Thị trường thực phẩm, đồ uống “hấp dẫn” DN nước ngoài đến mức nào?

Thuận Hải Thứ tư, ngày 16/05/2018 19:20 PM (GMT+7)
Được xếp thứ 3 về hoạt động kinh doanh dịch vụ thực phẩm đồ uống tại khu vực ASEAN, theo báo cáo của Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor, Việt Nam đang là thị trường hấp dẫn các doanh nghiệp (DN) nước ngoài đến đầu tư vào ngành thực phẩm và đồ uống.
Bình luận 0

Là quốc gia có dân số khoảng 93 triệu người, trong đó hơn một nửa dân số dưới 30 tuổi, được xem là điều kiện thuận lợi giúp Việt Nam trở thành một trong những thị trường tiêu thụ thực phẩm - đồ uống tiềm năng nhất khu vực tiểu vùng sông Mekong.

Đặc biệt, Việt Nam có các sản phẩm nông nghiệp và nguồn nguyên liệu thô cung ứng cho hoạt động sản xuất, chế biến thực phẩm - đồ uống. Đây cũng là thị trường mà ngành thực phẩm, đồ uống có mức tăng trưởng khá nhanh trong những năm gần đây.

Cũng vì lẽ đó, Triển lãm chuyên ngành nguyên liệu phụ gia thực phẩm và đồ uống khu vực tiểu vùng sông Mekong – Fi Việt Nam 2018 khai mạc sáng nay (16.5) tại TP.HCM cũng đã thu hút sự tham gia hơn 170 nhà sản xuất và phân phối thực phẩm, đồ uống đến từ hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặc biệt là các nước Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar.

img

Ngành thực phẩm Việt Nam thu hút sự quan tâm lớn từ đối tác nước ngoài. Ảnh: Thuận Hả

Triển lãm Fi Vietnam 2018 sẽ diễn ra từ nay đến hết ngày 18.5, dự kiến thu hút hơn 5.000 khách tham quan. Năm nay, triển lãm cũng lần đầu tiên ra mắt Khu gian hàng nguyên liệu đồ uống (Bi), đây là nơi khách tham quan khám phá các sản phẩm nguyên liệu, phụ gia nước giải khát từ các nhà sản xuất, nhà phân phối uy tín.

Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực Thực phẩm TP.HCM thông tin, với những yêu cầu về cập nhật những giải pháp tiên tiến trong ngành lương thực, thực phẩm, triển lãm lần này là cơ hội để cộng đồng DN Việt Nam có thể treo đổi kinh nghiệm, tiếp nhận, chuyển giao công nghệ từ các nước.

Theo bà Chi, Việt Nam có nguồn nguyên liệu từ các sản phẩm nông nghiệp rất dồi dào, là lợi thế cho ngành chế biến thực phẩm phát triển. Nếu không chú trọng đầu tư chế biến sâu mà chỉ bán sản phẩm thô, nông dân Việt Nam sẽ rất thiệt thòi, vì không thu được giá trị gia tăng của sản phẩm.  

img

Nguồn nguyên liệu từ các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam rất dồi dào là lợi thế cho ngành chế biến thực phẩm phát triển. Ảnh: Thuận Hải

Bộ Công thương cũng cho biết, thời gian qua, ngành chế biến thực phẩm ở Việt Nam tăng trưởng đều đặn với mức tăng của chỉ số sản xuất công nghiệp trung bình từ năm 2012 đến năm 2016 đạt 6,94%/năm đối với thực phẩm chế biến và 9,48% đối với lĩnh vực đồ uống.

Theo Bộ Công thương, thu nhập của người dân cải thiện nên nhu cầu sử dụng các sản phẩm thực phẩm và đồ uống cũng tăng theo, xu hướng tiêu dùng đối với các sản phẩm có giá trị ngày càng cao. Chưa kể, Việt Nam đã bắt đầu hình thành đội ngũ đông đảo các DN chế biến thực phẩm và đồ uống để xuất khẩu ra nước ngoài.

Còn theo báo cáo gần đây của công ty khảo sát thị trường quốc tế Business Monitor International (BMI), tốc độ tăng trưởng của ngành công nghiệp thực phẩm và đồ uống Việt Nam sẽ duy trì mức tăng trưởng kép hàng năm là 10,9% cho giai đoạn 2017 – 2019.

Riêng đối với ngành sữa, mức tăng trưởng dự kiến sẽ đạt khoảng 10%/năm, ngành đồ uống có cồn sẽ đạt mức tăng trưởng là 11%... Do đó, thị trường Việt Nam đang được xem là “mỏ vàng” đối với nhiều doanh nghiệp chế biến thực phẩm và đồ uống từ các nước.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem