Thêm cẩm nang cho nhà báo Việt Nam trong thời đại kỹ thuật số

Nguyên Phương Thứ sáu, ngày 30/03/2018 07:49 AM (GMT+7)
Chương trình Nghiên cứu Internet và xã hội (VPIS) phối hợp với Hãng Thông tấn Reuters và Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) tổ chức Lễ công bố và ra mắt Sổ tay “Hướng dẫn kỹ năng đưa tin trong thời đại kỹ thuật số” chiều 28.3 vừa qua.
Bình luận 0

img

Toàn cảnh lễ ra mắt Sổ tay “Hướng dẫn kỹ năng đưa tin trong thời đại kỹ thuật số” (Ảnh: I.T) 

Sự bùng nổ của Internet và mạng xã hội đã tạo nhiều thay đổi trong lĩnh vực báo chí và truyền thông với nhiều cơ hội và thách thức cho các tòa soạn và các nhà báo, phóng viên.

Theo Báo cáo Tin tức Số (Digital News Report) của Hãng thông tấn Reuters 2018, thách thức lớn nhất hiện nay của các cơ quan báo chí không chỉ có áp lực chạy đua thông tin trong kỷ nguyên số mà còn là sự mất niềm tin của độc giả vào tòa soạn (với chỉ 43% dân số được khảo sát tại 36 quốc gia còn giữ niềm tin vào các hãng tin tức).

Công chúng đang có xu hướng thay đổi mạnh mẽ trong thói quen tiếp cận thông tin từ những phương tiện truyền thông truyền thống sang các phương tiện truyền thông số, trong đó có mạng xã hội. Nhu cầu của công chúng luôn bận rộn đòi hỏi báo chí số cần hướng đến định dạng rõ ràng, ngắn gọn hơn.

Phân tích bối cảnh môi trường truyền thông hiện nay, GS.TS Phạm Quang Minh, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội (VPIS), Hiệu trưởng Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn khẳng định: Với hơn 4 tỷ người dùng hiện nay, theo công bố của We Are Social, Internet cùng với sự phát triển của các phương tiện truyền thông số đã thay đổi nhanh chóng môi trường báo chí Việt Nam và thế giới. Dựa trên những nền tảng công nghệ mới, nhà báo không chỉ theo dõi và khai thác thông tin dễ dàng hơn mà còn có thể tiếp cận gần hơn với độc giả qua những cách thức truyền tải sinh động một cách nhanh chóng và trực tiếp.

"Tuy nhiên, môi trường truyền thông số cũng đặt ra những áp lực không nhỏ về việc cân bằng giữa tốc độ và tính chính xác của thông tin, giữa những yêu cầu liên quan đến khía cạnh thương mại và sự công tâm, liêm chính của nhà báo. Đặc biệt, giữa đa dạng các nguồn thông tin và cạm bẫy tin giả, vai trò của nhà báo được đề cao trong việc lọc kiểm chứng thông tin có ý nghĩa nhất nhằm thực hiện sứ mệnh giúp độc giả có thể chạm tới những khía cạnh chân thực và quan trọng nhất của cuộc sống”, GS Minh khẳng định.

img

Cẩm nang hướng dẫn kỹ năng đưa tin trong thời đại kỹ thuật số. 

Dựa trên tinh thần đó, với mục tiêu hỗ trợ những người làm báo bắt kịp các thay đổi nhanh chóng của truyền thông hiện nay, Chương trình Nghiên cứu Internet và Xã hội, Hãng Thông tấn Reuters và Trung tâm Bồi dưỡng Nghiệp vụ Báo chí (Hội Nhà báo Việt Nam) phối hợp thực hiện cuốn sổ tay “Hướng dẫn kỹ năng đưa tin trong thời đại kỷ thuật số” nhằm đưa ra những nguyên tắc quan trọng và có ý nghĩa thực tiễn cho các nhà báo tác nghiệp trong môi trường số và mạng xã hội.

Trong đó, cuốn sổ tay đi sâu phân tích báo chí dữ liệu, một xu hướng nổi bật của làng truyền thông hiện nay, giúp nhà báo tận dụng công nghệ số để thu thập dữ liệu và truyền tải chúng thành tin tức có giá trị, khách quan và hấp dẫn.

Đây có thể là cuốn sổ tay đầu tiên tại Việt Nam hướng đến cung cấp những nguyên tắc tác nghiệp quan trọng cho các nhà báo trong môi trường truyền thông số, đồng thời cập nhật những chính sách, điều luật liên quan mới tại Việt Nam và những xu hướng báo chí thế giới.

Ngoài ra, với mong muốn tiếp nối những giá trị ban đầu của cuốn sổ tay, các đại biểu cũng đề xuất những định hướng phát triển nội dung của các cuốn sổ tay tiếp theo với những cập nhật và hướng dẫn chuyên sâu hơn về cách áp dụng các xu hướng báo chí thế giới mới nhất dựa trên bối cảnh truyền thông Việt Nam.

Đánh giá về ý nghĩa cuốn sổ tay, PGS.TS Đinh Thị Thuý Hằng, Giám đốc Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ báo chí cho rằng: “Cuốn sổ tay là một tài liệu hữu dụng dành cho các nhà báo và những người làm truyền thông với những nội dung rất cụ thể mang tính áp dụng thực tiễn cao được trình bày một cách dễ hiểu, dễ nhớ”.

Còn TS. Phạm Hải Chung, Giảng viên Học viện Báo chí và Tuyên truyền chia sẻ về định hướng phát triển tiếp theo của cuốn sổ tay: Cuốn sổ tay đề cập tới những giá trị căn bản trong thời đại báo chí kỹ thuật số và nguyên tắc áp dụng những giá trị đó trong bối cảnh báo chí Việt Nam. Đây là phiên bản đầu tiên và là sự nỗ lực của các chuyên gia, các nhà báo trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, trong bối cảnh công nghệ phát triển không ngừng, một cuốn cẩm nang khó có thể bao quát hết các tình huống tác nghiệp đa dạng của nhà báo.

"Tôi hy vọng, dựa trên những nguyên tắc được hệ thống hóa trong phiên bản đầu tiên nay, cuốn sổ tay sẽ tiếp tục được cập nhật thường xuyên bởi chính các nhà báo ở Việt Nam và phát triển thành chuỗi các cuốn sổ tay chuyên biệt hơn. Ví dụ như cập nhật về các xu hướng báo chí mới, cách thức ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong quá trình tác nghiệp hoặc đề cập những yếu tố giúp tăng tương tác giữa công chúng và toà soạn. Hy vọng cuốn sổ tay sẽ góp phần thúc đẩy môi trường truyền thông – báo chí minh bạch và phát triển bền vững trong kỷ nguyên số”, TS Phạm Hải Chung.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem