Đã phê duyệt 775 tàu đóng mới
Theo Vụ Khai thác (Tổng cục Thuỷ sản), triển khai Nghị định 67, đến nay 27/28 tỉnh, thành phố ven biển đã phê duyệt danh sách ngư dân đủ điều kiện đóng mới tàu cá với 775 tàu đóng mới và 107 tàu nâng cấp. Trong đó, đóng mới tàu vỏ thép 336 tàu, vỏ vật liệu mới 54 tàu, vỏ gỗ 385 tàu; tàu từ 400CV đến dưới 800CV: 278 chiếc, từ 800CV đến dưới 1.000CV: 434 chiếc, 1.000CV trở lên: 63 chiếc…
Ngư dân Lý Sơn (Quảng Ngãi) bốc cá lên bờ sau chuyến biển ngắn ngày. Ảnh: Tuấn Linh
Về việc đóng mới tàu, theo báo cáo của Tổng cục Thuỷ sản, tính đến 20.9, đã có 38 tàu cá đóng mới và tàu nâng cấp được hạ thuỷ, trong đó Nghệ An 6 tàu, Quảng Bình 6 tàu, Thừa Thiên-Huế 4 tàu, Quảng Nam 2 tàu, Quảng Ngãi 3 tàu, Khánh Hoà 1 tàu vỏ composite; Bình Thuận 3 tàu (1 tàu vỏ thép)... Hiện các ngân hàng thương mại đã ký kết được 174 hợp đồng tín dụng với các chủ tàu (168 tàu đóng mới, 6 tàu nâng cấp). Số tiền cam kết cho vay là 1.716 tỷ đồng, đã giải ngân được 476 tỷ đồng.
Đánh giá của Bộ NNPTNT, sau gần 1 năm triển khai thực hiện Nghị định 67, về cơ bản các nội dung của nghị định đã đáp ứng được yêu cầu của sản xuất thủy sản, nhu cầu của ngư dân và đã đạt được một số kết quả theo đúng định hướng, mục tiêu ban đầu khi xây dựng và ban hành. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai thực hiện và thực tiễn sản xuất đã bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc cần được khắc phục, sửa đổi cho phù hợp hơn với thực tế sản xuất và khả năng của ngư dân khi tham gia các chính sách này.
“Thời gian vừa qua việc triển khai chính sách phát triển thuỷ sản theo Nghị định 67 còn chậm, trong đó nguyên nhân có cả khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, đây là chính sách toàn diện nhất, tổng thể nhất, liên quan tới rất nhiều thủ tục để có thể triển khai được. Do đó, cần có thời gian để ngư dân và địa phương nghiên cứu kỹ chính sách khi tiếp cận vốn...” - Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám nói.
Triển khai đồng bộ hơn
Theo ông Nguyễn Văn Trung- Vụ trưởng Vụ Khai thác, đối với các chính sách khác tỷ lệ thực hiện còn “khiêm tốn”, ví dụ như chính sách tín dụng lưu động, các địa phương mới chỉ phê duyệt được 227 chủ tàu đủ điều kiện hưởng chính sách này. Trong khi, mỗi chuyến ra khơi, các ngư dân rất cần có vốn lưu động để đánh bắt xa bờ hiệu quả.
|
Thứ trưởng Vũ Văn Tám cho biết, Nghị định 89/2015 có rất nhiều điểm sửa đổi, bổ sung so với Nghị định 67 theo những kiến nghị của địa phương và các bộ, ngành liên quan. Trong đó, điểm rất đáng chú ý là cho phép sử dụng máy thuỷ đã qua sử dụng lắp trên tàu cá khi nâng cấp máy tàu (tàu cá đóng mới phải sử dụng máy thủy mới).
Thay vì quy định thời hạn cho vay 11 năm, Nghị định 89 quy định thời hạn cho vay đối với từng trường hợp. Cụ thể, thời hạn cho vay hỗ trợ lãi suất 11 năm đối với trường hợp đóng mới tàu vỏ gỗ hoặc nâng cấp tàu; 16 năm đối với đóng mới tàu vỏ thép hoặc vỏ vật liệu mới.
Cũng theo Nghị định 89, đối với trường hợp gia cố bọc vỏ thép; bọc vỏ vật liệu mới; mua ngư lưới cụ, trang thiết bị hàng hải, trang thiết bị khai thác, máy móc trang thiết bị bảo quản sản phẩm, trang thiết bị bốc xếp hàng hóa, chủ tàu được vay vốn ngân hàng thương mại tối đa 70% tổng giá trị nâng cấp với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả 3%/năm, ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm.
Theo Bộ NNPTNT, để chính sách phát triển thuỷ sản thực sự phát huy hiệu quả, trong thời gian tới, khi triển khai các địa phương phải nghiên cứu kỹ chính sách bổ sung của Nghị định 89. Đặc biệt là phải triển khai đồng bộ hơn chứ không chỉ tập trung vào đóng tàu hay nâng cấp tàu cá. Bên cạnh đó còn nhiều chính sách khác hỗ trợ trực tiếp cho ngư dân, như chính sách bảo hiểm, chính sách vay vốn tín dụng ngắn hạn cho các chuyến biển, chính sách đào tạo… cần được triển khai đồng bộ hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.