Bạch Dương
Thứ tư, ngày 23/11/2022 17:24 PM (GMT+7)
Trong những ngày này, các cấp bộ Đoàn TP.HCM đang nỗ lực tổ chức đợt thi đua "Tự hào thanh niên Thành phố anh hùng" chào mừng Đại hội Đoàn các cấp, hiện thực hóa lời dạy của chú Sáu Dân: "Lớp người trước không tiếc máu. Lớp người sau không tiếc mồ hôi. Tổ quốc sống, Thành phố sống vì những lứa tuổi thanh xuân biết nghĩ, biết làm"
Bí thư Thành đoàn TP.HCM Phan Thị Thanh Phương cho biết, nếu như với mọi người dân Việt Nam, khi nhắc đến đồng chí Võ Văn Kiệt là nhắc đến một nhà lãnh đạo đất nước dấn thân và kiến tạo, có nhiều đóng góp to lớn, mang tính đột phá cho sự đổi thay của đất nước thì với tuổi trẻ TP.HCM, ông là "chú Sáu Dân", một "người bạn" đồng hành quý giá đã luôn động viên, quan tâm và đặt trọn niềm tin vào thanh niên.
Chú Sáu Dân gọi thanh niên là "Thế hệ thứ tư", thế hệ tiếp nối lớp thanh niên đã anh dũng đứng lên đấu tranh trong cuộc Nam Kỳ Khởi Nghĩa, cuộc kháng chiến chống Pháp và cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
"Khi ấy, tên gọi này được chú Sáu Dân trao cho không chỉ nhắc nhở thanh niên Thành phố về vai trò của mình trong thời kỳ mới của đất nước, mà còn là sự công nhận xứng đáng tiếp nối những truyền thống hào hùng của tuổi trẻ vùng đất này. Gọi thanh niên, chú không chào theo cách chúng ta thường thấy một lãnh đạo Thành phố chào người dân. Hai chữ "kính chào" được chú dùng với một ý nghĩa thật trân trọng, như cách chào của một người lãnh đạo cao niên đã qua biết bao sương gió chào một người mà ông biết cũng đã từng trải không kém gì mình", chị Phương chia sẻ.
Lớp lớp tuổi trẻ và mỗi công dân đang sinh sống ở thành phố vẫn xúc động nhớ đến hình ảnh đồng chí Bí thư Thành ủy trao cờ truyền thống Đoàn Thanh niên Lao động Hồ Chí Minh cho thế hệ trẻ trong Lễ xuất quân Thanh niên xung phong ngày 28/3/1976 với nụ cười ánh lên sự tự hào, hay hình ảnh đồng chí Bí thư Thành ủy mặc bộ đồ đồng phục thanh niên xung phong, đầu đội mũ tai bèo, vai vác xẻng hăng hái cùng thanh niên ra công trường lao động, xây dựng khu kinh tế mới. Có thể nói rằng, trong suốt giai đoạn làm Bí thư Thành ủy TP.HCM, ông Võ Văn Kiệt hiếm khi nào vắng mặt trong những sự kiện lớn của thanh niên thành phố.
Ông luôn nhắc nhở tổ chức Đoàn phải dũng cảm nhận lấy trách nhiệm không thể thoái thác được là làm nòng cốt xây dựng một lớp người làm chủ tương lai, khẩn trương và kiên trì lôi cuốn biết bao người trẻ tuổi chưa nhận rõ đường đi, còn thờ ơ với cuộc sống xung quan mình, để hăng hái dấn thân, nhập cuộc vào sự nghiệp chung của dân tộc. Ông cũng đặt niềm tin của mình vào thế hệ thanh niên, đặt trọn niềm tin vào thế hệ kế cận với lý tưởng cao đẹp, với chất men sống của phong trào sôi nổi rằng dù bị nhiễm độc của xã hội cũ đến đâu, bất kỳ người trẻ tuổi nào ở Thành phố cũng đều có điều kiện và khả năng tiến bộ đi tới.
"Thế hệ thứ tư" luôn nhớ chú Võ Văn Kiệt
Phong trào lao động tình nguyện của tuổi trẻ thành phố đã "sáng tạo một giá trị tinh thần căn bản" như sự kỳ vọng của Thủ tướng Võ Văn Kiệt với những hoạt động tình nguyện đã trở thành thương hiệu với những đặc trưng riêng, phát huy năng lực, sở trường, điều kiện và khả năng của từng đối tượng trong những mùa cao điểm, như: Sinh viên với Chiến dịch tình nguyện "Mùa hè xanh", chương trình "Tiếp sức mùa thi", chiến dịch "Xuân tình nguyện", chương trình "Gia sư áo xanh";
Thanh niên công nhân với Chiến dịch "Kỳ nghỉ hồng"; Thanh niên lực lượng vũ trang với Chiến dịch tình nguyện "Hành quân xanh"; Học sinh Trung học phổ thông, giáo viên trẻ Trung học phổ thông với Chiến dịch "Hoa phượng đỏ"; lực lượng trí thức trẻ như giảng viên, nhà nghiên cứu, nhà khoa học, y bác sĩ có chương trình "Trí thức trẻ tình nguyện", thanh niên tại địa bàn dân cư là lực lượng trung tâm phối hợp các chiến dịch tình nguyện trên.
Phong trào thanh niên tình nguyện với hiệu quả và ý nghĩa mạnh mẽ trong nhiều năm qua, cũng đã thể hiện khá rõ nét vai trò của Đoàn, của đoàn viên chọn trúng việc để làm, làm đúng việc cần làm, làm có trọng tâm và để lại dấu ấn, tạo nên sức mạnh hệ thống có sức hiệu triệu thanh niên và dẫn dắt xã hội tham gia các hoạt động tình nguyện vì cộng đồng, đóng góp tích cực vào sự phát triển của thành phố và đất nước.
Bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM nhớ lại: "Những năm đầu giải phóng tôi làm công tác thiếu nhi và sau đó làm Bí thư Thành đoàn. Lúc đó chú Kiệt làm Bí thư Thành uỷ và sự quan tâm của chú đối với tuổi trẻ làm chúng tôi tự nhủ - nếu được thì dành cả đời làm công tác thiếu nhi. Và đã có không ít cán bộ phụ trách Đội nghĩ như thế".
Sự chăm lo của ông đối với công tác thiếu nhi hết sức sâu sát, cụ thể. Ông và lãnh đạo thành phố đã dành những ngôi nhà đẹp nhất để làm nơi sinh hoạt thiếu nhi, dành cả công viên riêng để thiếu nhi đến vui chơi, cắm trại, dành cả ngôi nhà ông đang ở để làm nhà trẻ. Ông đã lo cho tuổi trẻ có nhiều sách báo, thiếu nhi có tờ báo và nhà xuất bản riêng. Ông đã tham gia nhiều hoạt động của thiếu nhi và cũng thường xuyên góp giấy vụn cùng với phong trào kế hoạch nhỏ. Ông đã gặp gỡ kịp thời các em nhỏ biết giúp bạn, cứu người như Mạc Văn Sơn cõng bạn đi học, như Vũ Phương đã liều mình cứu bạn khỏi hiểm nguy trên đường ray xe lửa…
"Câu nói "Thành phố soi thấy tương lai rất sáng của mình trên vầng trán của các em" làm chúng tôi nhớ mãi", bà Thảo nhắc lại.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.