Trả lời chất vấn tại diễn đàn Quốc hội mới đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát quan ngại, làm mắc-ca nhưng có bán được không, nên phải thận trọng.
Trên kệ một siêu thị tại Úc, hàng chục sản phẩm chế biến từ mắc-ca đã quen thuộc trong đời sống người tiêu dùng.
Quan ngại đó đặt ra sau khi bộ chuyên trách đã mất tới gần 20 năm nghiên cứu mà chưa rõ về đầu ra của mắc-ca, trong bối cảnh hành tím, hành tây, dưa hấu, cao su… vẫn đang ế ẩm.
Cũng tại phiên chất vấn trên, Bộ trưởng Phát tiếp tục kêu gọi và khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, lý do là lực lượng này còn quá mỏng…
Trong khi đó, về phía doanh nghiệp, dù đến giờ vẫn chưa được bộ chuyên trách “trải thảm đỏ” khi đầu tư vào nông nghiệp, cụ thể là cây mắc-ca, nhưng họ đang tiếp tục tự làm các bước chuẩn bị cho đề án phát triển mắc-ca của mình.
Họ tự đi tìm câu hỏi thị trường đang ở đâu. Kết quả cuộc khảo sát thực tế của hai nhà đầu tư Him Lam và LienVietPostBank vừa thực hiện giúp định hình câu trả lời từ Úc, quê hương và quốc gia phát triển mạnh nhất về mắc-ca.
Hơn 190 thị trường còn để ngỏ
Ở Úc, du khách dễ dàng bắt gặp các sản phẩm chế biến từ mắc-ca trong giỏ tiện dụng phòng khách sạn, trên kệ quầy hàng tại sân bay, trong khay suất ăn nhanh điểm dừng chân ven đường, trong tủ lạnh siêu thị, cửa hàng mỹ phẩm…
Nhưng lại rất khó để tìm những sản phẩm dầu ăn và tinh dầu cao cấp, hoặc nhân mắc-ca “cỡ bự” vì giá quá cao và các nhà sản xuất chỉ tập trung xuất khẩu sang thị trường Mỹ và Trung Đông.
Trong tổng sản lượng gần 45.000 tấn những năm gần đây, lượng chế biến để tiêu thụ nội địa chỉ chiếm 35%, còn lại chủ yếu xuất khẩu sang châu Á với 40%, Mỹ 10% và châu Âu 14%, theo thống kê của Hiệp hội Mắc-ca Úc.
Cũng theo hiệp hội này, thống kê những năm gần đây cho thấy, chỉ riêng 5 thị trường lớn là Úc, Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã tiêu thụ tới khoảng 75% tổng sản lượng mắc-ca toàn thế giới. Còn lại hơn 190 quốc gia vẫn là những thị trường chưa thực sự được khai phá.
Theo lý giải của các nhà sản xuất tại Úc mà VnEconomy tìm hiểu, hiện họ không có đủ hàng để bán tới hơn 190 quốc gia còn lại đó.
Cũng có một lý do khác khiến sản phẩm mắc-ca chưa phủ đến khoảng trống rộng lớn, đó là yếu tố vênh giá với sức mua. Như hiện nay các sản phẩm của Úc chưa thực sự đến với người tiêu dùng đại chúng tại Việt Nam, bởi lẽ không nhiều người sẵn sàng thường xuyên trả khoảng 350.000 đồng (giá gốc) cho một chai dầu ăn chỉ 250 ml loại cao cấp, hay khoảng 20.000 đồng cho một hộp sữa mắc-ca nhỏ…
Còn giá nguyên liệu, theo thống kê của Hiệp hội Mắc-ca Úc, trong 5 năm trở lại đây giá giữ mức tăng, hiện ở mức 3,5 AUD/kg quả mắc-ca tươi (một AUD – tức đô la Úc – tương đương 17.000 đồng Việt Nam).
Riêng một số loại có tỷ lệ nhân lớn (lên tới 43-45%), chất lượng cao, nhà sản xuất sẵn sàng trả tới 7 AUD/kg quả mắc-ca tươi, mà sản phẩm hạt sau khi tách vỏ và qua chế biến sẽ chủ yếu dành riêng cho thị trường Trung Đông.
5 nguyên do của Úc
Có một điểm tưởng như mâu thuẫn: vì sao Úc gần như không tăng được sản lượng trong suốt 10 năm qua, không mở rộng nhanh diện tích trồng mắc-ca, sau khi đã phát triển sản phẩm đa dạng và không đủ hàng để bán, hơn 190 quốc gia còn chưa phủ đến?
Ông Jolyon Burnett, Chủ tịch Hiệp hội Mắc-ca Úc đưa ra nhiều lý giải, tựu trung 6 nguyên do chính.
Thứ nhất, trong quá khứ, khi mắc-ca vẫn còn khá lạ với chính người Úc, giá bán thấp khiến các chủ vườn không đủ sức hoặc hạn chế tái đầu tư cho vườn nguyên liệu để tăng sản lượng. Điểm này được ông Jolyon Burnett so sánh với thực tế đang lặp lại trong khó khăn tái canh cây cà phê tại Việt Nam.
Thứ hai, phải sau vài chục năm nhiều chủ vườn mới nhận ra, khi cây mắc-ca nhiều tuổi và vươn rộng tán, việc quản lý trở nên khó khăn hơn. Ví như, khi cây quá lớn, tán che kín, ánh sáng bị hạn chế đã ảnh hưởng đến sản lượng; tương tự là tình trạng xói mòn đất, biến đổi khí hậu dẫn đến mưa bão nhiều tại một số vùng.
Thứ ba, là cây bản địa nhưng mắc-ca chỉ phù hợp ở một số vùng của Úc, theo đặc điểm khí hậu và thổ nhưỡng. Ông Jolyon cho biết thêm, cũng có những vùng có thể trồng, nhưng hiện không thể mở rộng do hạn chế về hạ tầng, khiến việc đầu tư khó khăn hoặc phải đội chi phí rất cao.
Thứ tư, như tại Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Mắc-ca Úc cho hay, Úc cũng gặp phải khó khăn khi lực lượng doanh nghiệp, nhà đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp còn hạn chế.
“Chúng tôi gặp vấn đề mang tính thế hệ. Càng về sau, giới trẻ, doanh nhân trẻ không có nhiều ham muốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, trong đó có mắc-ca”, ông cho biết, khi dẫn nhiều lĩnh vực thương mại, đầu tư khác hấp dẫn họ hơn.
Thứ năm, chi phí để làm mắc-ca tại Úc quá tốn kém trong khi thời gian thu hồi vốn có thể lên tới 30 năm, chủ yếu do giá nhân công tại quốc gia phát triển này rất cao. Điều này, cùng với nguyên nhân thứ tư, khiến dòng vốn vào đây hạn chế.
Khảo sát tại các nhà máy vùng Queensland, New South Wales, chi phí nhân công bình quân cho một lao động trong xưởng có từ 4.000 – 6.000 AUD/tháng; 12 – 15 AUD/giờ cho một lao động mùa vụ. Hay tại Pacific Gold Macadamia, nhà máy chế biến mắc-ca có tổng đầu tư khoảng 12 triệu AUD, thì riêng chi phí đất đai đã chiếm tới khoảng 8 triệu AUD…
Cắc cớ Việt Nam?
So sánh 5 nguyên nhân trên, có những điểm Việt Nam có lợi thế lớn để phát triển mắc-ca. Đặc biệt, chi phí đất đai và nhân công thấp hơn rất nhiều là lợi thế lớn để Việt Nam cạnh tranh giá sản phẩm, mở thị trường và tạo thị phần.
Qua chuyến khảo sát trên và sau khi chính thức trở thành hội viên Hiệp hội Mắc-ca Úc, ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Ngân hàng LienVietPostBank đánh giá rằng, việc đầu tư công nghệ chế biến hiện đại như các nhà máy điển hình tại Úc là hoàn toàn nằm trong tầm tay.
“Chắc chắn chúng tôi sẽ đầu tư xây dựng được những hệ thống như vậy để tạo sản phẩm nhiều giá trị gia tăng, chứ không xuất thô. Thậm chí tôi tin sắp tới sẽ có các liên doanh với đối tác Úc để đầu tư và trực tiếp làm mắc-ca tại Việt Nam. Về chất lượng sản phẩm, chúng ta sẽ cạnh tranh được, thậm chí thuận lợi hơn về chi phí đầu tư và lao động”, ông Hưởng dự tính.
Tuy nhiên, tiến độ triển khai đề án phát triển mắc-ca tại Tây Nguyên của công ty Him Lam và LienVietPostBank còn nhiều trở ngại. Như ở điểm khởi đầu cốt lõi, nhiều khả năng việc nhập khẩu giống về để chuẩn hóa gốc của dự án khó thực hiện được trong năm nay, do sẽ phải qua được “cửa” Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét…
Về tiến độ đó, Phó chủ tịch LienVietPostBank giải thích rằng: “Chúng tôi muốn đầu tư vào nông nghiệp, chủ động nguồn vốn, có cơ chế bảo đảm bao tiêu sản phẩm, bảo hiểm rủi ro cho các hộ dân tham gia, hỗ trợ lãi suất và chi phí giống, chủ động xây dựng nhà máy và công nghệ chế biến, tự làm công tác thị trường và tự chịu mọi trách nhiệm… Nhưng có nhiều trở ngại, thậm chí cản trở không hẳn nằm ở vấn đề thị trường, chứ chưa nói đến việc có “thảm đỏ” hay không”.
(Theo VnEconomy)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.