Mỹ điều ồ ạt tàu sân bay tới châu Á làm gì?

Thứ hai, ngày 25/08/2014 09:58 AM (GMT+7)
Ngay sau khi xảy ra vụ máy bay chiến đấu Trung Quốc chặn máy bay trinh sát của Mỹ trên Biển Đông, hải quân Mỹ điều cụm tác chiến tàu sân bay thứ hai tới khu vực.
Bình luận 0

Trang tin Washington Free Beacon đưa tin, cụm tàu sân bay USS Carl Vinson hôm 22.8 rời thành phố San Diego tới Thái Bình Dương, để tuần tra “cả khu vực do hạm đội 5 và hạm đội 7 đảm trách”.

img
Tàu sân bay USS Carl Vinson. Ảnh: Getty Images.

 

>>  Đời buồn của U70 phải ra công viên bán dâm kiếm cơm qua ngày

>>  Quân đội vào làng người Việt ở Ukraine kêu gọi nhập ngũ

Hải quân Mỹ thông báo, việc triển khai USS Carl Vinson “đã được lên kế hoạch”. Hộ tống tàu sân bay có tuần dương hạm USS Bunker Hill và 3 khu trục hạm USS Gridley, USS Sterett và USS Dewey. Cụm tàu này sẽ gia nhập cụm tàu sân bay USS George Washington đóng tại Nhật Bản.

Trong khi đó, quân đội Trung Quốc yêu cầu Mỹ chấm dứt mọi chuyến bay giám sát, đồng thời bác bỏ những chỉ trích của Mỹ về việc máy bay Trung Quốc áp sát nguy hiểm ngày 19.8.

Theo Reuters, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Dương Vũ Quân tuyên bố, máy bay chiến đấu Trung Quốc thực hiện “nhận diện và xác minh bình thường” chiếc P-8 chống ngầm của hải quân Mỹ, trong một vụ chạm trán bất ngờ cách phía đông đảo Hải Nam hơn 200 km.

Ông Dương phủ nhận việc chiếc tiêm kích J-11 (thiết kế nhái máy bay Su-27 của Nga) tạt đầu P-8, phơi bụng khoe vũ khí có ý hăm dọa. Ông coi chỉ trích của Lầu Năm Góc là sự kiện “hoàn toàn không có căn cứ” và nhấn mạnh, viên phi công Trung Quốc đã thao tác một cách chuyên nghiệp và giữ khoảng cách an toàn.

Trước đó, người phát ngôn Lầu Năm Góc, thiếu tướng John Kirby, khẳng định, thao tác của chiến đấu cơ J-11 là một hành động nguy hiểm và thiếu chuyên nghiệp. Tướng Kirby cho biết, quân đội Mỹ đã phản đối hành động này.

Khi được hỏi về phản bác của ông Dương, tướng Kirby nói: “Chúng tôi giữ nguyên quan điểm về sự cố nguy hiểm và thiếu chuyên nghiệp đó”. Mỹ khẳng định có đủ bằng chứng về sự cố nguy hiểm và hành vi đe dọa của máy bay chiến đấu Trung Quốc.

Đe dọa phản tác dụng

Một phát ngôn viên khác của Lầu Năm Góc, trung tá Jeff Pool, nói rằng, vụ máy bay Trung Quốc bay cách máy bay Mỹ chỉ có 10m là sự cố hàng không nguy hiểm nhất kể từ vụ va chạm hồi tháng 4/2001 giữa một máy bay trinh sát EP-3 của Mỹ với chiến đấu cơ J-8 của Trung Quốc.

Đây là sự cố mới nhất tiếp sau những vụ máy bay Trung Quốc chặn đuổi bị Lầu Năm Góc coi là “phi tiêu chuẩn, thiếu chuyên nghiệp và không an toàn đối với máy bay Mỹ”.

Phía Mỹ nói máy bay thực hiện vụ chặn đầu khiêu khích thuộc cùng đơn vị ở đảo Hải Nam từng tiến hành các vụ khiêu khích tương tự hồi tháng 3, 4 và 5. Phó Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ Ben Rhodes nói rằng, vụ chặn máy bay là “một sự khiêu khích rất đáng quan ngại”.

Ông Dương Vũ Quân cáo buộc những vụ do thám thường xuyên gần bờ biển Trung Quốc của Mỹ đe dọa an ninh hàng không, hàng hải và là nguồn gốc của các sự cố. Ông Dương yêu cầu Mỹ chấm dứt hoạt động do thám chống Trung Quốc.

Ông này nói Mỹ cần tôn trọng nguyên tắc “không xung đột, không đối đầu, tôn trọng lẫn nhau và hợp tác cùng thắng, có các hành động cụ thể nhằm tạo môi trường lành mạnh cho quan hệ quân sự song phương”. Đài truyền hình trung ương Trung Quốc CCTV cho rằng, hoạt động của máy bay Mỹ “đe dọa an ninh, quốc phòng của đất nước ở biển Đông”.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc khẳng định, hoạt động trinh sát của Mỹ là hoàn toàn hợp pháp, tuân thủ luật pháp quốc tế, đúng theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.

Sự cố chặn đầu máy bay Mỹ xảy ra trong bối cảnh Trung Quốc thể hiện thái độ cứng rắn về biển Đông. Giới chức Mỹ nhận định, phát ngôn của quan chức Trung Quốc liên quan diễn biến tại Diễn đàn Khu vực ASEAN ở Myanmar vừa qua cho thấy, Trung Quốc không có ý định rút lại những yêu sách hung hăng ở biển Đông, đồng thời cố gắng ngăn chặn Mỹ can dự vào tranh chấp trong khu vực.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị đã thẳng thừng bác bỏ đề xuất của Mỹ về việc tự nguyện đóng băng mọi hành động gây bất ổn tại các vùng biển tranh chấp, như việc Trung Quốc hạ đặt giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Việt Nam.

Trung Quốc còn ngang ngược thông báo sẽ đẩy mạnh hoạt động tại các vùng biển tranh chấp. Chính vì thế, Mỹ đã thông báo sẽ giám sát hành động của các bên ở biển Đông.

Chuyên gia Rick Fisher thuộc Trung tâm Chiến lược (Mỹ) nhận định trên tờ China Times (Đài Loan) ngày 24.8 rằng, Mỹ đang tăng cường tuần tra tại biển Đông do Trung Quốc gia tăng sức ép lên các quốc gia láng giềng, nhiều nước trong số đó là đồng minh và đối tác của Mỹ.

 

(Theo Tiền Phong)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem