Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Uber, Grab xuất hiện với nhiều ưu việt đã chiếm lĩnh lòng tin của khách hàng.
Ngày 27/3, Viện Nhà nước và Pháp luật thuộc Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam đã tổ chức hội thảo khoa học về chủ đề “khung thể chế cho nền kinh tế số”.
Trong phần phát biểu, PGS Nguyễn Như Phát, nguyên Viện trưởng Viện Nhà nước và pháp luật, nguyên Uỷ viên Hội đồng cạnh tranh đã dẫn câu chuyện của Uber, Grab như những ví dụ tiêu biểu để gợi lên vấn đề ứng xử thế nào với kinh doanh theo phương thức công nghệ số.
Ông Nguyễn Như Phát cho rằng, trong nền kinh tế số, điểm mấu chốt chính là kết nối và chia sẻ dữ liệu, do vậy, lợi thế cạnh tranh sẽ thuộc về những chủ thể kinh doanh có khả năng kết nối thông tin và nắm bắt cũng như chia sẻ thông tin một cách an toàn.
Hiện nay, các doanh nghiệp truyền thống không chỉ cạnh tranh với nhau mà còn phải cạnh tranh với cả những thực thể mới, trên toàn cầu, xuất hiện như hệ quả khách quan của nền công nghệ số mà theo pháp luật Việt Nam khó có thể gọi là doanh nghiệp.
Do đó, thay vì phản đối các hình thức kinh doanh có ứng dụng công nghệ, các doanh nghiệp truyền thống nên có thái độ tiếp nhận và thay đổi chính mình để tạo ra khả năng cạnh tranh. Cần coi những khó khăn trong điều kiện kinh doanh mới không chỉ là thách thức mà còn là cơ hội để thay đổi phương thức kinh doanh, tự cải tiến và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng.
Đơn cử như, để cạnh tranh được với Grab, Uber, các hãng taxi truyền thống đã tính đến các khả năng hợp tác, liên kết, áp dụng khoa học công nghệ trong việc quản lý, vận hành và cung cấp dịch vụ tới hành khách một cách thuận tiện hơn. Theo đó, những yếu tố được coi là then chốt để có thể cạnh tranh với các dịch vụ vận tải có ứng dụng số này là giá thành dịch vụ và sự tiện lợi trong việc cung cấp dịch vụ cho người tiêu dùng.
Nhưng sự cạnh tranh trong một nền kinh tế thị trường là tất yếu, sự cạnh tranh giữa cái mới và cái cũ cũng là không thể phủ nhận. Quan trọng là ứng xử thế nào khi có dấu hiệu của những sự cạnh tranh không lành mạnh.
Nhắc đến Luật Cạnh tranh, PGS Nguyễn Như Phát cho rằng: Đã có thời kỳ, những hành vi trên thương trường mà ngày nay (khi có luật cạnh tranh) được gọi là hành vi cạnh tranh không lành mạnh được xử lý theo Bộ Luật dân sự. Tuy nhiên, khi có Luật cạnh tranh thì những hành vi được Luật cạnh tranh mô tả phải được xử lý trước hết theo Luật cạnh tranh.
“Theo đó, chúng tôi vẫn phải buộc hiểu rằng, một thành viên của “thị trường liên quan” nếu muốn yêu cầu bồi thường thiệt hại vì một hành vi phản cạnh tranh, thí dụ cạnh tranh không lành mạnh thì phải qua bước xử lý, kết luận về tính chất phản cạnh tranh của Cục quản lý cạnh tranh hoặc Hội đồng cạnh tranh. Bởi lẽ, vấn đề này đã được quy định trong Luật cạnh tranh và các văn bản hướng dẫn thi hành”, ông nói.
PGS Nguyễn Như Phát nhấn mạnh pháp luật cạnh tranh chính là nhằm kiểm soát và xử lý những hành vi phản cạnh tranh nhằm bảo vệ cạnh tranh - động lực của phát triển kinh tế.
Hơn thế nữa, ở Việt Nam, toà án không có chức năng giải thích pháp luật, kết luận và xử lý hành vi cạnh tranh đến nay vẫn thuộc thẩm quyền của các cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh.
Làm rõ hơn về vấn đề này, ông Phát tiếp tục phân tích:“Trong nền kinh tế số, sự cạnh tranh không chỉ diễn ra trên thương trường giữa các thương gia, mà nó còn thể hiện ngay giữa các Chính phủ. Ngày nay, trong thời đại của các FTA thế hệ mới, chính sách cạnh tranh và pháp luật cạnh tranh không còn là việc riêng của mỗi Chính phủ mà là vấn đề của hội nhập kinh tế quốc tế. Đã có những sáng kiến được đưa ra về “quốc tế hoá pháp luật cạnh tranh” để tạo ra các quy tắc hành xử bắt buộc chung cho một trật tự kinh tế thế giới mới với nền công nghệ số.
Điều đó cho thấy, chính sách cạnh tranh không phải là việc làm riêng rẽ của từng bộ ngành như ở nước ta hiện nay.
“Thời kinh tế số, doanh nghiệp biết áp dụng nó, tận dụng nó thì có cơ hội phát triển. Nếu DN nào không tận dụng được thì sẽ khó khăn. Kinh tế số cũng đặt ra thách thức cho nhà quản lý. Nếu không đổi mới tư duy quản lý, cách nhìn nhận đánh giá, thì khó có thể hòa nhập được trong môi trường quốc tế và hội nhập như hiện nay”, PGS Nguyễn Như Phát nhấn mạnh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.