Thi hành án bàn giao khu đất 'vàng' 2-4-6 Hai Bà Trưng cho TPHCM quản lý

12/10/2022 07:09 GMT+7
Ngày 11/10, Trung tâm phát triển quỹ đất thuộc Sở TN&MT TPHCM đã tiếp nhận khu đất “vàng” số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1, TPHCM. Đây là lô đất khiến cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cùng loạt quan chức "dính" vòng lao lý.

Khu đất này liên quan đến vụ án biến đất công thành đất tư được TAND Cấp cao tại Hà Nội xét xử phúc thẩm vào tháng 1/2022. Bản án tuyên giao khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng cho UBND TPHCM xem xét xử lý.

Thi hành án bàn giao khu đất 'vàng' 2-4-6 Hai Bà Trưng cho TPHCM quản lý - Ảnh 1.

Bên trong khu đất “vàng” số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1.

Thi hành bản án, Cục Thi hành án dân sự TPHCM cùng Viện KSND TPHCM bàn giao khu đất 6.080m2 này cho UBND TPHCM. Sở TN&MT tiếp nhận và giao Trung tâm phát triển quỹ đất quản lý.

Khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng do Tổng công ty Bia rượu nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) thuê đất trả tiền hằng năm để sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp và nộp tiền thuê đất hằng năm. Năm 2012, Chính phủ có nghị quyết yêu cầu các công ty nhà nước phải thoái vốn đầu tư không thuộc ngành nghề kinh doanh chính.

Tuy nhiên, ông Vũ Huy Hoàng - cựu Bộ trưởng Bộ Công Thương, bà Hồ Thị Kim Thoa - cựu Thứ trưởng Bộ Công Thương và ông Phan Chí Dũng - cựu Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ, Bộ Công Thương tiếp tục chỉ đạo Sabeco đầu tư dự án bất động sản.

Dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Công Thương, Sabeco đã dùng quyền sử dụng khu đất tại số 2-4-6 Hai Bà Trưng và nguồn tiền của tổng công ty để góp vốn với các doanh nghiệp tư nhân thành lập Sabeco Pearl, rồi dùng pháp nhân này để thực hiện dự án xây dựng khách sạn 6 sao, trung tâm thương mại.

Thi hành án bàn giao khu đất 'vàng' 2-4-6 Hai Bà Trưng cho TPHCM quản lý - Ảnh 2.

Toàn cảnh khu đất “vàng” số 2-4-6 Hai Bà Trưng, quận 1.

Được Phó Chủ tịch UBND TPHCM thời điểm đó là ông Nguyễn Hữu Tín ký duyệt giá trị quyền sử dụng khu đất hơn 997 tỷ đồng, Sabeco Pearl đứng ra nộp tiền thực hiện nghĩa vụ tài chính và xin bổ sung chức năng căn hộ ở. Giá trị quyền sử dụng đất tại thời điểm ban hành quyết định cho thuê là 1.000 tỷ đồng trong khi giá thị trường hơn 3.800 tỷ đồng.

Sau khi Sabeco thực hiện xong các thủ tục pháp lý đầu tư, Bộ Công Thương chỉ đạo tổng công ty này thoái toàn bộ vốn góp tại Sabeco Pearl. Theo bản án, từ đó Sabeco hoàn tất việc chuyển quyền quản lý, sử dụng khu đất 6.080 m2 có giá trị hơn 3.800 tỷ đồng sang cho tư nhân trái pháp luật, gây thiệt hại cho nhà nước hơn 2.700 tỷ đồng.

Tháng 10/2016, Sabeco Pearl đổi tên thành Công ty CP Đầu tư Quảng trường Mê Linh. Lúc này, dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng được chuyển toàn bộ sang các nhà đầu tư là doanh nghiệp tư nhân, giấy chứng nhận quyền sử dụng khu đất thuộc về Công ty CP Đầu tư Mê Linh.

Trong vụ án, ông Vũ Huy Hoàng bị kết án 11 năm tù, Phan Chí Dũng 9 năm tù cùng vì tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”; bị cáo Nguyễn Hữu Tín lĩnh 6 năm 6 tháng tù; 7 bị cáo khác bị tuyên từ 30 tháng tù cho hưởng án treo đến 5 năm tù.

Về phần dân sự, bản án sơ thẩm 134-2021/HS-ST kết luận, quy trình thoái vốn, chuyển quyền sở hữu và sử dụng tài sản khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng không đúng chủ trương của nhà nước, khi thoái vốn không thông qua đấu thầu… là vi phạm pháp luật, gây thiệt hại, thất thoát hơn 2.700 tỷ đồng.

Mặt khác, ông Nguyễn Hữu Tín không tuân thủ nghị quyết của Chính phủ mà căn cứ các văn bản của Sabeco và Bộ Công Thương, chấp nhận việc chuyển quyền sử dụng đất và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho Sabeco Pearl không đúng đối tượng, không qua đấu giá, trái với các quy định của pháp luật về đất đai. Do đó, cần thiết phải giao lại thửa đất 2-4-6 Hai Bà Trưng cho UBND TPHCM xem xét xử lý theo đúng quy định của pháp luật, không gây thiệt hại cho tài sản nhà nước, cũng như bảo đảm quyền lợi cho các bên liên quan.

Thi hành án bàn giao khu đất 'vàng' 2-4-6 Hai Bà Trưng cho TPHCM quản lý - Ảnh 3.

Công ty CP Đầu tư Mê Linh từng đề nghị nộp 2.713 tỷ đồng để tiếp tục triển khai dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Ở phiên xét xử phúc thẩm của TAND Cấp cao tại Hà Nội vào ngày 21/1, đại diện Công ty CP Quảng trường Mê Linh không kháng cáo. Tòa án cũng nhận được văn bản kiến nghị của Công ty CP Quảng trường Mê Linh, đề nghị nộp 2.713 tỷ đồng để tiếp tục triển khai dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng.

Trình bày tại tòa, đại diện Công ty CP Quảng trường Mê Linh cho biết, hiện nay khu đất đó vẫn để không. Quá trình điều tra, cơ quan tố tụng định giá khu đất có giá trị hơn 3.800 tỷ đồng, Nhà nước thiệt hại 2.713 tỷ đồng. Tại tòa sơ thẩm, Viện kiểm sát xác định công ty là bên thứ ba ngay tình. Công ty thực hiện một số nghĩa vụ tài chính, nộp lệ phí sử dụng đất. Công ty mong muốn tiếp tục được triển khai dự án vì khu đất nằm ở trung tâm TPHCM nhưng bị bỏ hoang gần 10 năm nay.


Theo NLĐ
Cùng chuyên mục