Thế nào là mặt nạ Trung thu chuẩn của Việt Nam?

An Du Thứ hai, ngày 07/09/2015 10:12 AM (GMT+7)
Thông qua mặt nạ Trung thu của người Việt, những dấu ấn văn hóa đậm chất tín ngưỡng nông nghiệp của cư dân làm lúa nước được hiện ra. Dường như nó cũng khác hẳn với các hình tượng hay truyền thuyết về trung thu của Trung Quốc – vốn được xem là một nền văn hóa đồng văn với Việt Nam...
Bình luận 0

Theo TS Trang Thanh Hiền, giảng viên trường ĐH Mỹ thuật Việt Nam, trong số các loại hình đồ chơi Trung Thu, mặt nạ giấy bồi là loại hình lâu công nhất.

Để làm nên một chiếc mặt nạ bồi chơi Trung Thu, có khá nhiều các công đoạn khác nhau. Khâu đầu tiên là tạo hình bằng đất sét khuôn hình mặt nạ nhân vật mong muốn. Công đoạn này chỉ có người lớn mới có thể làm. Sau đó đến phần việc bồi những lớp giấy bản chồng lên nhau bằng hồ nếp để tạo ra một chiếc mặt nạ vừa nhẹ, vừa cứng để trẻ có thể cầm chơi vui cùng với lễ hội rước đèn.

img

Khâu cuối cùng, cũng là khâu quyết định là sơn vẽ sao cho các mặt nạ đó được sinh động, hấp dẫn. Xa xưa mặt nạ Việt thường dùng sơn ta pha với màu tự nhiên được quết lên cũng khiến cho các lớp giấy bản tuy mỏng nhưng lại có thể được gia cố lại một cách chắc chắn. Không chỉ tô vẽ, một số các loại hình mặt nạ như đầu ông lân – sư tử, người ta còn gắn thêm các loại lông mao, lông mày bằng lông thỏ, rồi cắt miếng vải điều dán phía sau để các cuộc chơi của trẻ em thêm sinh động.

Sau này, việc làm mặt nạ hay đồ chơi dân gian không còn duy trì ở từng gia đình mà được chuyên môn hóa. Các nghệ nhân đến mùa trăng, sẽ làm hàng loạt mặt nạ với nhiều khuôn dáng khác nhau rồi đi bán ở hầu hết các làng quê của Việt Nam. Ngày nay, việc làm mặt nạ bồi Ở Hà Nội có một vài nhà ở Hàng Lược, Hàng Mã làm; Làng Hảo ở Liêu Xá, Hưng Yên cũng là nơi đến dịp này sản xuất hàng loạt cung ứng cho các vùng.

Đám rước đèn, chơi mặt nạ tưởng chừng như chỉ là trò vui của con trẻ, nhưng thực chất qua đó dân gian gửi gắm những thông điệp với đất trời. Miền ước mong cho trời yên bể lặng, mong cho ánh trăng sáng tươi, đất đai màu mỡ như được hiện lên qua các hình ảnh của mặt nạ Trung Thu, tất cả như gợi ý cho các thế lực tự nhiên, trời đất, trông đó mà tạo phúc cho niềm ước vọng của con người.

img

Tạo hình bằng đất sét khuôn hình mặt nạ nhân vật mong muốn

Trong sự xoay vần của trời đất – lục đạo luân hồi, rồi sự xuất hiện của hình tượng Phật giáo chính là sự kết hợp của những ngữ nghĩa văn hóa, như một sự đủ đầy, sự sung mãn cả về đời sống tinh thần lẫn vật chất của người Việt. Chúng cũng như ước mong, thông điệp gửi gắm vào đất trời, cho mùa màng bội thu, cho con cháu luôn tươi vui khỏe mạnh.

Như vậy, có thể thấy thông qua các mặt nạ Trung Thu của người Việt, những dấu ấn văn hóa đậm chất tín ngưỡng nông nghiệp của cư dân làm lúa nước được hiện ra. Dường như nó cũng khác hẳn với các hình tượng hay truyền thuyết về trung thu của Trung Quốc – vốn được xem là một nền văn hóa đồng văn với Việt Nam...

Thế nào là mặt nạ Trung thu chuẩn của Việt Nam? Việt Nam có Tết Trung thu của mình không? Trong vai trò diễn giả, TS. Trang Thanh Hiền sẽ có một buổi trò chuyện xung quanh chiếc mặt nạ Trung thu nằm trong khuôn khổ dự án “Cùng sáng tạo mặt nạ Việt, vui Tết Trung thu” được khai mạc vào ngày 13.9 tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 Nguyễn Thái Học, Hà Nội).

Bên cạnh việc tổ chức cho các em nhỏ vẽ mặt nạ sáng tạo, dự án sẽ có một triển lãm 20 tác phẩm mặt nạ do các họa sĩ họa sĩ tên tuổi và các họa sĩ trẻ sáng tạo, được trưng bày trong không gian bảo tàng. 20 tác phẩm này được bán gây quỹ cho việc xây dựng trường học, lập tủ sách ở Trường Tiểu học Suối Bau, huyện Phù Yên, tỉnh Sơn La.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem