Thời của… nông dân số: Bán hàng ảo nhưng doanh thu thật
Thời của… nông dân số: Bán hàng ảo nhưng doanh thu thật
Khánh Nguyên
Thứ hai, ngày 25/12/2023 12:35 PM (GMT+7)
Thời gian qua, với sự trợ giúp của các ngành chức năng, các đơn vị, trong đó có Hội Nông dân Việt Nam, nhiều nông dân đã mạnh dạn lên “sàn” bán nông sản. Thời của nông dân số đã đến rất gần.
Chỉ trong vài giờ livestream bán vải thiều hồi cuối tháng 6/2023, các nông dân ở "thủ phủ" vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) cùng những người sáng tạo nội dung nổi tiếng trên TikTok như Vũ Diệu Thúy, Hứa Ngân, Đàm Đức, Tây Bắc TV,... đã lập được những thành tích "vô tiền khoáng hậu" khi hoàn thành xuất sắc mục tiêu bán 23 tấn vải tươi, 2 tấn vải khô, 200kg thịt trâu gác bếp, 5 tấn gạo chất lượng cao cùng hàng loạt các nông sản như trà hoa vàng, đông trùng hạ thảo, trà mãng cầu,... mang về doanh thu vượt trội. Các nông dân của huyện Lục Ngạn cũng được tiếp xúc với một "kênh" bán hàng mới - ảo nhưng doanh thu… thật.
Tại Thái Nguyên, một phiên chợ OCOP được tổ chức trên mạng đã thu hút 12,8 triệu lượt người xem; chốt 900 đơn hàng với 1.500 sản phẩm nông nghiệp của tỉnh được bán ra.
Tháng 7/2023, sự kiện livestream của chương trình quảng bá nông sản tỉnh Phú Thọ đã thu hút hơn 20 triệu lượt xem, minh chứng cho sức hút của các sản phẩm đặc trưng của địa phương, đến từ 06 chủ thể tiêu biểu gồm có Thịt chua Trường Foods, Chè Đinh OCOP 5 sao Hoài Trung, Bún gạo Hùng Lô, Tương Hoa Lúa, Rau sắn muối chua Liên Gia Trang, Maika food với hơn 40 sản phẩm nông đặc sản các loại.
Tháng 8/2023, "Chợ phiên OCOP - Nông sản trong mây" tổ chức tại Lâm Đồng đã thu hút hơn 20 triệu lượt tiếp cận, trên 535.000 lượt click vào xem phiên live, minh chứng cho sức hút của các sản phẩm đặc trưng của địa phương, đến từ 13 chủ thể tiêu biểu của tỉnh.
Tháng 11/2023, sau hơn 4 giờ tổ chức trên "sàn", chợ phiên OCOP Thanh Hóa đã thu hút hơn 375.000 người xem livestream, mang về 205 triệu đồng doanh thu và 1.000 đơn hàng mua các sản phẩm OCOP.
Có thể thấy, ngày càng nhiều nông dân, chủ thể OCOP lựa chọn con đường kinh doanh online để giới thiệu các đặc sản địa phương. Đã vài năm nay, chỉ với chiếc điện thoại thông minh, chị Bùi Thị Nhàn (khu 6, phường Yên Giang, TX.Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh đã giới thiệu bán các sản phẩm ruốc tép, mắm tép chưng thịt của cơ sở tới hàng nghìn khách hàng gần xa. Mỗi tháng cơ sở tiêu thụ từ 2.000-3.000 hộp mắm tép chưng thịt, ruốc tép qua sàn thương mại điện tử.
Được biết, trong năm 2022, Hội Nông dân tỉnh Quảng Ninh đã phối hợp với Bưu điện tỉnh Quảng Ninh triển khai hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa.
Qua đó, giới thiệu và bán các sản phẩm đảm bảo an toàn, chất lượng của các hội viên, nông dân trên sàn giao dịch thương mại điện tử Postmart; đã hỗ trợ cung cấp thông tin của 1.795 hộ sản xuất nông nghiệp; mở tài khoản cho 42 nhà cung cấp và đưa 242 sản phẩm OCOP, nông sản đặc trưng lên sàn thương mại điện tử Postmart.
Hỗ trợ ít nhất 500.000 hộ nông dân lên "sàn"
Đó là một trong 17 chỉ tiêu quan trọng sẽ được đưa ra tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII Hội Nông dân Việt Nam, nhiệm kỳ 2023 – 2028. Trong nhiệm kỳ vừa qua, hoạt động quảng bá giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, xúc tiến thương mại để tiêu thụ nông sản cho nông dân được quan tâm đẩy mạnh. Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã phối hợp với Tổng công ty Bưu điện Việt Nam triển khai kế hoạch đưa các sản phẩm nông nghiệp của nông dân lên sàn thương mại điện tử Postmart.vn để kết nối, tiêu thụ nông sản.
Hội Nông dân các tỉnh, thành phố ký kết thoả thuận hợp tác với Bưu điện tỉnh hỗ trợ nông dân chuyển đổi số trong nông nghiệp và kết nối tiêu thụ nông sản thông qua sàn giao dịch thương mại điện tử. Đến nay có trên 5,3 triệu hộ sản xuất nông nghiệp đã được tạo tài khoản trên sàn thương mại điện tử (Postmart.vn và Voso.vn); 5,8 triệu hộ sản xuất nông nghiệp được đào tạo kỹ năng số; tổng số sản phẩm nông sản được đưa lên sàn thương mại điện tử hơn 78.000 sản phẩm.
Thông qua thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", các cấp Hội đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, hỗ trợ quảng bá giới thiệu sản phẩm, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản, xúc tiến các hoạt động liên kết với các doanh nghiệp kết nối đưa sản phẩm của nông dân tiêu thụ tại các trung tâm thương mại, siêu thị và các chợ đầu mối. Trung ương Hội đã xây dựng điểm trưng bày - kết nối - hỗ trợ tiêu thụ nông sản; Hội Nông dân các tỉnh, thành phố xây dựng, duy trì, phát triển hệ thống "Cửa hàng Nông sản an toàn", tích cực tổ chức, tham gia Festival, hội chợ triển lãm nông nghiệp - thương mại để giới thiệu, kết nối hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Để thực hiện được mục tiêu hỗ trợ ít nhất 500.000 hộ nông dân có tài khoản trên sàn thương mại điện tử, giải pháp mà Trung ương Hội Việt Nam đưa ra là: Các cấp Hội chủ động thông tin kịp thời những thay đổi của thị trường nông sản trong nước, các cam kết quốc tế, sự thay đổi chính sách của các thị trường nhập khẩu nông sản và tư vấn cho hội viên, nông dân về giá cả nông sản, tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm, quy trình sản xuất, các sản phẩm công nghệ phục vụ sản xuất nông nghiệp.
Đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ kết nối thị trường, tổ chức các hội chợ triển lãm, xúc tiến thương mại, giới thiệu, quảng bá, liên kết với hệ thống siêu thị, chợ đầu mối để tiêu thụ nông sản, hàng hoá cho hội viên, nông dân; tư vấn, hỗ trợ hội viên, nông dân xây dựng thương hiệu nông sản, hàng hoá, xây dựng chỉ dẫn địa lý, thiết lập mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, đăng ký, bảo hộ thương hiệu hàng hoá nông sản, truy xuất nguồn gốc và kiểm soát an toàn thực phẩm. Hỗ trợ, hướng dẫn hội viên, nông dân tiếp cận phương thức thương mại điện tử, tham gia các sàn giao dịch thương mại nông sản.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.