Thị trường chứng khoán "mất phanh", VN-Index có thể giảm đến đâu?

25/04/2022 18:26 GMT+7
Về khía cạnh phân tích cơ bản, định giá của VN-Index hiện nay với mức 1.310 điểm, tương đương P/E khoảng 15 – mức trung bình trong 5 năm gần nhất. Nếu như tính theo tăng trưởng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn cho năm 2022, P/E của Vn-index sẽ hướng về mức 13.

Thị trường mà đại diện là chỉ số VN-Index giảm 5% giá trị vốn hóa, đây là phiên giảm mạnh nhất của thị trường từ đầu năm 2021 đến nay, chỉ sau phiên 29/1/2021 với mức giảm 6,7% giá trị vốn hóa.

Sau phiên hồi phục nhẹ hôm trước, nhà đầu tư trên thị trường hoàn toàn "choáng váng" khi thị trường lại lao dốc trong phiên giao dịch ngày hôm nay. Thậm chí đây là phiên điều chỉnh khá hiếm thấy khi VN-Index "bốc hơi" tới gần 5%. Câu hỏi đặt ra, VN-Index có thể giảm về đến đâu?

Chứng khoán "mất phanh", VN-Index có thể giảm đến đâu?

Kết phiên VN-Index giảm 68,31 điểm (giảm 4,95%) xuống 1.310,92 điểm. Độ rộng là tiêu cực với 443 mã giảm (171 mã giảm sàn), 21 mã tham chiếu, 37 mã tăng (4 mã tăng trần).

HNX-Index giảm 21,61 điểm (-6,02%) xuống 337,51 điểm. Độ rộng là tiêu cực với 193 mã giảm (53 mã giảm sàn), 33 mã tham chiếu, 53 mã tăng (6 mã tăng trần).

Thanh khoản khớp lệnh giảm nhẹ so với phiên cuối tuần trước nhưng vẫn cao hơn mức trung bình 20 phiên một chút với giá trị giao dịch đạt 23.381 tỷ đồng trên hai sàn tương ứng với khối lượng giao dịch là 850 triệu cổ phiếu.

Thị trường chứng khoán "mất phanh", VN-Index có thể giảm đến đâu? - Ảnh 1.

Nguồn: SHS

Áp lực bán xuất hiện ngay từ đầu phiên và mạnh dần cho đến cuối phiên đã khiến các chỉ số cũng như các cổ phiếu trong đó kết phiên ở mức thấp nhất hoặc gần thấp nhất.

Nhóm cổ phiếu trụ cột thuộc VN30 (giảm 4,95%) bị bán mạnh với cả 30 cổ phiếu đều giảm, trong đó có 16 mã giảm sàn như HPG ( giảm 7%), VPB ( giảm 6,9%), MWG ( giảm 7%), TCB ( giảm 6,9%), FPT ( giảm 6,9%)... đã tạo ra áp lực điều chỉnh mạnh lên thị trường.

Những nhóm ngành cổ phiếu mang tính thị trường cao như ngân hàng với STB (giảm 6,9%), CTG ( giảm 7%), BID (giảm 6,9%)..., chứng khoán với VND (giảm 7%), SSI ( giảm 6,9%), SHS (giảm 9,8%)..., bất động sản với DIG ( giảm 6,9%), IDC (giảm 9,9%)..., thép với HPG (giảm 7%), HSG ( giảm 7%), NKG ( giảm 6,9%)... đều bị bán mạnh và khá nhiều mã trong các nhóm trên đã nằm sàn.

Theo các chuyên gia phân tích tại Chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội, nếu xét trên khía cạnh định giá thì P/E của VN-Index sau phiên hôm nay là khoảng 15,5 lần, xấp xỉ mức trung bình 5 năm. Trong khi đó, P/E của VN30 chỉ có 14,8 lần, thấp hơn mức trung bình 5 năm.

Với mức định giá như trên, các chuyên gia cho rằng khả năng thị trường giảm mạnh là khó có thể xảy ra và trong phiên giao dịch tiếp theo 26/4, VN-Index vẫn có thể hồi phục trở lại nếu ngưỡng hỗ trợ tâm lý quanh 1.300 điểm được giữ vững.

Thị trường chứng khoán "mất phanh", VN-Index có thể giảm đến đâu? - Ảnh 2.

VN-Index "mất phanh" có thời điểm giảm tới 81 điểm trong phiên giao dịch ngày hôm nay. (Ảnh: VTC)

Chia sẻ với PV, ông Nguyễn Minh Hoàng - Chuyên gia cao cấp, Công ty cổ phần Chứng khoán Nhất Việt cho biết, có thời điểm VN-Index giảm tới 81 điểm. Hàng loạt cổ phiếu giảm sàn, từ cổ phiếu cơ bản đến đầu cơ, từ cổ phiếu có kết quả kinh doanh xấu cho tới kết quả kinh doanh tốt đều nằm sàn cho thấy tâm lý hoang mang "cực độ". Việc giảm điểm này gây tổn thương nặng đến tài khoản của các nhà đầu tư.

Vốn hóa thị trường bị "thổi bay" trên 36 tỷ USD chỉ trong 3 tuần. Con số này thậm chí còn lớn hơn quy mô vốn hóa toàn thị trường vào năm 2012.

Để trả lời câu hỏi VN-Index có thể giảm về đến đâu? theo ông Hoàng có thể xem xét dựa trên 2 khía cạnh là phân tích kỹ thuật và phân tích cơ bản.

Xét về mặt phân tích kỹ thuật, VN-Index đã gãy đà tăng kéo dài từ tháng 3/2020 đến hiện tại. Với xu hướng giảm này rất khó có thể dự báo bao giờ VN-Index tạo đáy.

Về khía cạnh phân tích cơ bản, định giá của VN-Index hiện nay với mức 1.310 điểm, tương đương P/E khoảng 15 – mức trung bình trong 5 năm gần nhất. Nếu như tính theo tăng trưởng kết quả kinh doanh của các doanh nghiệp trên sàn cho năm 2022, P/E của Vn-index sẽ hướng về mức 13.

"Đây là con số hết sức hấp dẫn nếu như so sánh với mức định giá trung bình của VN-Index trong vòng 5 năm gần nhất hay là so với các thị trường khu vực (khu vực khoảng 17 – 18). Như vậy, VN-Index đang ở mức định giá hấp dẫn, tôi kỳ vọng VN-Index sẽ có cầu vào tại vùng giá này giúp VN-Index hồi phục và nhà đầu tư có cơ hội cơ cấu lại hàng", ông Hoàng nhấn mạnh.

Nhà đầu tư nên làm gì trong thời điểm này?

Ông Hoàng, trong trường hợp VN-Index hồi phục trong các phiên tới, nhà đầu tư nên cơ cấu lại danh mục đầu tư.

Theo đó, những cổ phiếu đầu cơ, không có nền tảng cơ bản thì nên nhà đầu tư nên "thoát hàng".

Với những cổ phiếu đầu tư lâu dài, nên hạ tỷ trọng tài sản của danh mục về an toàn. Ví dụ chỉ nắm khoảng 30% cổ phiếu và 70% tiền mặt.

"Đó là cơ cấu hợp lý chờ cho VN-Index tạo đáy thực sự, lúc đó hãy quay trở lại tham gia thị trường", ông Hoàng khuyến nghị.

Bán ra trong hoảng loạn

Phiên giảm mạnh hôm nay với thanh khoản thấp cho thấy lực cầu rất yếu và tâm lý các thành phần tham gia thị trường khá hoảng loạn bán tháo bằng mọi giá. Các cổ phiếu từ nhiều nhóm ngành, nhiều nhóm vốn hóa đều chịu chung áp lực giảm mạnh trong đó có nhiều cổ phiếu Bluechips có kết quả kinh doanh Q1 tích cực cũng giảm sàn. Theo chúng tôi mức độ rủi ro ngắn hạn của thị trường ngày một lớn hơn với mức sát thương cao. Các ngưỡng hỗ trợ tiếp tục tỏ ra kém hiệu quả trong một thị trường với áp lực tâm lý hoảng loạn và dễ bị hiệu ứng theo đám đông.

Nguyễn Trung Du _ Giám đốc Khối DVĐT vs QLTS (Chứng khoán Tân Việt - TVSI)


Huyền Anh
Cùng chuyên mục