Thu ngân sách đối diện áp lực lớn

Thứ bảy, ngày 14/01/2023 08:29 AM (GMT+7)
Năm 2023, dự toán thu ngân sách nhà nước được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao cho ngành Thuế tăng gần 17% so với dự toán năm 2022.
Bình luận 0

Năm 2023, dự toán thu ngân sách nhà nước được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao cho ngành Thuế tăng gần 17% so với dự toán năm 2022. Trước dự báo nền kinh tế tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, Tổng cục Thuế chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tập trung triển khai 10 giải pháp trọng tâm, đảm bảo mục tiêu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị được giao.

10 nhóm giải pháp phấn đấu hoàn thành dự toán thu NSNN năm 2023 - Ảnh 1.

Thu ngân sách đối diện áp lực lớn

Dự toán thu ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2023 được Quốc hội, Chính phủ và Bộ Tài chính giao ngành Thuế thực hiện là 1.373.244 tỷ đồng, cao hơn so với dự toán thu năm 2022 gần 17%. Trong đó, thu dầu thô là 42.000 tỷ đồng; thu nội địa là 1.331.244 tỷ đồng.

Theo Tổng cục Thuế, kinh tế thế giới đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi áp lực từ sức ép lạm phát tăng cao; xung đột địa chính trị leo thang, khủng hoảng năng lượng ngày càng trầm trọng kéo theo khủng hoảng các thị trường hàng hóa khác.

Bên cạnh đó, các chính sách miễn, giảm thuế ban hành trong năm 2022 vẫn còn hiệu lực sẽ ảnh hưởng đến nguồn thu năm 2023 như: giảm thuế bảo vệ môi trường theo Nghị quyết số 20/2022/UBTVQH15 và hiện nay Chính phủ đang nghiên cứu trình Quốc hội một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp (DN), kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường tốt cho DN phát triển, điều này có thể sẽ làm giảm thu nội địa năm 2023 so với dự toán đã tính toán, tạo áp lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách đối với ngành Thuế trong năm 2023.

Là nền kinh tế có độ mở cao, những diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường của kinh tế thế giới đã và đang tạo sức ép lớn tới kinh tế Việt Nam trong năm 2023.

Trước những khó khăn kép mà nền kinh tế đang phải đối phó, từ sức ép bên ngoài cũng như nội tại nền kinh tế bị tác động bởi dịch bệnh trong 2 năm qua đối với một số ngành, lĩnh vực, ngành Thuế đã xác định thu ngân sách năm 2023 và những năm tiếp theo sẽ phải đối diện với những áp lực lớn.

10 nhóm giải pháp phấn đấu hoàn thành dự toán

Tổng cục Thuế cho biết, để hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN cả năm 2023 và giai đoạn 2023 - 2025 theo Nghị quyết của Quốc hội giao, ngành Thuế đã sẵn sàng các kịch bản ứng phó trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu. Cụ thể, ngay từ đầu năm, Tổng cục Thuế đã chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tập trung thực hiện 10 nhóm giải pháp trọng tâm thu ngân sách gồm:

Thứ nhất, bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài chính về triển khai những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN để tổ chức triển khai các giải pháp nhằm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu. Tập trung triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp quản lý thu, thu hồi nợ thuế, chống thất thu...

Thứ hai, tiếp tục nghiên cứu, tham mưu đề xuất, triển khai kịp thời các giải pháp, chính sách về gia hạn, miễn, giảm thuế, tiền thuê đất thuộc chương trình phục hồi và phát triển kinh tế.

Thứ ba, thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Nghị quyết số 69/2022/QH15 về dự toán NSNN năm 2023, Nghị quyết của Chính phủ về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán NSNN năm 2023.

Thứ tư, triển khai quyết liệt, hiệu quả Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030, trọng tâm là công tác quản lý thuế dựa trên nền tảng thuế điện tử với 13 Đề án thành phần theo các lĩnh vực quản lý thuế.

Thứ năm, tiếp tục rà soát, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính thuế, hiện đại hóa hệ thống thuế nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, phù hợp với các mục tiêu, định hướng đã đề ra tại Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2030.

Thứ sáu, tiếp tục tăng cường thực hiện chương trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về quản lý thuế và chính sách thuế, mở rộng cơ sở thuế.

Thứ bảy, tiếp tục duy trì và mở rộng các dịch vụ thuế điện tử; thực hiện điện tử hóa, số hóa các khâu trong công tác quản lý thuế. Đảm bảo cơ sở hạ tầng CNTT về hóa đơn điện tử (HĐĐT); triển khai hiệu quả HĐĐT khởi tạo từ máy tính tiền; đẩy mạnh các giải pháp quản lý HĐĐT, xây dựng cơ sở dữ liệu, công cụ phân tích, chống gian lận trong quản lý, sử dụng HĐĐT.

Thứ tám, tiếp tục triển khai hiệu quả công tác quản lý thuế đối với hoạt động thương mại điện tử (TMĐT), kinh doanh trên nền tảng số; hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản.

Thứ chín, kịp thời bổ sung nguồn công chức trẻ có chất lượng tốt cho ngành Thuế.

Thứ mười, tăng cường kỷ luật, kỷ cương, nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ công chức trong thực thi công vụ và thực hiện tốt công tác phòng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm chống lãng phí. Phát động các phong trào thi đua, phấn đấu hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN được giao ngay từ đầu năm 2023.

63 cục thuế hoàn thành vượt dự toán thu ngân sách năm 2022

Đến ngày 31/12/2022, tổng thu NSNN ngành Thuế quản lý đạt 1.515.410 tỷ đồng, đạt 129% so với dự toán pháp lệnh, bằng 112,6% so với cùng kỳ năm 2021. So với dự toán, có 18/19 khoản thu, sắc thuế hoàn thành vượt dự toán; có 15/19 khoản thu, sắc thuế có mức tăng trưởng so với cùng kỳ. Có 62/63 địa phương và 63/64 cục thuế đánh giá hoàn thành và hoàn thành vượt mức dự toán thu NSNN năm 2022.

P.V (VGP)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem