Theo báo cáo của Cục Trồng trọt, (Bộ NNPTNT) tổng lượng sản xuất phân bón sản xuất và nhập khẩu năm 2011 đạt khoảng 9,28 triệu tấn các loại, đáp ứng cơ bản nhu cầu cả nước.
Trong đó, lượng phân sản xuất trong nước đạt hơn 5,6 triệu tấn, tăng gần 6% so với năm 2010. Dự báo, sang năm 2012, cả nước cần khoảng 9,88 triệu tấn phân các loại, trong đó urê chiếm khoảng 2 triệu tấn, đạm SA khoảng 710.000 tấn, kali 920.000 tấn và DAP khoảng 950.000 tấn. Khả năng sản xuất trong nước, theo dự báo của Bộ Công Thương ở mức 7,25 triệu tấn với các loại như urê, DAP và NPK, còn lại vẫn phải nhập khẩu.
|
Cá c doanh nghiệp đang tích cực sản xuất để cung cấp phân bón cho sản xuất vụ đông xuân. |
Vẫn lo hàng kém chất lượng
Riêng vụ đông xuân tới, cả nước cần 970.000 tấn. Tuy nhiên, theo lãnh đạo Công ty cổ phần Phân bón Bình Điền, ngành nông nghiệp trong nước hiện có một số ưu điểm khiến nhu cầu phân bón vụ tới không cao như dự báo. Theo đó, lũ lụt ở ĐBSCL thời gian qua giúp nông dân giảm một lượng phân bón đáng kể do có phù sa bồi đắp.
Ngoài ra, diện tích vụ đông ở miền Bắc giảm kéo theo nhu cầu phân bón cũng giảm theo. "Dù nhu cầu không tăng nhưng khi ĐBSCL vào vụ tập trung thì lượng phân bón cần đáp ứng là rất lớn. Lúc đó giá phân bón trong nước cũng sẽ tăng đồng thời sẽ xảy ra tình trạng thiếu cục bộ do phân bón không đưa về kịp, nhất là vùng sâu, vùng xa" - ông Lê Quốc Phong - Tổng Giám đốc Công ty Phân bón Bình Điền cho biết.
Tình trạng hàng giả, kém chất lượng trong năm qua mặc dù đã giảm nhiều những vẫn là vấn đề “đau đầu” của ngành phân bón. Năm 2011, quản lý thị trường đã xử lý khoảng 300 vụ vi phạm, chủ yếu tập trung ở các doanh nghiệp vừa và nhỏ, làm ăn bất chính. "Lợi dụng những thời điểm nhu cầu phân bón tăng cao, phân bón giả được mang về vùng sâu vùng xa tiêu thụ. Khi bị phát hiện, doanh nghiệp cũng chỉ mới bị xử lý hành chính nên sức răn đe chưa cao" - TS Võ Văn Quyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý thị trường cho biết.
Tính toán lại giá thành
Cả nước hiện có khoảng 300 doanh nghiệp tham gia sản xuất phân bón. Sản xuất nhìn chung trên đà tăng trưởng, từ năm 2000 đến nay, tăng từ 42 - 50% sản lượng. Tuy nhiên, giá phân bón vẫn còn nhiều bất cập. Theo đó, tính đến cuối tháng 9.2011, giá phân bón các loại tăng bình quân 31,8%. Tỷ lệ tăng cao nhất là SA với 48,8%, kali tăng thấp nhất cũng đạt mức 19,5%.
Bộ NNPTNT khuyến khích nông dân sử dụng các loại phân bón có chứa các chất tăng hiệu suất như: NEB - 26, Agrotain và tăng cường sử dụng phân tổng hợp NPK, phân hữu cơ, vi sinh... để giảm chi phí sản xuất.
Ông Trương Hợp Tác
Trưởng phòng Phân bón,
Cục Nông nghiệp VN
Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Thỏa - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), giá thành sản xuất phân bón trong nước rẻ hơn rất nhiều so với giá thành phân bón nhập khẩu vì doanh nghiệp chưa tính đúng, tính đủ theo nguyên tắc thị trường trong hoạt động sản xuất phân bón. "Nếu tính đủ theo nguyên tắc thì trong thời gian tới, giá than cục 2b bán cho sản xuất phân lân phải tăng 82% và giá than cục 1b cho sản xuất phân đạm phải tăng 54% so với giá đang bán hiện tại, việc này sẽ đẩy giá thành sản xuất phân bón tăng lên rất nhiều" - ông Thỏa cho biết thêm.
Theo tính toán của ông Thỏa, nếu tính đủ các yếu tố chi phí, giá đạm urê sử dụng than để sản xuất tăng hơn 24% (từ 7,86 lên gần 9,77 triệu đồng/tấn), giá đạm urê sử dụng khí để sản xuất tăng 22,3%, lên mức 5,32 triệu/tấn và giá phân lân tăng 20% lên 2,86 triệu đồng/tấn.
Thuận Hải
Vui lòng nhập nội dung bình luận.