Thống đốc NHNN: Sai lầm khi để trần lãi suất vượt 14%/năm quá lâu

Thứ năm, ngày 24/11/2011 16:34 PM (GMT+7)
Dân Việt - Trả lời chất vấn của đại biểu, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình thừa nhận: Sai lầm của chúng ta là đã để trần lãi suất vượt 14%/năm tồn tại từ cuối năm 2010 như vậy là quá lâu.
Bình luận 0

Theo chương trình, Thống đốc Nguyễn Văn Bình sẽ trả lời các nội dung xung quanh vấn đề giải pháp tái cơ cấu và đảm bảo an toàn hệ thống ngân hàng; công tác quản lý, kiểm tra, thanh tra các ngân hàng; biện pháp xử lý tổ chức tín dụng, cán bộ nhân viên các ngân hàng vi phạm; giải pháp chống lạm phát nhưng không để nền kinh tế rơi vào trì trệ…

img
Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình trả lời chất vấn tại nghị trường Quốc hội, chiều 24.11

Trước đó, Thống đốc NHNN cũng đã có văn bản giải trình chất vấn của đại biểu quốc hội, trong đó chỉ rõ các giải pháp đang được thực hiện nhằm tái cơ cấu ngân hàng và đảm bảo vốn cho sản xuất.

Theo người đứng đầu NHNN, quá trình tái cơ cấu ngân hàng sẽ trải qua 3 bước mà trước hết là đảm bảo khả năng chi trả cho từng nhà băng. Tiếp đó, sẽ tiến hành tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém theo phương án được duyệt. Cuối cùng, cơ quan quản lý sẽ chủ trì việc bán, sáp nhập, hợp nhất ngân hàng.

Hiện tại, NHNN cho biết đang tập trung giám sát chặt hoạt động của các nhà băng yếu kém, xây dựng phương án xử lý với từng đơn vị. Cơ quan quản lý cũng chỉ đạo các ngân hàng thương mại quốc doanh và cổ phần lớn hỗ trợ các nhà băng nói trên trong việc đảm bảo thanh khoản, xây dựng phương án tái cấu trúc.

Lời hứa khi mới nhậm chức của Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình là sẽ đưa giá vàng trong nước về sát mức giá của thế giới, hạ lãi suất cho vay, ổn định tỷ giá,… Những nội dung này đang thu hút nhiều câu hỏi chất vấn của các đại biểu trong phiên chất vấn trực tiếp đang diễn ra chiều nay, 24.11.

Mở đầu phiên chất vấn Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, có 5 đại biểu nêu câu hỏi chất vấn.

Đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Bà Rịa - Vũng Tàu) hỏi : Hiện nay có bao nhiêu ngân hàng hoạt động yếu kém cần giám sát? Phương án tái cơ cấu ngân hàng thời gian tới.

Đại biểu Trần Ngọc Minh (Hải Phòng) nêu vấn đề: Chính sách của NHNN thời gian qua có lợi cho ngân hàng lớn hại ngân hàng nhỏ, Hiện vẫn có doanh nghiệp phải vay cao hơn 20%, trong khi lãi suất huy động bị khống chế 14%.

Đại biểu La Ngọc Thoáng (Cao Bằng) chất vấn: Chính sách kiểm soát vàng có nhiều bất cập. Việc cho phép một số doanh nghiệp tư nhân sản xuất tạo sự độc quyền làm giá đối với vàng. Tại sao NHNN không thuê doanh nghiệp sản xuất đóng dấu NHNN?

Đại biểu Nguyễn Thanh Thụy (Bình Định) phản ánh chính sách điều hành của NHNN gây khó khăn cho doanh nghiệp, thậm chí không có tiền để trả lương cho cán bộ, gây ảnh hưởng đến an sinh xã hội. Xương sống của nền kinh tế đang rất yếu. Thắt chặt thì dễ dãi.

Đại biểu Đặng Xuân Huy (Đồng Tháp) hỏi về cơ chế chính sách trong kinh doanh vàng miếng. Liệu có lường hết khó khăn của 12.000 doanh nghiệp, cơ sở đang kinh doanh vàng miếng trên khắp cả nước sẽ như thế nào. Liệu có hạn chế tình trạng kinh doanh ngầm hay không?

Đại biểu Lê Văn Lai (Quảng Nam) nêu vấn đề giải bài toán lãi suất như thế nào vừa đảm bảo giảm lạm phát nhưng không đình đốn sản xuất?

Trước khi tiếp tục phần trả lời chất vấn của các đại biểu vào sáng mai (25.11), Thống đốc NHNN đã có giải trình một số nội dung được các đại biểu nêu xoay quanh các nhóm vấn đề như: Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, lãi suất trong hệ thống ngân hàng liệu có phải đang mang lại lợi ích cho một nhóm đối tượng, ngân hàng có giải pháp gi trong điều hành lãi suất, hoạt động chống USD hóa, vàng hóa…

Thống đốc Nguyễn Văn Bình trả lời: Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng là lĩnh vực nhạy cảm. Trên tinh thần tái cấu trúc nhưng phải đảm bảo để ngân hàng hoạt động ổn định, phải coi hoạt động này là bình thường bởi mô hình phát triển theo chiều rộng trong 20 năm đổi mới đã gặt hái nhiều thành công. Hiện nay đặt ra việc tái câu trúc không phải vì hệ thống ngân hàng đến mức độ yếu kém quá nên buộc phải tái cấu trúc nếu không thì nguy hiểm. “Mặc dù có nguyên nhân đó nhưng không hoàn toàn như vậy”, Thống đốc khẳng định.

Dẫn chứng cụ thể, Thống đốc cho biết: Vừa qua, trái phiếu của ngân hàng Vietcombank vừa bán với giá 3/4, Ngân hàng Công thương đang được ngân hàng Canada chào mua với giá 2/3. Chứng tỏ vẫn có ngân hàng được nước ngoài đánh giá cao.

Về câu hỏi của đại biểu rằng có bao nhiêu ngân hàng yếu kém, Thống đốc cho biết: Nếu chỉ tính các ngân hàng thì có 37 ngân hàng cổ phần, trong đó có 8 ngân hàng cổ phần lành mạnh làm trụ cột, 8 ngân hàng hoạt động trung bình, 8 ngân hàng nhỏ hoạt động lành mạnh, chỉ có 8 ngân hàng hoạt động yếu kém (chiếm 5%).

Về đề án tái cấu trúc hệ thống ngân hàng, Thống đốc cho biết: NHNN đã hoàn thành xong đề án, trong tháng 11 sẽ trình Chính phủ thông qua. Trọng tâm là đảm bảo xây dựng hệ thống ngân hàng lành mạnh, đủ sức cạnh tranh, đa dạng về quy mô, đa dạng về loại hình sở hữu. Dự kiến có 2 ngân hàng có thể cạnh tranh trong khu vực, 10 ngân hàng đủ sức làm trụ cột trong toàn hệ thống, và khoảng 10 ngân hàng hoạt động lành mạnh phục vụ các đối tượng. Ngoài ra cũng có một số tổ chức tài chính phục vụ các mục đích khác.

Trước nhiều ý kiến cho rằng chúng ta có nhiều ngân hàng quá, Thống đốc cho rằng: Chúng ta chỉ nhiều và đang thừa ngân hàng yếu, nhưng vẫn thiếu nhiều dịch vụ ngân hàng. Đề cập đến việc đảm bảo hệ thống ngân hàng lành mạnh nhưng vẫn phải đảm bảo đủ dịch vụ đáp ứng cho người dân, Thống đốc dùng cách nói hình ảnh: "Tái cấu trúc hệ thống ngân hàng làm sao như phun thuốc cho cây lúa, diệt được sâu nhưng vẫn phải đảm bảo cho cây lúa xanh tốt".

Trả lời chất vấn của các đại biểu xung quanh vấn đề lãi suất 14%/năm có còn phù hợp hay không, thống đốc cho biết quan điểm: Thời điểm 14%/năm là thời điểm ấn định lãi suất có ý nghĩa hết sức tích cực. Tôi công nhận cuối năm 2010 mà ấn định lãi suất 14%/năm thì bà con gửi tiền có phần bị thiệt. Sai lầm của chúng ta là đã để trần lãi suất như vậy tồn tại quá lâu. Từ tháng 8 trở lại đây, lãi suất bắt đầu giảm nên trần lãi suất phù hợp. Chúng ta trả lãi suất cho một năm tiếp theo chứ không phải là cho năm đã qua.

Trước khi kết thúc phiên chất vấn còn dang dở, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình nhận được thêm 12 câu hỏi chất vấn trực tiếp của các đại biểu tại Hội trường. Dự kiến đầu phiên chất vấn sáng mai (25.11), Thống đốc NHNN sẽ tiếp tục trả lời chất vấn trước khi đến phần Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn của các đại biểu.

Ông Nguyễn Văn Bình được bổ nhiệm làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tháng 8.2011, thay ông Nguyễn Văn Giàu được bổ nhiệm làm Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội. Ông Nguyễn Văn Bình sinh năm 1961. Quê tại phường Âu Cơ, thị xã Phú Thọ, tỉnh Phú Thọ. Trước khi được bổ nhiệm làm Thống đốc, ông Bình là 1 trong 5 Phó thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem