồng trọt, phải xây dựng và ban hành 2 Nghị định và 4 Thông tư. Ngày 14.11.2019, Chính phủ đã ban hành Nghị định 84/2019/NĐ-CP quy định về quản lý phân bón; 3 Thông tư đã ban hành, 1 Thông tư sẽ ban hành trong tháng 12; còn 1 Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Trồng trọt hiện đã tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ và trong tháng 12 sẽ trình Thủ tướng xem xét, ký ban hành.

Đối với chùm văn bản về Luật Chăn nuôi, 4/4 thông tư đã được Bộ trưởng ký ban hành và Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Chăn nuôi cũng đã tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ và phấn đấu trong tháng 12 sẽ trìnhThủ tướng Chính phủ xem xét, ký ban hành.

Như vậy, cho đến thời điểm này, Bộ NN&PTNT đã ban hành đầy đủ các luật để điều chỉnh các hoạt động về nông nghiệp theo hướng quản lý chuỗi và đảm bảo tính toàn diện – nghĩa là tất cả các hoạt động được điều chỉnh ở trong luật từ vật tư đầu vào đến tiêu thụ nội địa cũng như xuất khẩu để đảm bảo tính xuyên suốt, thống nhất của cả lĩnh vực được điều chỉnh.

Đặc biệt, các luật được ban hành luôn đảm bảo  tính ổn định, gần như phải tầm từ 10-15 năm chúng ta mới phải sửa đổi các Luật. Như Luật Lâm nghiệp, Luật Thủy sản được ban hành từ năm 2003-2004, đến 2017 chúng ta mới phải sửa đổi các luật này.

img

Bộ NN&PTNT đã ban hành đầy đủ các luật để điều chỉnh các hoạt động về nông nghiệp theo hướng quản lý chuỗi và đảm bảo tính toàn diện. Ảnh: N.S

Trong quá trình xây dựng văn bản, Bộ NN&PTNT đã lắng nghe, tiếp thu các ý kiến đóng góp, phản biện của các tổ chức, cá nhân như thế nào?

Tất cả các văn bản trong quá trình xây dựng đều đảm bảo tính minh bạch, dễ thực hiện. Minh bạch ở đây có nghĩa là trong quy định đã thể hiện rõ trách nhiệm của người dân phải làm cái gì và minh bạch từ khâu trình tự xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, coi trọng việc tăng cường các sự tham gia phản biện của các tổ chức, cá nhân chịu sự điều chỉnh của văn bản.

Ngoài việc đưa lên mạng đối với các dự thảo văn bản, chúng tôi tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, thậm chí bây giờ tính phản biện của các hiệp hội rất cao. Khi có vấn đề liên quan đến dự thảo văn bản được ban hành ra, họ đã chủ động gặp gỡ các cơ quan có liên quan để nói lên ý kiến của mình để làm sao thể hiện văn bản một cách đúng, trúng nhất.

Chúng tôi rất coi trọng, đánh giá cao các ý kiến phản biện và nghiên cứu để quy định một cách rõ ràng, thấu đáo hơn, nhất là những nội dung các hiệp hội có ý kiến phản hồi đúng, chúng tôi sẽ nghiên cứu, đề xuất với người có thẩm quyền, đặc biệt là lãnh đạo Bộ xem xét để sớm sửa đổi, bổ sung.

Đơn cử, khi VASEP và một số doanh nghiệp phản ánh về quy định phải có giấy xác nhận do cơ quan thẩm quyền của quốc gia nơi có cảng trung chuyển cấp, nhưng trên thực tế có những quốc  gia có đảo trên biển người ta không có cơ quan có thẩm quyền để xác nhận. Điều này đã gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc nhập khẩu nguyên liệu về để chế biến, xuất khẩu.

Vì thế, Bộ NN&PTNT đã ban hành Thông tư 11/2019/TT-BNNPTNT sửa đổi ngay một khoản trong Thông tư 36/2018/TT-BNNPTNT về kiểm dịch động vật sản phẩm động vật thủy sản. Theo đó, doanh nghiệp có thể lựa chọn một trong hai cách để thực hiện, đó là doanh nghiệp bổ sung Giấy khai báo thông tin chuyển tải (do doanh nghiệp tự khai) hoặc bản sao Giấy xác nhận do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia nơi có cảng trung chuyển cấp (có xác nhận của doanh nghiệp).

Việc tháo gỡ này đã được VASEP và các doanh nghiệp hoan nghênh, đánh giá cao. Đây cũng là cách làm rất cầu thị của Bộ NN&PTNT trong việc xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật.

Xin cảm ơn bà!

“Việc ban hành pháp luật không thể tách rời thực tiễn quản lý của ngành nông nghiệp cũng như thực tế đang diễn ra. Đó là thách thức đối với những người làm luật, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp đang thay đổi rất nhanh để làm sao nó vừa đảm bảo tính thực tế nhưng cũng có quy định đủ dài, phù hợp trong tương lai”.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ NN&PTNT)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem