Thoát cảnh vay “nóng” nhờ vốn vay ưu đãi

Nguyễn Quỳnh Thứ tư, ngày 22/05/2019 13:53 PM (GMT+7)
Tại huyện Vạn Ninh (Khánh Hòa), nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) được nhiều nông dân đầu tư sản xuất hiệu quả, thoát cảnh vay “nóng”.
Bình luận 0

Cùng nông dân vượt khó

Chị Hồ Thị Ái Liên (thôn Xuân Đông, xã Vạn Hưng, Vạn Ninh) đưa chúng tôi tham quan trang trại khá bài bản của gia đình. Ở vùng này, chị Liên được xem là một tấm gương điển hình trong sản xuất nông nghiệp.

Chị Liên kể: “Tôi sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo, cuộc sống luôn chật vật do thiếu vốn đầu tư sản xuất. Tôi đã nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ hướng phát triển kinh tế để thoát cảnh đói nghèo. Đã có lần gia đình tôi tính vay nóng bên ngoài về làm ăn. Tuy nhiên, nếu vay nóng thì lãi mẹ đẻ lãi con, sợ trả không nổi nên tạm dừng”.

Nhiều năm liền, gia đình chị Liên nằm trong danh sách hộ nghèo, trong khi đất ruộng thì lại bỏ hoang. Thật tình cờ, các tổ chức hội, đoàn thể giới thiệu về nguồn vốn vay NHCSXH đến tận gia đình. Chị Liên vui mừng vì biết được mình thuộc đối tượng vay vốn ưu đãi phát triển kinh tế. Nhận được 50 triệu đồng từ chương trình cho vay hộ nghèo, chị Liên mua bò về nuôi và mở rộng đàn dê. Nhờ cần cù chịu khó làm ăn, đàn bò và dê đều lớn nhanh, thu nhập bắt đầu khá hơn. Sau khi trả được nợ cho ngân hàng, đầu năm 2019, chị tiếp tục xin vay 100 triệu đồng để mua bò giống và nuôi dê.

img

   Nông dân Vạn Ninh (Khánh Hòa) khấm khá nhờ vốn Ngân hàng Chính sách xã hội. ảnh: Nguyễn Quỳnh

Đến nay, gia đình chị Liên có 20 con dê sinh sản, 5 con bò, 7 sào lúa và trên 1ha ruộng muối. Theo chị Liên, muối năm nay được mùa với giá bán 900.000 đồng/tấn. Trung bình mỗi đợt đạt 5 tấn, cứ đem nước vào thời gian dao động từ 5 - 7 ngày sẽ cho thu hoạch một đợt muối. Doanh thu gần 4,5 triệu đồng/đợt và nguồn thu này giúp cho gia đình chị khấm khá hẳn lên.

Tương tự, vợ chồng bà Trần Thị Sửu (xã Vạn Hưng) thoát cảnh nghèo nhờ vốn ưu đãi. Đến nay, gia đình bà sở hữu 4 con bò và mở rộng chăn nuôi gà thả vườn. Bà Sửu chia sẻ, trước đây gia đình khó khăn muôn phần, con cái đông, lại chẳng có vốn làm ăn. Sau đó, gia đình liên hệ vay vốn NHCSXH để đầu tư làm ăn ngay tại quê nhà. Thông qua nguồn vốn ưu đãi, gia đình có công ăn việc làm, đàn bò phát triển tốt, thu nhập khá dần.

Làm giàu nơi “thừa nắng, thiếu mưa”

Bà Nguyễn Thị Kim Liên -Tổ Trưởng vay vốn thôn Xuân Đông (Vạn Hưng) cho biết, từ năm 2008 địa phương có 21 hộ nằm trong danh sách hộ nghèo, nơi đây được xem là vùng đất “thừa nắng, thiếu mưa”. Nhờ có nguồn vốn của ngân hàng, cộng với được hướng dẫn cách làm ăn nên bà con mạnh dạn chăn nuôi bò, dê, gà thả vườn và trồng tỏi. Bà Liên khoe, hiện địa phương chỉ còn 2 hộ nghèo, rất nhiều hộ đã từ nghèo khó thành giàu, có phương tiện đi lại và nuôi con cái ăn học đến nơi đến chốn. 

Với sự hỗ trợ nguồn vốn tín dụng ưu đãi, gia đình tôi đã thoát cảnh hộ nghèo. Gia đình hiện xây được nhà khang trang và có tiền chu cấp cho các con ăn học”.
Chị Hồ Thị Ái Liên

Ông Nguyễn Thành Long - Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH Vạn Ninh cho biết, tính đến cuối tháng 4.2019, dư nợ cho vay hộ nghèo của đơn vị đạt trên 49,6 tỷ đồng và hộ cận nghèo đạt trên 63,1 tỷ đồng. Nguồn vốn này được người dân sử dụng đúng mục đích, đang phát huy hiệu quả. Đã có hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn trong huyện tiếp cận được nguồn vốn vươn lên thoát nghèo và có việc làm ổn định.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả ủy thác, ngân hàng sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền và phối hợp đồng bộ với chính quyền, địa phương phổ biến chính sách ưu đãi cho người dân. Bên cạnh đó, tập trung tuyên truyền cho nhân dân biết về tác hại của “tín dụng đen”, cũng như phản ánh kịp thời tín dụng trôi nổi trên địa bàn, rà soát đảm bảo cho vay đúng đối tượng, giải ngân kịp thời. Tuyệt đối, không để sót đối tượng diện hộ nghèo, cận nghèo đủ điều kiện vay, có nhu cầu vay vốn nhưng không tiếp cận được nguồn vốn ưu đãi.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem