|
Anh Bách đang hướng dẫn cho các học viên tại xưởng nhà mình. |
Ấp ủ ước mơ làm thầy
Sinh năm 1971, anh Trần Văn Bách (thôn Minh Lương, xã Thanh Lãng) đã từng có ước mơ trở thành một thầy giáo. Tuy nhiên, do hoàn cảnh gia đình lúc đó quá khó khăn, anh phải đi làm nghề mộc phụ giúp gia đình.
Bắt đầu học và làm nghề mộc từ năm 1991, cuộc sống khó khăn dần đã khiến Bách quên đi ước mơ làm thầy của mình. Tuy nhiên, khi kinh tế bắt đầu ổn định, ước mơ đó lại cháy trong anh. Anh nghĩ, muốn làm thầy thì trước hết phải là thợ giỏi, trong nhiều năm liền, anh được công nhận là thợ giỏi cấp tỉnh. Đầu năm 2010, anh tiếp tục tham gia cuộc thi thợ giỏi tỉnh Vĩnh Phúc và đoạt giải Nhì.
Từ thành tích này, Trung tâm Dạy nghề huyện Bình Xuyên đã mời anh về làm giáo viên dạy nghề mộc cho nông dân. Không giấu được niềm vui, anh Bách nói: "Tôi quá bất ngờ khi được mời làm thầy giáo dạy nghề. Vậy là ước mơ bấy lâu nay của tôi đã thành hiện thực. Tôi tự nhủ đem tất cả những gì tôi biết dạy cho các học viên để họ sau khi học nghề sẽ sống được bằng nghề".
Trao đổi với NTNN, ông Đặng Cao Thực- Giám đốc Trung tâm Dạy nghề huyện Bình Xuyên, cho biết: "Việc mời nghệ nhân, những thợ sản xuất giỏi tham gia dạy nghề cho nông dân được trung tâm tiến hành từ cuối năm 2009. Cho đến thời điểm này, những nghệ nhân, thợ giỏi mà trung tâm mời tham gia dạy nghề cho nông dân đều đã hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, anh Bách là một trong những người như vậy".
Tương lai tươi sáng của lứa thợ trẻ
Ban đầu do không có nghiệp vụ sư phạm nên việc đứng lớp của anh Bách gặp rất nhiều khó khăn. Anh chia sẻ: "Những ngày đầu vất vả lắm, đứng trên bục giảng nói liên tục mà học viên chẳng hiểu tẹo nào, nhiều lúc chán định bỏ. Nhưng đến khi hướng dẫn học viên thực hành, ai cũng làm nhanh, làm đúng nên mình có thêm động lực để đứng lớp và học cách giảng lý thuyết cho dễ hiểu".
Ngoài dạy tại trung tâm, anh Bách cũng mở lớp dạy nghề tại nhà, phục vụ nhu cầu nhân lực cho chính xưởng mộc của gia đình. Anh Bách cho biết: "Bình thường trong xưởng của tôi luôn có khoảng 30 học viên đến học nghề và thực tập. Nhiều em trong số này nhà nghèo nhưng rất có chí, các em vừa học vừa làm và hiện tay nghề rất vững". Em Lưu Văn Triều- một học viên tâm sự: "Nhà nghèo nên em định bỏ học đi phụ hồ. Từ ngày theo lớp mộc của thầy Bách, em vừa được đi học văn hóa, vừa được học nghề lại được làm việc, có lương phụ giúp gia đình".
Nói về tương lai lứa thợ trẻ, anh Bách phấn khởi nói: "Các em đã có tay nghề rất khá. Với tay nghề như thế, các em hoàn toàn có thể sống được bằng nghề. Nhưng tôi còn mong muốn xa hơn: Các em sẽ mở xưởng, sẽ trở thành ông chủ. Để làm được điều đó các em vẫn phải tiếp tục học hỏi, tích luỹ kinh nghiệm và vốn liếng. Tôi hi vọng sẽ sớm có những ông chủ trẻ, hình thành làng nghề, phố nghề ngay tại địa phương".
Ông Lều Vũ Điều- Phó Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam cho biết, Hội Nông dân Việt Nam đang phối hợp với Tổng cục Dạy nghề xây dựng tiêu chí thợ giỏi, nghệ nhân tham gia dạy nghề nông dân theo Quyết định 1956 của Chính phủ. Theo đó, Hội đề xuất mời các nông dân sản xuất giỏi cấp tỉnh, cấp T.Ư (do T.Ư Hội công nhận) và thợ giỏi cấp tỉnh, nghệ nhân tham gia giảng dạy. Các nông dân giỏi, thợ giỏi mời đứng lớp phải được tập huấn nghiệp vụ sư phạm. Về thù lao đứng lớp cần xây dựng linh hoạt, chi trả vượt khung nếu cần, chứ không chỉ quy định "cứng" như hiện nay (20.000-40.000 đồng/tiết)
Công Trình
Vui lòng nhập nội dung bình luận.