Thủ tướng Ukraine Arseniy Yatsenyuk
"Chúng tôi yêu cầu các đối tác của chúng tôi không nới lỏng các biện pháp trừng phạt (Nga) cho đến khi Ukraine nắm được quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ", ông Yatsenyuk nhấn mạnh tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 24.9.
Lớn tiếng tố cáo về “một cuộc xâm lược” của Nga vào Ukraine và cáo buộc Moscow vi phạm các điều lệ của Liên Hợp Quốc, Thủ tướng Yatsenyuk yêu cầu, Nga tuân thủ "tất cả các điểm" trong thỏa thuận hòa bình trong đó bao gồm một lệnh ngừng bắn và quyết định cung cấp quyền tự trị đặc biệt cho một số khu vực ở miền Đông Ukraine.
"Mỗi ngày, bất chấp thỏa thuận ngừng bắn, Ukraine vẫn đang mất đi nhiều quân nhân và dân thường. Các vụ pháo kích ác liệt vẫn đang diễn ra", ông Yatsenyuk nhấn mạnh.
Quân đội Ukraine tham gia chiến dịch quân sự chống lại lực lượng ly khai tại miền Đông.
Theo đó, Thủ tướng Yatsenyuk yêu cầu Nga rút quân khỏi Ukraine và ngừng hỗ trợ cho quân ly khai ở miền Đông nước này bất chấp Moscow nhiều lần phủ nhận họ cung cấp viện trợ cho lực lượng nói trên.
Ngoài ra, cũng tại Liên Hiệp Quốc, ông Arseny Yatsenyuk còn tuyên bố, sẽ rất khó khăn cho Ukraine để giành lại quyền kiểm soát bán đảo Crimea một khi ông Putin còn giữ chức Tổng thống Nga. Bất chấp cuộc trưng cầu dân ý để quyết định việc tách khỏi Ukraine hồi tháng 3 tại Crimea được tổ chức phù hợp với luật pháp quốc tế, Kiev nhiều lần tuyên bố không công nhận việc bán đảo này gia nhập Liên bang Nga.
Những tuyên bố của Thủ tướng Ukraine được đưa ra vài giờ sau bài phát biểu của Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc. Trong bài phát biểu này, dù lên án Nga song ông chủ Nhà Trắng cũng đề xuất nới lỏng trừng phạt nhắm vào Moscow nếu nước này thay đổi cách tiếp cận đối với cuộc khủng hoảng Ukraine.
“Sự xâm lược của Nga ở châu Âu gợi nhớ lại thời kỳ các nước lớn chà đạp những nước nhỏ để theo đuổi tham vọng lãnh thổ. Các hành động của Nga ở Ukraine thách thức trật tự thời hậu chiến. Chúng tôi sẽ khiến Nga phải trả giá vì sự xâm lược này", ông Obama nhấn mạnh trong cuộc họp có sự góp mặt của Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov.
Dù vậy, nhà lãnh đạo Mỹ khẳng định thỏa thuận ngừng bắn gần đây ở Ukraine đang mở ra cánh cửa hướng đến ngoại giao và hòa bình: “Nếu Nga đi theo con đường đó, con đường đã mang lại sự thịnh vượng cho người dân Nga trong thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, thì chúng tôi sẽ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt của mình và hoan nghênh vai trò của Nga trong giải quyết những thách thức chung”. Ông chỉ rõ Nga và Mỹ đã hợp tác trong quá khứ, từ cắt giảm các kho vũ khí hạt nhân đến di dời và tiêu hủy vũ khí hóa học của Syria, đồng thời nhấn mạnh Washington sẵn sàng tiếp tục theo đuổi kiểu hợp tác đó “nếu Nga thay đổi cách tiếp cận”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.