Thợ trồng đào đông đỏ không hết việc, giá bán gây bất ngờ
Thợ trồng loại cây "đắt xắt ra miếng" ngày Tết không hết việc, giá bán gây bất ngờ
Trung Hiếu - Thùy Anh
Thứ ba, ngày 21/01/2025 13:33 PM (GMT+7)
Nhẹ nhàng nâng từng gốc đào đặt vào chậu, nhanh nhẹn đắp thêm lớp đất đã chuẩn bị sẵn, phủ đều quanh gốc, anh Thành cho biết một ngày anh có thể trồng hoàn thành 30 chậu cây này để phục vụ khách hàng dịp Tết Nguyên Đán sắp tới.
Giữa không gian ngập sắc đỏ của những chậu đào đông chuẩn bị cho Tết Nguyên Đán 2025, anh Lê Văn Thành (41 tuổi, Nam Từ Liêm, Hà Nội) nhẹ nhàng nâng từng gốc đào đặt vào chậu, nhanh nhẹn đắp thêm lớp đất đã chuẩn bị sẵn, phủ đều quanh gốc. Vừa dùng tay ấn nhẹ để cố định cây, anh Thành vừa chia sẻ: “Mỗi ngày tôi làm liên tục từ sáng đến tối, có hôm được 30 chậu. Bên cơ sở của chúng tôi có khoảng 4 - 5 thợ làm việc liên tục để kịp phục vụ nhu cầu của khách hàng”.
Cạnh anh, những chậu đào đông đỏ thành phẩm đã được xếp gọn gàng. Anh Thành cho biết, anh có kinh nghiệm cắm các loài hoa 15 năm. Riêng năm nay, anh qua hỗ trợ bạn là chủ kinh doanh đào đông đỏ - một mặt hàng mới xuất hiện tại thị trường Hà Nội trong dịp cận Tết Nguyên Đán 2025.
Anh Thành cho biết, vào những hôm cao điểm, anh có thể trồng được 30 chậu đào đông đỏ một ngày. Ảnh: Trung Hiếu
Dù bận rộn, anh Thành vẫn nhiệt tình giải thích từng chi tiết: từ cách lựa chọn gốc đào phù hợp, cách phối chậu sao cho hài hòa, đến việc chăm sóc để cây giữ được vẻ đẹp lâu nhất khi trưng bày.
“Trong quá trình nhập đào đông đỏ về, cây thường được giữ nguyên bầu đất. Khi trồng, bầu đất sẽ được tháo ra, sau đó đặt lên một miếng sành dưới đáy chậu để đảm bảo khả năng thoát nước. Tại vị trí lỗ thoát nước này, người trồng sẽ rải một lớp đất mỏng, sau đó đặt cây đào đông đỏ vào chậu, tiếp tục phủ đất đều xung quanh để cố định gốc. Cuối cùng, chậu được trang trí và tưới nước cẩn thận, quy trình chăm sóc tương tự như khi trồng đào hoặc quất”, anh Thành nói.
Theo anh Thành, việc trồng đào đông đỏ vào chậu cũng giống như trồng đào, quất. Ảnh: Trung Hiếu.
Theo anh Thành, mỗi chậu nhỏ đã trang trí sẽ được hoàn thiện trong khoảng 15 phút, còn mỗi chậu lớn sẽ mất từ 2 - 3 giờ đồng hồ để hoàn thành. “Đào đông đỏ có hai kiểu dáng chính là cành thẳng và cành cong. Đối với cành thẳng, thường được trồng vào những chậu dáng đứng, cây được sắp xếp sao cho tỏa đều và tròn trịa, tạo cảm giác hài hòa. Trong khi đó, với những cành cong, chúng tôi sẽ uốn theo thế tự nhiên của cây, định hình dáng đổ hoặc hướng cành theo chiều lên xuống phù hợp, nhằm tôn lên vẻ mềm mại và độc đáo của từng gốc đào”, anh cho biết thêm.
Loại đào đông đỏ, có chậu cả trăm triệu đồng vẫn được người bán tất bật nhận đơn từ Bắc vào Nam
Tranh thủ giờ tan làm, anh Vũ Khắc Lâm (45 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) ghé qua gian hàng bán đào đông đỏ để tìm mua chậu cây về bày tại phòng khách dịp Tết Nguyên Đán sắp tới. Sau một hồi đắn đo, anh Lâm dừng chân trước một chậu đào dáng đứng, được trồng trong chiếc chậu gốm xanh họa tiết truyền thống. Anh tỉ mỉ hỏi người bán về cách chăm sóc để cây giữ được dáng và màu sắc tươi lâu.
“Đây là loại cây khá mới, tôi muốn thử mua về trưng Tết để tạo điểm nhấn cho không gian nhà cửa. Nhưng vì chưa quen cách chăm sóc, nên tôi phải hỏi kỹ người bán về cách bảo quản. Tôi cần đảm bảo cây không bị héo hoặc mất dáng trong suốt những ngày đầu năm mới, vì thế việc tìm hiểu kỹ trước khi mua là rất quan trọng”, anh Lâm cho hay.
Khách hàng thường ưu tiên lựa chọn sản phẩm đào đông đó có giá từ 3 - 5 triệu đồng. Ảnh: Trung Hiếu.
Vừa tỉ mỉ kiểm tra từng cành cây, từng chùm quả đỏ mọng, anh Lâm vừa tiếp lời: “Tôi muốn chọn loại cây có kích thước nhỏ, vừa dễ bài trí trong nhà, vừa tiện vận chuyển. Quan trọng là giá cả cũng phải hợp lý, khoảng 10 triệu đồng đổ lại. Diện tích nhà tôi không quá lớn, nên tôi ưu tiên những cây nhỏ gọn, vừa đủ để tạo điểm nhấn mà không làm căn nhà trở nên chật chội”.
Trao đổi với phóng viên Dân Việt, anh Hà Thành Đạt (22 tuổi) - nhân viên chuyên trông và bán đào đông đỏ, chia sẻ về kinh nghiệm bảo quản loại đào này: “Đào đông đỏ là loại cây khá bền, nhưng để giữ được vẻ đẹp suốt dịp Tết thì người mua cần chú ý cách chăm sóc. Sau khi mua về, cây cần được đặt ở nơi thoáng mát, tránh ánh nắng trực tiếp và không để gió lùa quá mạnh”.
Khi được hỏi về thời gian cao điểm, anh Đạt cho biết lượng khách đến mua thường tăng mạnh từ giữa tháng Chạp. “Những ngày này, chúng tôi làm việc không nghỉ, từ sáng sớm đến tận tối muộn để kịp phục vụ khách hàng. Chúng tôi gồm 4 người luân phiên nhau trực và bán đào. Giờ cao điểm khách hàng tới xem hàng ngày thường có 2 khung giờ: lúc 9 giờ sáng và lúc 14 giờ chiều”, anh chia sẻ.
Theo anh Nguyễn Đức Thông - chủ kinh doanh mặt hàng đào đông đỏ trên đường Phạm Hùng (Nam Từ Liêm, Hà Nội), các cây được anh nhập về bán là cây giống của Hà Lan, được trồng tại Trung Quốc và vận chuyển về Việt Nam bằng đường bộ.
Các chậu đào đông đỏ thương được trang trí thêm tiểu cảnh ở dưới gốc cây. Ảnh: Trung Hiếu.
“Năm nay, tôi nhập về bán khoảng 2.000 gốc đào đông đỏ với đủ kích cỡ. Loại nhỏ có chiều cao khoảng 1 - 1,3m còn loại lớn có chiều cao khoảng 2 - 3m. Các sản phẩm bán chạy nhất từ lúc trưng bày tới giờ có giá từ 3 - 5 triệu đồng. Riêng những gốc to sẽ được một số khách hàng lựa chọn để đi biếu, làm quà tặng dịp Tết Nguyên Đán, có cây có giá khoảng 200 triệu đồng”, anh Thông cho hay.
Chủ kinh doanh này chia sẻ, khách chủ yếu chọn cây bằng hình thức trực tuyến. “Có 70% khách hàng chọn và chốt đơn "online", 30% khách hàng đến xem trực tiếp tại vườn. Chúng tôi đã vận chuyển các đơn đi rất nhiều tỉnh, thành khác, xa nhất là vào TP.HCM”.
Anh Thông cho biết, do đây là năm đầu tiên đưa sản phẩm này về bán tại Việt Nam nên chưa thể chắc chắn rằng khi hết Tết, nếu khách hàng trồng lại loại cây này thì năm sau cây có đậu quả đẹp như lúc mới mua hay không. “Vấn đề "hồi sinh" đào phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố, ví dụ như thời tiết, kỹ thuật chăm bón... Tuy nhiên, nếu để trưng bày qua dịp Tết Nguyên Đán năm nay thì loài cây này có độ bền rất cao. Các cây có gốc thật có thể giữ được độ tươi trong khoảng 2 - 3 tháng”, anh Thông nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.