Ngăn phát triển nóng hồ tiêu và sắn

Thứ hai, ngày 20/08/2012 13:17 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Hồ tiêu, sắn đang là cây trồng chủ lực của nông dân khu vực Tây Nguyên và Đông Nam Bộ. Kim ngạch xuất khẩu hồ tiêu 6 tháng đầu năm 2012 đạt hơn 472 triệu USD; sắn trên 1 tỷ USD.
Bình luận 0

Tuy nhiên, ông Nguyễn Trí Ngọc - Cục trưởng Cục Trồng trọt vừa đưa ra cảnh báo: Hiện nay, hồ tiêu và sắn đã phá vỡ quy hoạch sản xuất của nhiều tỉnh. Diện tích tăng đột biến dẫn đến đất rừng bị lấn chiếm, rừng bị phá, đất bị rửa trôi và nhiều nhà máy sản xuất sắn xả nước thải gây ô nhiễm môi trường...

Theo ông Ngọc, về cây hồ tiêu, nông dân 6 tỉnh trọng điểm là Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bà Rịa -Vũng Tàu đang ồ ạt mở rộng diện tích do những năm gần đây giá ổn định ở mức cao từ 130.000-150.000 đồng/kg.

img
Diện tích hồ tiêu đang phát triển mạnh ở Gia Lai.

Điều đáng nói là người dân ồ ạt trồng bất chấp rủi ro, đầu tư trồng hồ tiêu ở cả những nơi không phù hợp khiến nguy cơ tiêu mắc bệnh, cho năng suất thấp. Tỉnh Lâm Đồng trước đây chưa hề có hồ tiêu, thì nay nông dân đang trồng ồ ạt...

Ông Đỗ Hoài Nam - Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam cho hay, quy hoạch hồ tiêu của cả nước chỉ có 50.000ha nhưng nay đã đạt 62.000ha và có thể tăng lên 80.000ha thời gian tới. Điều này khiến nguồn cung hồ tiêu của Việt Nam tăng vọt, nguy cơ bị hạ giá như các mặt hàng nông sản khác đã hiển hiện. Bên cạnh đó việc nông dân trồng hồ tiêu ồ ạt, sử dụng giống tiêu từ vườn nhà, giống trôi nổi, không chọn lọc... khiến hàng loạt diện tích hồ tiêu bị mắc bệnh chết nhanh, chết chậm, tụ tuyến trùng khiến nhiều nhà nông khốn đốn. Đã có không ít nông dân Tây Nguyên bỗng chốc trắng tay, nợ nần.

Ông Nguyễn Xuân Hồng - Cục trưởng Cục BVTV (Bộ NNPTNT) cho rằng cần tăng cường đầu tư thâm canh trên cây hồ tiêu, sắn để cho năng suất cao nhằm giảm sức ép tăng diện tích. Việc này đã được thực hiện ở cây sắn của tỉnh Tây Ninh, sản lượng đạt đến 30-30 tấn/ha so với mức hơn 17 tấn/ha của cả nước.

Còn với hồ tiêu, nông dân Nguyễn Văn Quéo ở Chư Sê, Gia Lai trồng khoảng 30ha đã đạt năng suất 10 tấn/ha (năng suất chung của Việt Nam là 2,4 tấn/ ha và của thế giới là 8,3 tạ/ ha). Bí quyết của ông là chuyên canh bằng phân bón hữu cơ; trồng cây bằng trụ sống để tăng độ ẩm đất...

Ông Hoàng Phước Bính - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê mong muốn các bộ, ngành xúc tiến ngay việc thành lập viện nghiên cứu chuyên ngành hồ tiêu để giúp nông dân về kỹ thuật trồng, chăm sóc. Đồng thời, cần xây dựng thương hiệu “Hồ tiêu Việt Nam”, từng địa phương phải xây dựng chỉ dẫn địa lý và tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn GAP.

Đây là cơ sở để các doanh nghiệp có được nguồn nguyên liệu tốt, chế biến ra những sản phẩm cao cấp và đa dạng hóa sản phẩm đáp ứng nhu cầu trong và ngoài nước; tăng giá trị sản phẩm, tăng thu nhập của nông dân và uy tín của hồ tiêu Việt Nam trên thế giới.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem