Thơm mát mùa mãng cầu quê tôi

Mỹ Nhân Thứ tư, ngày 10/09/2014 14:03 PM (GMT+7)
Không biết quả mãng cầu na (còn được gọi là na) đã hiện diện trong đời sống của  người dân quê tôi (Tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu) từ bao giờ, nhưng thứ quả đặc sản ấy có mặt thường trực suốt thuở thiếu thời của biết bao thế hệ. Những người đang sống và làm việc xa quê hẳn sẽ luôn nhớ món trái ăn ngon này của quê mình, để rồi thương nhớ, đong đầy kỷ niệm xa xưa.
Bình luận 0

Cây mãng cầu ở quê tôi thường cao cỡ 2–5 mét, lá mọc xen ở hai hàng; hoa xanh, quả tròn, được phân thành hai loại, thường gọi là mãng cầu dai và mãng cầu bở. Hiện nay giống mãng cầu bở hầu như không còn do ít người thích nên người dân quê chặt bỏ và thay thế vào là giống mãng cầu dai, quả có màu xanh, vỏ mỏng mềm, dễ bóc, nhiều cơm màu trắng sữa và ít hạt, ăn ngọt, để được lâu, không dễ nát, múi nhằn cùi dễ tróc ra khỏi hạt.

Thêm vào đó, mãng cầu dai được ưa chuộng hơn bởi khi chín có mùi vị thơm ngon đặc biệt và vị ngọt sắc nổi bật so với loại quả bở. Hạt mãng cầu na màu đen, có vỏ cứng, chứa độc tố, có tính làm bỏng da và có thể trừ sâu bọ, chấy rận có thể giã nhỏ, ngâm rượu chữa đau nhức răng, hạt na không tốt cho sức khỏe vì vậy, khi ăn phải bỏ hết hạt đi. 

Trong các loại quả mùa thu, phải nhắc đến đầu tiên là quả mãng cầu na, hay còn gọi là na, phan lệ chi, sa lê. Na là trái cây nhiệt đới ngon nhất, một loài thuộc chi na (Annona) có nguồn gốc ở vùng châu Mỹ nhiệt đới và cũng là cây bản địa của vùng Caribe, các thung lũng Andean của Peru và Ecuador. Ở nước ta na được trồng phổ biến nhiều nơi khắp trên các tỉnh thành. Mỗi năm na chỉ cho thu hoạch một lần vào dịp tháng 8 muộn lắm là tháng 9 âm lịch. Ăn na thì phải ăn đúng mùa mới ngon.

img

img

 Cây mãng cầu na

Cây mãng cầu na cũng là một trong những loại cây ăn quả “chủ lực” có sức cạnh tranh rất lớn của Bà Rịa Vũng Tàu, là một sản phẩm nổi tiếng, được nhiều người biết đến và đánh giá cao về chất lượng. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là ở TP.HCM và các tỉnh lân cận. 

Mãng cầu na hiện được trồng tập trung tại huyện Tân Thành, Châu Đức, Xuyên Mộc, TP.Vũng Tàu và đang từng bước hình thành vùng chuyên canh nhằm chuyển dịch cơ cấu cây trồng, giúp nông dân tăng thu nhập. Cây cho năng suất trung bình đạt trên 8 tấn/ha, nhiều hộ nông dân trồng theo quy trình VietGap chất lượng rất tốt, quả đồng đều, ngọt hơn. Đây cũng là yếu tố giúp nhà vườn bán được giá cao, lợi nhuận tăng so với trước khi chưa áp dụng quy trình VietGap.  

Trong vườn nhà tôi trồng nhiều loại cây ăn quả, nhưng nhiều nhất vẫn là cây mãng cầu na vì đây là loại quả mà cả nhà tôi ai cũng ưa thích, nhất là nội tôi. Mùa hè, thu cũng là mùa thu hoạch mãng cầu na ở quê tôi, cứ cách hai ngày thương lái lại vào vườn hái na một lần.

Hồi bé thơ, tụi tôi vui thích nhất là khi được chạy nhảy leo trèo trong khu vườn nhỏ nhưng nhiều cây ăn trái cổ thụ, tán che kín, mặc cho giữa trưa trời đang nắng gắt. Bởi những vườn trái này ở quê tôi, chỉ cần bước chân vào, bạn sẽ thấy mát dịu thư thái lạ lùng. Biết bao người con lớn lên và ra đi từ những làng quê này, dù cho có đi bất cứ nơi đâu cũng sẽ thấy cuộc sống nơi quê mình thật thanh bình, êm ả và khoáng đạt...

img

img

Mãng cầu na mới hái

Nhớ ngày còn đi học, ở nhà, cứ đến mùa na là sáng nào chị em tôi cũng thức dậy thật sớm, ra vườn thăm chừng quả “chín cây”. Những cây na sai “oằn quả” mặc dầu chiều tối hôm trước đã hái hết, nhưng chỉ sau một đêm trái na đã “mở mắt” tiếp, chỉ việc đi hái. Có những trái còn sót lại núp sau tán lá, cành cây, thế là chị em tôi phải đi "soi na", ngó nghiêng, nhưng loáng một cái cũng đã hái đầy cả rổ, tha hồ chia nhau ăn. Lắm lúc ăn “ngon quá” chén liền mấy quả, thay luôn cả bữa sáng. Nhưng đa số na chín toàn bị “sứt mẻ” bởi những con chim, con dơi đã “tinh tường” khám phá ra trước và “xơi” mất một nửa trái hay ít nhất cũng bị vẹt một góc.

Những trái na bị chim ăn đặc biệt rất ngon và ngọt lịm, nên chị em tôi cũng đành chấp nhận “ăn thừa” của chim bởi vị ngọt ngon không chê được. Có lẽ cũng vì thế mà mãng cầu na đã làm nên sự thảo thơm, ngọt bùi nơi thôn dã. Có những năm mất mùa na do tình trạng diễn biến bất thường của thời tiết, có nhiều cây chỉ được “vỏn vẹn” năm bảy chục quả, nhưng lại “đèo đẹt” không sâu cũng bị điếc.

img

Mãng cầu na bắt đầu chín

Những năm vào đại học phải sống xa nhà  xa quê, cứ sau một năm học tập vất vả, căng thẳng, cả mấy chị em tôi đón nhận kỳ nghỉ hè trong tâm trạng náo nức, bồn chồn, chỉ mong sao mau đến ngày “tổng kết”, được trở lại quê nhà để hòa mình vào thiên nhiên tươi mát. Ở quê, trải nghiệm những ngày hè thật vui vẻ, bổ ích, sống lại những kỷ niệm tuổi thơ, thưởng thức những quả na chín trong vườn cây trái đang vào mùa “rộ”. Và mãng cầu na đã khiến không ít người bị mê hoặc bởi độ ngon ngọt, mát lành đầy hấp dẫn của  nó.
 

img

Mãng cầu na loại ba

img

Mãng cầu na mới chín

img

Mãng cầu na chín

Thế mới biết, ở vùng thôn dã, mỗi mùa lại cho một dư vị khác nhau. Mãng cầu na trước đây cũng là loại cây ăn quả "xóa đói giảm nghèo" rất hữu hiệu, từng là niềm tự hào và là nguồn thu nhập chính của rất nhiều hộ nông dân quê tôi.

Cũng nhờ khí hậu và thiên nhiên ưu đãi nên loại trái cây nào của Miền Đông Nam Bộ  cũng có mùi vị thơm ngon. Những vườn cây trái rợp bóng mát, quanh năm xanh tươi tốt, mùa nào cũng có trái để thưởng thức. Đến Bà Rịa Vũng Tàu quê tôi vào những ngày cuối hè, thu này, bạn sẽ được “sở thị” những nương rẫy trồng mãng cầu na sai trĩu quả, rộng tít tắp… Những cây trái trong vườn quê đều cho những món ngon dân dã thảo thơm đầy bổ dưỡng, xua tan mệt nhọc trở thành đặc sản của vùng miền, cũng là món quà quê quý hóa dùng biếu tặng người thân bạn bè hoặc làm quà mỗi lúc có dịp đi xa.

Mãng cầu na Bà Rịa - Vũng Tàu đã được sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu công bố Giấy chứng nhận nhãn hiệu tập thể nhằm kiểm soát chất lượng, nâng cao uy tín thương hiệu cho loại cây ăn trái này.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem