Theo thống kê, kể từ đầu tháng 7, VN-Index đã bốc hơi 13% từ mức đỉnh. Thị trường chứng khoán ngày 19/7 ghi nhận giảm điểm trong toàn bộ phiên giao dịch. Do áp lực bán xuất hiện từ đầu phiên và nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn tiếp tục lao dốc khiến VN-Index kết thúc phiên ở mức 1.243,51 điểm, giảm 4,29%.
Thị trường rớt thảm hại tại phiên 19/7 đã khiến hàng ngàn NĐT luẩn quẩn trong thua lỗ, chán nản
Có thể nói đây là đợt sụt giảm mạnh thứ hai của thị trường kể từ đầu năm, lần đầu tiên bắt đầu từ trung tuần tháng 1. Toàn thị trường đã bay mất hàng chục tỷ USD vốn hóa trong nửa đầu tháng 7.
Chứng kiến thị trường rớt thảm phiên giao dịch ngày 19 khiến hàng ngàn nhà đầu tư luẩn quẩn trong thua lỗ, chán nản. Chốt phiên giao dịch ngày 20/7, thị trường lại bật tăng gần 30 điểm, đạt 1.273 điểm, tuy nhiên giá trị tài sản của top 10 người giàu có nhất trên sàn chứng khoán cũng biến động, giảm khá mạnh.
So với mức đỉnh ngày 2/7, tổng tài sản của top 10 đã sụt giảm khoảng hơn 40.000 tỷ đồng (2 tỷ USD).
Biến động nhiều nhất là hai tỷ phú Phạm Nhật Vượng (Chủ tịch Vingroup) và Trần Đình Long (Chủ tịch Hòa Phát). Chủ tịch Vingroup giảm 28.000 tỷ đồng, còn 197.194 tỷ đồng và Chủ tịch Hòa Phát giảm 6.000 tỷ đồng, còn 55.171 tỷ đồng. Tỷ lệ giảm ghi nhận 12% và 10%, tương ứng cổ phiếu VIC và HPG.
Vợ của hai tỷ phú này là bà Phạm Thu Hương và bà Vũ Thị Hiền cũng đã tạm mất đi 2.200 tỷ đồng và 1.700 tỷ đồng.
So với mức đỉnh ngày 2/7, tổng tài sản của top 10 đã sụt giảm khoảng hơn 40.000 tỷ đồng
Ông Bùi Thành Nhơn (Chủ tịch Novaland) mất 11% tài sản, tương đương 2.100 tỷ đồng trong tổng tài sản; ông Nguyễn Văn Đạt (Chủ tịch Phát Đạt) mất 1.900 tỷ đồng; bà Nguyễn Thị Phương Thảo (CEO Vietjet Air) mất 1.700 tỷ đồng. Các cổ phiếu NVL, PDR và VJC cũng giảm khá mạnh trong thời gian qua cùng với nhóm vốn hóa lớn.
Bộ đôi tỷ phú Hồ Hùng Anh và Nguyễn Đăng Quang nắm giữ cổ phiếu TCB và MSN lại ghi nhận tổng tài sản tăng thêm 4%. Chủ tịch Techcombank có thêm 1.100 tỷ đồng, Chủ tịch Masan Group có thêm 1.200 tỷ đồng.
Tài sản của ông Nguyễn Đức Thụy, Phó Chủ tịch LienVietPostBank không biến động đáng kể trong nửa tháng qua.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 20/7, tuy thị trường chứng khoán có dấu hiệu hồi phục khi nhiều mã vốn hoá lớn tăng mạnh, kéo chỉ số về lại tham chiếu và tiếp tục bứt phá nhưng vẫn thể hiện một tín hiệu chưa thực sự thuyết phục bởi đâu đó vẫn có sự thận trọng nhất định của các nhà đầu tư.
Hiện, tổng tài sản của 10 người giàu nhất vào khoảng 445.600 tỷ đồng (19,2 tỷ USD), khoảng 10% vốn hóa toàn thị trường.
Những người có kinh nghiệm trong ngành cho rằng, sở dĩ thị trường sụt giảm mạnh là do tâm lý lo ngại của nhà đầu tư khi làn sóng bùng phát Covid-19 lần thứ 4 đang tiếp tục diễn biến phức tạp, đặc biệt ở khu vực miền Nam. Sau khi TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, đã có thêm 16 tỉnh thành tại miền Nam thực hiện theo Chỉ thị 16 kể từ 0h ngày 19/7. Tại Hà Nội, Thành phố cũng đã thắt chặt các biện pháp phòng dịch khi bắt đầu xuất hiện các ca nhiễm mới trong cộng đồng trong những ngày gần đây.
Theo Công ty chứng khoán SSI, việc chỉ số VN-Index xuyên thủng vùng hỗ trợ 1.261 điểm cho thấy khả năng chỉ số này sẽ tiếp tục đi về vùng hỗ trợ tiếp theo tại 1.200 - 1.171 điểm.
Công ty Chứng khoán Thành Công (TCSC) thì cho rằng, VN-Index có khả năng sẽ quay về đường trung bình MA200, vào khoảng 1.150 – 1.200 điểm. Nhìn từ thực tế các nước bùng dịch như Ấn Độ, TCSC đánh giá, về cơ bản đỉnh dịch sẽ là đáy chứng khoán trong thời gian tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.