Ngô nghê vẫn về nhất
Rất đông khán giả đã hồi hộp, chờ đợi, dõi theo phần trình diễn của những người đẹp tại cuộc thi Hoa hậu Biển Việt Nam 2016 diễn ra tại đảo Tuần Châu (Quảng Ninh) tối 21.5 vừa qua. Cuối cùng, 5 người đẹp xuất sắc nhất được xướng tên vào phần thi ứng xử để tìm ra chủ nhân của vương miện cao quý. Song thực tế, phần thi ứng xử đã khiến khán giả ngỡ ngàng, thất vọng. Cả 5 người đẹp đều không để lại ấn tượng gì, ấy là chưa kể các thí sinh còn trả lời lạc đề, lặp câu, trùng ý. Người đẹp Nguyễn Thị Bảo Như trả lời câu hỏi về Tuần Châu lại gần như “hỏi một đằng, đáp một nẻo” khi chỉ đề cập đến vịnh Hạ Long.
Giây phút đăng quang Hoa hậu Biển Việt Nam 2016 của Phạm Thùy Trang. ảnh: B.M
GS Nguyễn Khắc Mai - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Minh Triết Việt Nam cho hay: “Ông bà ta có câu cái nết đánh chết cái đẹp. Cái nết là sự nết na, nét đẹp của tâm hồn, trí tuệ, nhận thức tinh tế về cuộc đời, cuộc sống, về thiên nhiên về cái đẹp của thiên nhiên. Tất cả điều đó hun đúc tạo ra tố chất của con người. Nếu một người chỉ đẹp về hình thức không thôi thì có lẽ còn thua kém những bức tranh mà người họa sĩ lớn vẽ. Qua phần thi ứng xử ở nhiều cuộc thi cho thấy kết quả đáng buồn của giáo dục lạc hậu, giống như chúng ta đang tạo ra những con vẹt, con người theo kiểu rô-bốt. Họ dường như không có suy nghĩ chân thành xuất phát từ trái tim mà chỉ có những câu chữ sáo rỗng. Họ thiếu sự sự tin, tự chủ mà chỉ biết làm theo khuôn mẫu có sẵn”.
|
Đặc biệt hơn, người đẹp Phạm Thùy Trang trả lời hoàn toàn ấp úng, câu từ sáo rỗng khi nhận được câu hỏi mở về việc chia sẻ cảm xúc qua những ngày đến thăm vịnh Hạ Long. Thùy Trang trả lời rằng: “Chúng ta thấy vịnh Hạ Long… và lời đầu tiên cho em xin gửi lời chào tới Ban tổ chức, Ban giám khảo và quý vị khán giả lời chào và lời chúc sức khỏe.
Chúng ta thấy vịnh Hạ Long là món quà quý giá thiên nhiên đã ban tặng. Khi em đến đây, thấy được thấy màu xanh của trời, của biển và màu xanh… của núi ạ. Và em cảm giác thấy chính bản thân em có ý thức bảo vệ môi trường hơn hết, cùng chung tay với tất cả mọi người...
Em xin 1 tràng pháo tay được không ạ? Cùng tuyên truyền với bạn bè, người thân để bảo vệ môi trường Việt Nam nói chung cũng như môi trường biển đảo nói riêng. Cũng qua đây khi đến với vịnh Hạ Long, em muốn gửi lời tới tất cả mọi người. Chúng ta cùng chung tay làm theo phong trào vì biển đảo quê hương, làm giàu cho đất nước. Em xin hết”.
Ngay sau đó, vương miện Hoa hậu Biển 2016 được trao cho Phạm Thùy Trang. Danh hiệu Á hậu 1 thuộc về Nguyễn Thị Bảo Như. Điều này khiến dư luận xôn xao, nhiều người cho rằng danh hiệu cao nhất dành cho những người đẹp này là chưa xứng đáng.
Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên người đẹp lọt “top” xuất sắc được lựa chọn vào vòng cuối cùng trả lời ứng xử đầy ngây ngô, thể hiện sự yếu kém, thiếu kiến thức về xã hội. Trước đó, thí sinh Phan Thị Thu Phương – người lọt top 7 người đẹp nhất cuộc thi Hoa hậu Đại dương Việt Nam 2014 đã khiến khán giả “cười nghiêng ngả” về sự kém hiểu biết. Trong khi câu hỏi liên quan đến vấn đề “nóng bỏng” việc Trung Quốc đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong vùng đặc quyền kinh tế Việt Nam.
Người đẹp Thu Phương hồn nhiên trả lời: “Là một công dân yêu nước khi biết việc Trung Quốc đặt giàn khoan Hải Dương tại biển Việt Nam mình, em cảm thấy rất bức xúc, nó xâm phạm về lãnh thổ, vùng kinh tế Việt Nam mình. Em muốn người Trung Quốc hãy mở giàn khoan đó ra và để cho đất nước Việt Nam của em ngày càng xinh đẹp hơn”.
Hay việc trả lời ví von “không liên quan” của thí sinh Kim Anh (Hải Phòng) trong phần thi ứng xử, cuộc thi Hoa hậu Trang sức 2013 cũng khiến công chúng ngỡ ngàng khi cô xem tai nạn giao thông là một… đại dịch!
Phải tránh làm “bình hoa di động”
Thực sự là một áp lực đối với các người đẹp khi thể hiện phần thi ứng xử trong các cuộc thi hoa hậu chỉ trong khoảng thời gian chỉ được tính bằng vài phút. Cho nên, họ khó lòng “mười phân vẹn mười” đẹp toàn diện trong mắt công chúng.
Tuy nhiên, cũng trong thời gian ngắn ngủi đó, nhiều người đẹp đã ghi tên mình vào danh sách hoa hậu ứng xử thông minh, hoàn hảo. Cũng có nhiều người đẹp đã thuyết phục được khán giả trong phần thi ứng xử như câu trả lời của Phạm Thị Hương - Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam 2015 khi đứng trước câu hỏi “Điều khó khăn nhất em luôn muốn vượt qua là gì? Tại sao?”.
Cô tự tin trả lời và giành chiến thắng khi nói rất ngắn gọn: “Đối với Phạm Hương, điều khó khăn nhất mà bản thân cần vượt qua là chiến thắng chính bản thân mình. Bên cạnh đó là sống và theo đuổi đam mê, ước mơ của chính bản thân mình. Việc rèn luyện tố chất để trở thành người phụ nữ hội tụ đủ 3 yếu tố trí tuệ, nhân cách và sắc đẹp là điều Phạm Hương hướng đến và hoàn thiện mỗi ngày”.
Ứng xử là phần thi giúp cho các thí sinh bộc lộ khả năng giao tiếp, sự tự tin và tầm hiểu biết của mình. Tuy nhiên, không ít người đẹp đã khiến ban giám khảo lẫn khán giả thở dài ngao ngán khi biến phần thi ứng xử trở thành… thảm họa. Sẽ thật tệ hại khi người đẹp có thể đại diện cho người phụ nữ Việt lại ứng xử kém, hiểu biết kém chẳng khác gì “bình hoa di động” trên thảm đỏ. Nhà điêu khắc Hà Minh Tuấn nhìn nhận, vẻ đẹp của người đẹp phải đi đôi với kiến thức, trí tuệ mới được coi là trọn vẹn.“Nếu người đẹp chỉ có sắc sẽ khiến người ta nghĩ ngay đến bông hoa trà hữu sắc mà vô hương” – ông Tuấn nói.
Trên thực tế, để các thí sinh không có những phần thi “thảm họa” khi thi ứng xử, vai trò của Ban tổ chức rất quan trọng. Ở cuộc thi Hoa hậu Thể thao 2007, Ban tổ chức đã có mời "chuyên gia" (là nhà sử học, nhà báo có kinh nghiệm, nhà văn) hướng dẫn, gợi ý cho thí sinh cách ứng xử trước đám đông. Điều này đã cải thiện rất nhiều khả năng của các thí sinh. Hy vọng, từ những ý tưởng mang tính tích cực này sẽ ngày càng hạn chế những tình huống bi hài trong các màn thi ứng xử trước đây.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.