Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế (Bộ Tài chính) ông Nguyễn Đại Trí đã phát biểu như vậy tại cuộc họp báo về thu ngân sách Nhà nước quý I/2016 diễn ra sáng nay (25.3).
Tổng cục thuế cho biết, dự toán thu NSNN năm 2016, Quốc hội, Chính phủ giao cho ngành thuế là 809.500 tỷ đồng, bao gồm: Thu dầu thô là 54.500 tỷ đồng, trên cơ sở giá dầu thô là 60 USD/thùng; thu nội địa là 755.000 tỷ đồng.
2 tháng đầu năm 2016, tổng thu NSNN do cơ quan thuế quản lý đạt 145.750 tỷ đồng, đạt 17,4% dự toán; trong đó thu từ dầu thô đạt 5.770 tỷ đồng, bằng 10,6% dự toán, bằng 43,1% so với cùng kỳ năm 2015 trên cơ sở giá dầu thanh toán bình quân 2 tháng đạt khoảng 36 USD/thùng, giảm 24 USD/thùng so với giá tính dự toán.
Đây là năm thứ hai giá dầu thô tính thu ngân sách bị “chệnh” lớn, năm 2015, thu ngân sách dựa vào giá dầu là 100 USD/thùng, thực tế chỉ thu ở giá quanh 50 USD/thùng, còn năm nay dự báo giá dầu 60 USD/thùng thì hai tháng đầu năm chỉ thu ở mức 36 USD/thùng.
Đại diện Tổng cục thuế cho biết, lúc xây dựng dự tính giá dầu 60 USD/thùng cơ quan này đã căn cứ vào dự báo của các tổ chức có uy tín, có sự thẩm tra của của các cơ quan của Chính phủ, Quốc hội. Song giá dầu diễn biến rất phức tạp. Bộ Tài chính cũng đã phải tính thêm các kịch bản nếu giá dầu giảm mạnh, thậm chí xuống 20 USD/thùng.
Trước đó, nhiều tổ chức kinh tế đã dự báo: So với mức giá dự toán 60 USD/thùng cho năm 2016, nếu giá dầu thô ở mức trung bình 40 USD/thùng như kịch bản dự báo của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), ngân sách sẽ bị suy giảm hơn 40.000 tỷ đồng. Mức suy giảm tăng lên gần 60.000 tỷ đồng nếu giá dầu tiếp tục đứng quanh mức hiện tại (32-34 USD/thùng) trong năm 2016. Trong trường hợp xấu nhất, giá dầu xuống mức 20 USD/thùng, ngân sách có thể sụt giảm tới gần 85.000 tỷ đồng.
Câu hỏi được đặt ra là trong khi các cơ quan nhà nước không tính được giá dầu thì có nên để giá dầu trong dự toán ngân sách không? Nguồn thu từ dầu có thể tách riêng để thu được bao nhiêu thì đầu tư vào hạ tầng, phúc lợi và an sinh xã hội hoặc để dành cho con cháu mai sau?
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục thuế ông Nguyễn Đại Trí nói: “Ý tưởng đưa nguồn thu từ dầu ra ngoài ngân sách rất đáng suy ngẫm. Chúng ta cũng đã đặt ra nhưng không thuộc thẩm quyền của ngành thuế. Nếu đưa nguồn thu này ra khỏi ngân sách cũng phải tính đến nhiều tác động kèm theo”.
Theo Tổng cục thuế, dầu thô chiếm tỷ trọng không lớn trong thu ngân sách nhưng kéo theo một loạt các vấn đề về lao động, dịch vụ, công nghiệp phục vụ dầu khí nên tác động nhiều chiều đến số thu. Dầu thô còn liên quan đến dầu tinh, nguyên liệu đầu vào cho nhiều ngành của nền kinh tế. Trong khi đó, ngân sách tính số thu dựa vào cả nền kinh tế, do vậy dầu thô đưa vào ngân sách cũng là để cân đối vĩ mô nền kinh tế.
Dù vậy, Tổng cục thuế cũng nhìn nhận: Hiện nay, ta có mỏ, sản phẩm dầu là của các nhà thầu. Dầu khai thác lên khoán cho nhà thầu, trong đó, bao nhiêu phần trăm dành bù chi phí, bao nhiêu là thuế tài nguyên sau đó mới đến dầu lãi. Dầu lãi khai thác được chia cho nước chủ nhà một phần, còn lại nhà khai thác nước ngoài được hưởng. Các nước giàu, nguồn thu từ tài nguyên đều được giữ lại để đầu tư phúc lợi, để dành cho con cháu mai sau. Do đó, việc tính đưa dầu thô ra khỏi ngân sách cũng là việc “đáng suy nghĩ”.
Ông Nguyễn Văn Phụng – Vụ trưởng Vụ Quản lý thuế Doanh nghiệp lớn cho biết, tại một số quốc gia, ngân sách dồi dào, Hiến pháp các nước này quy định tiền thu được từ khai thác, bán tài nguyên thì phải giữ lại tại một quỹ dành cho thế hệ sau. Tuy nhiên, theo Hiến pháp và pháp luật Việt Nam, khoản này tập trung vào ngân sách.
|
Nghiên cứu “Tác động của diễn biến giá dầu tới ngân sách” của Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, tác động của việc giá dầu thô thế giới lao dốc ảnh hưởng tương đối nặng nề tới nguồn thu ngân sách. Giá dầu làm thất thu ngân sách qua 6 loại thuế: Thuế xuất - nhập khẩu, Thuế tài nguyên, Thuế tiêu thụ đặc biệt, Thuế thu nhập doanh nghiêp và Thuế giá trị gia tăng. Theo tính toán, cứ 1 USD giá dầu giảm, ngân sách sẽ hụt thu khoảng 2.100 tỉ đồng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.