Thi tài giữ tiếng Mường ở Ba Vì: 6 tuổi cũng đi thi

Minh Huệ-Văn Minh Thứ bảy, ngày 02/04/2016 06:27 AM (GMT+7)
UBND xã Minh Quang - chùa Tản Viên vừa phối hợp tổ chức Hội thi nói tiếng dân tộc Mường lần thứ nhất. Đây là hoạt động thực hiện đề án “Khôi phục, bảo tồn và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số huyện Ba Vì giai đoạn 2013 - 2015, định hướng đến năm 2020” của UBND huyện Ba Vì (Hà Nội).
Bình luận 0

6 tuổi cũng đi thi

Theo UBND xã Minh Quang, hiện nay dân số toàn xã khoảng 13.000 người, trong đó đồng bào dân tộc Mường chiếm gần 40%. Điều đáng lo ngại là các giá trị văn hoá bản sắc dân tộc Mường tại địa phương ngày càng bị mai một, thậm chí có nguy cơ mất dần như tiếng nói, nhà ở, trang phục, các phong tục, tập quán... “Đặc biệt là ở lứa tuổi thanh thiếu niên, hầu hết các cháu bây giờ nói tiếng Việt chứ ít người sử dụng tiếng dân tộc mình trong đời sống hàng ngày. Vì thế, UBND xã Minh Quang và chùa Tản Viên đã phối hợp tổ chức Hội thi nói tiếng dân tộc Mường lần thứ nhất năm 2016” – bà Đinh Thị Xuân Hương – Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang, Trưởng ban Tổ chức hội thi chia sẻ.

imgThí sinh nhỏ tuổi nhất hội thi Nguyễn Khánh Vy (6 tuổi).   ảnh:Văn Minh

"Đời sống đồng bào Mường trên địa bàn huyện ngày càng phát triển, tỷ lệ hộ nghèo hiện chỉ còn khoảng 7%. Do bà con sống rải rác ở nhiều thôn xóm nên dần dần họ ít nói tiếng dân tộc mình, dẫn tới lãng quên. Đó không chỉ là thách thức đối với công tác gìn giữ bản sắc dân tộc Mường ở địa phương, cũng là tình trạng chung đối với nhiều dân tộc thiểu số hiện nay”. 
Ông Đinh Xuân Ngoan - 
Phó Chủ tịch UBND xã Minh Quang

Anh Đỗ Văn Minh- cán bộ Phòng Văn hóa xã hội cho biết, hội thi đã thu hút 19 thí sinh tham gia ở 3 độ tuổi (từ 6 – 14 tuổi; từ 15 – 20 tuổi; từ 21 – 25 tuổi). Đáng chú ý có em Nguyễn Khánh Vy, sinh năm 2010 ở thôn Lặt là thí sinh nhỏ tuổi nhất. Các thí sinh trải qua 3 phần thi: Chào hỏi, thi kiến thức và thi năng khiếu. Hấp dẫn nhất là ở phần thi năng khiếu, các thí sinh thỏa sức phô diễn khả năng nói tiếng dân tộc Mường qua các tiết mục hát dân ca Mường, diễn kịch, đọc thơ..., có thí sinh còn sáng tạo khi lồng ghép vào phần thi các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vai trò của người Mường đối với việc giữ gìn, phát huy tiếng nói...

Giữ tiếng nói là giữ bản sắc

Phát biểu tại hội thi, ông Nguyễn Tiến Tha – Bí thư Đảng ủy xã Minh Quang cho biết: “Nhiều năm nay, chúng tôi rất trăn trở làm thế nào để khắc phục tình trạng mai một các giá trị bản sắc văn hoá dân tộc trên địa bàn, trong đó có tiếng nói, ngôn ngữ của đồng bào Mường. Vì vậy, hội thi này là hoạt động rất ý nghĩa, nhằm khuyến khích các thế hệ trẻ nói tiếng dân tộc Mường trong giao tiếp hàng ngày. Giữ được tiếng nói thì bản sắc văn hoá dân tộc sẽ không  mất đi”.

Trải qua 1 ngày thi tài, Ban tổ chức đã trao 3 giải Nhất, 3 giải Nhì, 3 giải Ba và 1 giải Đặc biệt tặng các thí sinh nói tiếng Mường giỏi nhất. Thí sinh Nguyễn Văn Tú (sinh năm 2001) ở thôn Đầm Sản – người đoạt giải Đặc biệt độ tuổi 15 - 20 xúc động nói: “Đến với hội thi, em rất phấn khởi và tự hào khi có cơ hội trổ tài nói tiếng dân tộc mình. Quanh gia đình em cũng có nhiều người Mường, nhưng ít người nói tiếng dân tộc mình trong giao tiếp, học hành. Vì vậy, thế hệ trẻ chúng em cũng nhiều người quên mất tiếng nói của dân tộc mình. Hy vọng hội thi sẽ được tổ chức thường xuyên để chúng em có cơ hội rèn luyện và chia sẻ nét đẹp văn hóa của người Mường”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem