Thị trường thanh toán di động Việt Nam bùng nổ, ví điện tử cạnh tranh gay gắt

17/10/2019 15:52 GMT+7
Tính trên toàn Đông Nam Á, có ít nhất 150 công ty tài chính sở hữu giấy phép phát hành ứng dụng ví điện tử, bao gồm Grab, Go-Jek, Tencent, Ant Financial, Singapore Telecom, AirAsia…

Giữa trung tâm thành phố Hồ Chí Minh, hàng chục tiểu thương quây quần trong những cửa tiệm, quầy hàng nhỏ. Nhiều lái xe Grab Food, Go Food đang chờ đợi vận chuyển đồ ăn mà khách hàng đặt thông qua các ứng dụng điện tử. Và khá nhiều khách hàng trong số đó sẽ thanh toán qua ví điện tử thay vì tiền mặt. Dù chỉ mua một ổ bánh mì kẹp thịt ở quán nhỏ ven đường, bạn cũng có thể thanh toán bằng ví điện tử, do sự phổ biến của các ứng dụng ví điện tử từ các công ty tài chính như Warburg Pincus, Grab và quỹ tài sản GIC từ Singapore.

Những công ty tài chính với tham vọng biến Việt Nam trở thành nền kinh tế không tiền mặt vào năm 2027, đang nỗ lực cạnh tranh để giành thị phần trên thị trường có sức mua mạnh mẽ bậc nhất Đông Nam Á này. Dù rằng các chuyên gia tư vấn Oliver Wyman cảnh báo rằng không phải tất cả các công ty cung cấp dịch vụ ví điện tử đều có thể trụ lại trong bối cảnh thị trường thanh toán di động ngày càng thu hẹp.

“Các công ty ví điện tử đang đầu tư rất nhiều tiền cho chiến dịch ưu đãi thu hút và giữ chân khách hàng, tạo thói quen thanh toán không dùng tiền mặt trong cuộc sống hàng ngày” - theo ông Duncan Woods, giám đốc tập đoàn ngân hàng kinh doanh và bán lẻ Oliver Wyman khu vực Châu Á Thái Bình Dương.

Thị trường thanh toán di động Việt Nam bùng nổ, ví điện tử cạnh tranh gay gắt - Ảnh 1.

GrabPay, một trong những ví điện tử được sử dụng nhiều nhất tại Việt Nam

Tính trên toàn Đông Nam Á, có ít nhất 150 công ty tài chính sở hữu giấy phép phát hành ứng dụng ví điện tử, bao gồm Grab, Go-Jek, Tencent, Ant Financial, Singapore Telecom, AirAsia… Hàng chục công ty trong số đó đang nỗ lực cạnh tranh giành sự thống trị trong một quốc gia nhất định, qua đó đảm bảo thị phần trên thị trường thanh toán di động vốn được Nomura dự đoán sẽ tăng tổng giá trị quy mô lên tới 109 tỷ USD vào năm 2025.

Chỉ tính riêng tại Việt Nam, Grab đang có kế hoạch đầu tư 500 triệu USD vào phát triển lĩnh vực thanh toán điện tử. Quỹ tầm nhìn SoftBank và quỹ đầu tư GIC của Singapore thì đưa ra khoản đầu tư 300 triệu USD cho ví điện tử VNPAY. MOMO cũng nhận 100 triệu USD từ công ty đầu tư Warburg Pincus hồi đầu năm 2019.

Sáp nhập để cạnh tranh

Để tăng cường sức mạnh cạnh tranh trước các đối thủ, nhiều công ty tài chính giờ đây đang tính kế đàm phán sáp nhập với những công ty công nghệ tài chính khác. Ví như Grab hiện đàm phán với công ty thanh toán kỹ thuật số OVO và DANA - 2 trong 5 công ty ví điện tử hàng đầu Indonesia để tăng cường sức cạnh tranh trước đối thủ Gojek.

Còn tại Việt Nam, ví điện tử Vimo thông qua thương vụ sáp nhập với mPOS, tạo thành nền tảng thanh toán mang tên NextPay và đang huy động một kế hoạch gọi vốn có trị giá 30 triệu USD cho nỗ lực tăng trưởng đầy tham vọng. CEO NextPay, ông Nguyễn Hữu Tuất tham vọng ví điện tử này sẽ chiếm lĩnh 50% thị trường thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam trong năm 2023, với khoảng 300.000 điểm chấp nhận thanh toán trên cả nước. Dù nhận định rằng việc khiến khách hàng thay đổi thói quen dùng tiền mặt là một thách thức lớn, ông Tuất vẫn tỏ ra lạc quan với tương lai của dự án NextPay.

Thị trường thanh toán di động Việt Nam bùng nổ, ví điện tử cạnh tranh gay gắt - Ảnh 3.

Các ứng dụng ví điện tử đang cạnh tranh gay gắt trên thị trường Việt Nam

Bên cạnh sáp nhập, hợp tác cũng là cách mà nhiều công ty tài chính chọn để phát triển ví điện tử của mình. Một số ví điện tử như Moca đã hợp tác với Grab, tung ra những mức chiết khấu lên tới 30% cho các khách hàng sử dụng dịch vụ thanh toán qua ví thay vì tiền mặt, nhằm thu hút và chiếm lĩnh thị phần trên thị trường mới nổi này.

Thị trường Đông Nam Á là “miếng bánh ngày càng lớn”

Các tập đoàn lớn tại Đông Nam Á như Grab và GoJek tham vọng rằng việc đưa ví điện tử của họ trở nên phổ biến sẽ giúp ràng buộc người dùng với các dịch vụ mà họ cung cấp, một mô hình đã được hai tập đoàn lớn nhất Trung Quốc là Alibaba - Tencent thử nghiệm và thành công. Một số doanh nghiệp khác lại tìm cách biến ví điện tử thành tiện ích bổ sung cho khách hàng của mình. Ví như các khách hàng sử dụng ví điện tử của AirAsia sẽ có cơ hội nhận được những ưu đãi, khuyến mãi đặc biệt như chiết khấu giá vé, chuyến du lịch miễn phí...

Tại Đông Nam Á, Grab hiện là nhà cung cấp dịch vụ thanh toán kỹ thuật số duy nhất có quyền phát hành ví điện tử ở 6 quốc gia. Điều này cho phép Grab tiếp cận sâu hơn vào các thị trường tiềm năng. Tuy nhiên, ông ông Aldi Haryopratomo, CEO của Go-Pay lại khẳng định rằng “GoJek không hề lo lắng về sự cạnh tranh với các ví điện tử khác”. Ít nhất là tại thị trường Indonesia, nơi GoJek hiện chiếm lĩnh phần lớn thị phần, thị trường thanh toán điện tử đang ngày càng mở rộng. Các thị trường Đông Nam Á cũng nằm trong xu hướng ấy, “chiếc bánh đang ngày càng lớn hơn”.

Thùy Dung
Cùng chuyên mục