"Thi trắc nghiệm của chúng ta không phải là thi trắc nghiệm tiêu chuẩn hóa thế giới vẫn tin dùng"

Tào Nga Thứ năm, ngày 10/08/2023 09:04 AM (GMT+7)
TS Nguyễn Thành Nam cho rằng, không có bằng chứng nào liên quan đến việc thi trắc nghiệm với "sự chết" môn Toán và hình thức trắc nghiệm chúng ta đang sử dụng phổ biến hiện nay là trắc nghiệm chủ quan chứ không phải là trắc nghiệm khách quan.
Bình luận 0

Mới đây, GS.TS Nguyễn Hữu Dư, nguyên Chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, nguyên Giám đốc điều hành Viện Nghiên cứu cao cấp về Toán, đã nêu quan điểm: "Thi trắc nghiệm bóp chết môn Toán". Quan điểm này của GS Dư nổ ra tranh cãi gay gắt.

Vậy thực tế Toán học có thực sự đang bị "bóp chết" khi thi trắc nghiệm không? PV báo Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự.

Thi trắc nghiệm có "bóp chết" môn Toán?

Chào Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam! Mới đây dư luận dậy sóng khi có quan điểm cho rằng thi trắc nghiệm "bóp chết" Toán học, quan điểm của anh về vấn đề này thế nào?

- Tôi không thấy có bằng chứng nào về việc Toán học bị bóp chết và tôi cũng không thấy có bằng chứng nào về sự liên quan của trắc nghiệm tới "sự chết" đó.

Thực tế cho thấy kết quả thi tốt nghiệp THPT môn Toán rất cao, kết quả PISA môn Toán cũng rất cao và kết quả thi Toán Quốc tế vẫn cực kỳ cao.

Cũng có thể phương thức trắc nghiệm hiện nay không thực sự phù hợp với việc tuyển sinh đầu vào ngành Toán ở đại học. Tuy nhiên các trường có quyền lựa chọn sử dụng phương thức xét tuyển phù hợp nhất với mục tiêu đào tạo, nếu cần có thể sử dụng thêm vấn đáp, tự luận hoặc các tiêu chí bổ sung.

"Thi trắc nghiệm của chúng ta không phải là thi trắc nghiệm tiêu chuẩn hóa thế giới vẫn tin dùng" - Ảnh 1.

Tiến sĩ Nguyễn Thành Nam, giảng viên Học viện Kỹ thuật Quân sự.

Thi trắc nghiệm của chúng ta không phải là hình thức trắc nghiệm tiêu chuẩn hóa thế giới vẫn tin dùng

Theo anh, vấn đề cần bàn đến của hình thức thi trắc nghiệm chúng ta đang sử dụng là gì và tại sao phương thức thi trắc nghiệm lại chịu sự phản đối mạnh mẽ như vậy?

- Trước tiên cần phải làm rõ phương thức trắc nghiệm bị phản đối là trắc nghiệm nào? Là trắc nghiệm khách quan hay chủ quan, là trắc nghiệm tiêu chuẩn hóa hay là chưa được tiêu chuẩn hóa?

Thực tế cho thấy các kỳ thi trắc nghiệm khách quan tiêu chuẩn hóa (TCH) đang ngày càng được ưa chuộng tại Việt Nam. Chẳng hạn như các kỳ thi SAT, ACT, GMAT, GRE, IELTS, TOEIC... Đây đều là những kỳ thi TCH sử dụng các câu hỏi trắc nghiệm khách quan. Trong đó mỗi câu hỏi sau khi chế tác đều phải được thử nghiệm và định cỡ trong các kỳ thi thật. Chỉ những câu hỏi đạt yêu cầu mới được sử dụng làm câu hỏi chính thức trong đề thi.

Hiện nay chúng ta đang sử dụng đồng thời nhiều hình thức kiểm tra đánh giá bao gồm cả tự luận, vấn đáp và trắc nghiệm. Nhưng tất cả đều được triển khai dựa trên kinh nghiệm chủ quan của người ra đề. Nói cách khác, hình thức trắc nghiệm chúng ta đang sử dụng phổ biến hiện nay là trắc nghiệm chủ quan chứ không phải là trắc nghiệm khách quan. Các kỳ thi của chúng ta không phải là kỳ thi TCH như một số người lầm tưởng.

Chính vì chưa xây dựng được các kỳ thi trắc nghiệm TCH nên chúng ta chưa có hệ thống đề thi tương đương. Thí sinh có cùng một mức năng lực nhưng thi trên các đề thi khác nhau sẽ nhận được kết quả khác nhau. Vì vậy không có cơ sở để so sánh năng lực của thí sinh thi các đề khác nhau, tại các đợt thi khác nhau và trong các kỳ thi khác nhau. Do đó kết quả thi vẫn chưa thể sử dụng được trong một thời gian dài như kết quả của các kỳ thi TCH. Điều này vừa gây khó khăn cho việc đánh giá chất lượng giáo dục và đào tạo, vừa gây lãng phí rất lớn vì kết quả thi chỉ được sử dụng để so sánh năng lực của các thí sinh tham gia cùng một đề thi, và trong một khoảng thời gian rất ngắn ngay sau kỳ thi.

Mặc dù mẫu câu hỏi trắc nghiệm trên thế giới rất đa dạng và có thể đánh giá được mọi cấp độ của tư duy. Thế nhưng hình thức mà chúng ta đang sử dụng chủ yếu vẫn là dạng câu hỏi 4 lựa chọn, và mới chỉ chú trọng được vào việc đánh giá cấp độ thấp của tư duy, bao gồm nhớ, hiểu và vận dụng kiến thức để giải các bài tập. Học sinh học tập theo định hướng của các câu hỏi như hiện nay đương nhiên sẽ rất khó phát triển được toàn diện các năng lực, rất khó có thể phát triển được các năng lực cấp cao như suy luận, phân tích, đánh giá và sáng tạo.

Thêm vào đó, điểm số mà chúng ta sử dụng vẫn là điểm thô, không loại trừ điểm đoán mò nên ngay cả thí sinh không có năng lực gì vẫn có điểm cao hơn điểm liệt nhờ trả lời ngẫu nhiên các câu hỏi. Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT, ngay cả thí sinh không có năng lực gì cũng có thể đạt được trung bình là 2,5 điểm, cao hơn mức điểm liệt tới 1,5 điểm. Chính những hạn chế kiểu này làm nảy sinh nhiều ý kiến phê bình trắc nghiệm hết sức gay gắt.

Tóm lại hình thức trắc nghiệm mà chúng ta đang sử dụng và bị phê phán gay gắt không phải là hình thức trắc nghiệm TCH mà thế giới vẫn tin dùng.

"Thi trắc nghiệm của chúng ta không phải là thi trắc nghiệm tiêu chuẩn hóa thế giới vẫn tin dùng" - Ảnh 2.

Thí sinh tham dự kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 tại Hà Nội. Ảnh: Tào Nga

Cần chuẩn hóa 

Vậy theo anh chúng ta nên điều chỉnh hoạt động thi cử, bao gồm cả hình thức trắc nghiệm trong thời gian tới thế nào?

- Có thể thấy, tất cả các hình thức kiểm tra đánh giá mà chúng ta sử dụng từ trước đến nay đều mang đậm yếu tố chủ quan. Việc nên làm không phải là bỏ cái này để khôi phục lại hay thúc đẩy cái kia mà phải làm thế nào để áp dụng được khoa học đánh giá vào trong hoạt động này để nâng cao tính khách quan và độ tin cậy.

Cá nhân tôi cho rằng ở cấp độ quốc gia cần xây dựng cho được một số kỳ thi TCH để đo lường khách quan chất lượng giáo dục và đào tạo, đồng thời cung cấp kết quả đánh giá đáng tin cậy để các đại học sử dụng trong việc tuyển sinh đầu vào, các cơ quan tổ chức sử dụng trong việc tuyển dụng nguồn nhân lực.

Công việc xây dựng kỳ thi trắc nghiệm khách quan TCH là cực kì khó khăn và tốn kém. Mà khó khăn nhất là phải có đủ số kỳ thi để có thể thử nghiệm và định cỡ câu hỏi. Chẳng hạn đề thi tốt nghiệp THPT môn Toán hiện nay có 50 câu hỏi, nếu mỗi đề thi thật được cài vào 5 câu hỏi để thử nghiệm thì ít nhất cũng cần phải có 10 kỳ thi để tạo thêm được một đề mới. Công việc trong thực tế sẽ khó khăn hơn rất nhiều do kỳ thi hiện tại vẫn chưa được TCH, và chỉ có một phần trong số các câu hỏi thử nghiệm đạt tiêu chuẩn sẽ được tuyển chọn để sử dụng trong đề thi chính thức.

Việc này mặc dù hết sức khó khăn nhưng vẫn phải làm, bởi vì chúng ta không thể đánh giá chất lượng đào tạo một cách tùy tiện và cảm tính mãi được. Chúng ta cũng không thể cứ mãi dựa vào công cụ đo lường giáo dục của quốc gia khác. Họ có thể giúp chúng ta trong việc đánh giá năng lực Toán học hay Khoa học, nhưng không thể đánh giá giúp chúng ta chất lượng giáo dục ở các môn như Địa lý, Lịch sử và Tiếng Việt, và đó cũng không phải việc của họ.

Như anh nói, việc xây dựng kthi tiêu chuẩn hóa là rất khó khăn, nhưng bắt buộc phải làm, nhất là đối với k thi tốt nghiệp THPT. Vậy theo anh, chúng ta nên bắt đầu công việc này từ đâu và nên triển khai như thế nào?

- Cái khó nhất là chúng ta không thể tổ chức quá nhiều kỳ thi tốt nghiệp THPT trong một năm để chuẩn hóa câu hỏi và đề thi. Tuy nhiên, các đại học hoàn toàn có thể. Một đại học lớn như Đại học Quốc gia có thể tổ chức hàng chục kỳ thi trong một năm để tuyển sinh đầu vào và qua đó có thể chuẩn hóa được đề thi.

Cá nhân tôi thấy có vẻ như một số đại học đang tiến tới triển khai rất nhiều đợt thi tuyển trong một năm. Như vậy để xây dựng được đề thi tiêu chuẩn hóa cho kỳ thi tốt nghiệp THPT, Bộ GDĐT có thể kết hợp để triển khai công việc này thông qua kỳ thi tuyển sinh của các đại học. Hoặc là giao hẳn công việc cho đại học triển khai, dưới sự bảo trợ của Bộ GDĐT.

Cuối cùng, theo anh kết quả thi tốt nghiệp THPT theo hình thức trắc nghiệm tiêu chuẩn hóa có hoàn toàn đáp ứng được yêu cầu tuyển sinh đầu vào của các đại học hay không?

- Các trường đại học có thể chỉ cần sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đầu vào nhưng cũng có thể sử dụng kết quả đó làm một trong các tiêu chí để xét tuyển, có kết hợp với một số tiêu chí bổ sung khác hoặc là phương thức kiểm tra đánh giá khác.

Chẳng hạn một ngành học thuộc khối kinh tế ở đại học có thể sử dụng trọng vẹn kết quả thi tốt nghiệp THPT môn Toán để tuyển sinh đầu vào. Tuy nhiên ngành Toán học trong một đại học nào đó có thể thấy kết quả này là chưa đủ cho nhu cầu của họ. Khi đó có thể bổ sung thêm các hình thức đánh giá khác như tự luận, vấn đáp, hoặc tổ chức hẳn một kỳ thi đánh giá năng lực Toán học riêng để tuyển sinh đầu vào, miễn sao tuyển được những sinh viên phù hợp với mục tiêu đào tạo.

Xin cảm ơn anh đã chia sẻ!

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem