Thấy gì từ 3 thập kỷ 'công du châu Phi đầu năm' của các ngoại trưởng Trung Quốc?
Thấy gì từ 3 thập kỷ 'công du châu Phi đầu năm' của các ngoại trưởng Trung Quốc?
Thứ sáu, ngày 23/02/2024 18:23 PM (GMT+7)
Giới phân tích cho rằng việc các ngoại trưởng Trung Quốc lựa chọn các quốc gia châu Phi là điểm dừng chân trong chuyến công du đầu tiên của năm nói lên nhiều điều về tham vọng của Bắc Kinh và vị thế của châu Phi trên trường thế giới.
Theo báo Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP), tháng 1/1991, Ngoại trưởng Trung Quốc khi đó là Tiền Kỳ Tham đã đến thăm Ethiopia, Uganda, Kenya và Tanzania, khởi động “xu thế tất yếu” được truyền thông Trung Quốc ca ngợi sau này.
Kể từ đó, các ngoại trưởng Trung Quốc vẫn luôn chọn các quốc gia châu Phi làm điểm dừng chân đầu tiên trong các chuyến công du nước ngoài mỗi năm.
Trong 34 năm liên tiếp, truyền thống ngoại giao này luôn mọi ngoại trưởng Trung Quốc tuân theo, từ Ngoại trưởng Đường Gia Hiên đến các đời ngoại trưởng Lý Triệu Hưng, Dương Khiết Trì và Tần Cương.
Tháng trước, nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị một lần nữa tiếp nối truyền thống khi ông thực hiện chuyến công du nước ngoài đầu tiên trong năm tới Ai Cập, Tunisia, Togo và Bờ Biển Ngà.
Các nhà quan sát coi việc duy trì truyền thống lâu đời hàng thập kỷ này là một công cụ ngoại giao, là cách Trung Quốc thể hiện rằng châu Phi luôn đứng đầu trong chương trình nghị sự ngoại giao của nước này và có khả năng sẽ tiếp tục như vậy trong nhiều năm tới.
Tuy nhiên, sự tham gia của Trung Quốc với châu lục này trong từng giai đoạn không phải lúc nào cũng giống nhau. Các nhà phân tích chỉ ra Trung Quốc đã chuyển từ chủ yếu tập trung vào thương mại sang tập trung vào nỗ lực mở rộng ảnh hưởng trên toàn thế giới.
Lina Benabdallah, giáo sư chính trị và quan hệ quốc tế tại Đại học Wake Forest (Mỹ), đánh giá ưu thế của công cụ ngoại giao này là sự liên tục và thành tích đạt được. “Điều này đã tạo nên một nền tảng về sự ổn định và liên tục ưu tiên quan hệ Trung Quốc-châu Phi”, nữ giáo sư nhận định.
Trong chuyến thăm của Ngoại trưởng Vương Nghị hồi đầu năm, người đồng cấp Ai Cập Sameh Shoukry cho biết ông rất vui mừng khi đất nước của ông là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Phi của đặc phái viên Trung Quốc, một động thái mà Ai Cập cho rằng thể hiện tình hữu nghị vững chắc và sâu sắc giữa hai nước.
Tại Togo, Ngoại trưởng Robert Dussey cho biết chuyến đi của ông Vương Nghị có ý nghĩa đặc biệt và quốc gia Tây Phi này đánh giá cao truyền thống cử ngoại trưởng tới thăm châu Phi vào đầu năm của Bắc Kinh.
Trong một cuộc gặp riêng với Ngoại trưởng Vương Nghị, Tổng thống Togo Faure Gnassingbe đã nói: “Người dân châu Phi cần một người bạn như Trung Quốc, người quan tâm đến thực tế của châu Phi, lắng nghe yêu cầu của châu Phi và không bao giờ áp đặt ý chí của mình lên người khác”.
Theo Alessandro Arduino, giảng viên liên kết tại Viện Lau China thuộc Đại học King's London, châu Phi đã và vẫn là ưu tiên hàng đầu của Trung Quốc.
“Trong thập kỷ qua, Trung Quốc đã nỗ lực chiến lược để định vị mình không chỉ là một cường quốc kinh tế mà còn là một bên tham gia an ninh trong khu vực, thể hiện rõ qua việc tăng cường đào tạo lực lượng quân sự và cảnh sát cho nhiều quốc gia châu Phi, cũng như các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và an ninh. chuyển giao thiết bị”, ông Arduino cho biết.
Trong hơn 1 thập kỷ, Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của khu vực. Dữ liệu hải quan năm 2023 cho thấy tổng thương mại đạt được giữa Trung Quốc và châu Phi là 282 tỷ USD.
Trung Quốc đã chi trả cho các dự án lớn ở châu Phi, với hầu hết các nước trong khu vực đều tham gia sáng kiến Vành đai, Con đường.
Về mặt an ninh, Trung Quốc ngày càng tham gia nhiều hơn vào các nỗ lực gìn giữ hòa bình, chống khủng bố, chống cướp biển và các biện pháp khác nhờ đầu tư rộng rãi vào khu vực.
Nước này cũng đã tìm cách mở rộng dấu ấn quân sự của mình. Năm 2017, Trung Quốc mở căn cứ hải quân nước ngoài đầu tiên ở Djibouti và tiến hành các cuộc tập trận với nhiều quốc gia châu Phi kể từ đó.
Mandira Bagwandeen, giảng viên khoa học chính trị tại Đại học Stellenbosch ở Nam Phi, cho hay mối quan hệ của Trung Quốc với lục địa này đã phát triển thành mối quan hệ nhiều mặt và tích cực kể từ năm 1991, khi Ngoại trưởng Tiền bắt đầu truyền thống hàng năm.
Đầu những năm 2000, một châu Phi – giàu tài nguyên thiên nhiên như dầu mỏ và các khoáng sản quan trọng –trở thành nhà cung cấp tài nguyên quan trọng cho nền kinh tế đang phát triển của Trung Quốc sau khi Trung Quốc triển khai chính sách Đi ra ngoài để thúc đẩy đầu tư.
“Mối quan hệ chính trị vẫn rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh địa chính trị hiện nay. Tuy nhiên, mối quan hệ kinh tế đã phát triển ngày càng mạnh mẽ trong những năm qua. Châu Phi không chỉ là nhà cung cấp tài nguyên đơn giản cho Trung Quốc mà còn là khu vực có tầm quan trọng chiến lược”, giảng viên Bagwandeen lý giải.
Trong khi lợi ích tài nguyên sẽ vẫn là trụ cột trong các cam kết của Trung Quốc với châu Phi, bà Bagwandeen cho biết lợi ích của Bắc Kinh trong việc đóng một vai trò trong quá trình công nghiệp hóa của châu Phi đã bổ sung thêm một góc độ kinh tế chiến lược mới cho mối quan hệ. Việc nâng cấp quan hệ với châu Phi lên đối tác chiến lược toàn diện vào năm 2015 cho thấy mong muốn của Bắc Kinh tăng cường quan hệ với khu vực trên mọi mặt, từ chính trị, kinh tế đến an ninh.
Theo bà Benabdallah, dù mức độ nhu cầu về nguyên liệu thô từ châu Phi của Trung Quốc có thể thay đổi khó có khả năng Bắc Kinh sẽ rời bỏ châu Phi, đặc biệt là trong bối cảnh cạnh tranh địa chính trị gay gắt với Washington và châu Âu về ảnh hưởng ở châu Phi.
“Tôi không nghĩ chúng ta sẽ thấy truyền thống này sớm biến mất vì phía Trung Quốc nhận ra rằng họ được các bên châu Phi đánh giá rất cao. Những chuyến thăm này là công cụ ngoại giao quan trọng trong việc hoạch định chính sách đối ngoại của Trung Quốc ở châu Phi”, bà Benabdallah kết luận.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.