Tỷ lệ đạt chuẩn vượt xa bình quân cả nước
Trong số 5 huyện thị đã cơ bản đạt tiêu chí NTM, thị xã Đông Triều đã đạt chuẩn và được Thủ tướng Chính phủ chính thức công nhận vào tháng 4.2015 (Quảng Ninh là tỉnh thứ 3 trong cả nước có huyện đạt chuẩn NTM).
Bà Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội (thứ 2 trái sang) tham quan sản phẩm thuyền nan lưu niệm - sản phẩm tham gia Chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm” của thị xã Quảng Yên (Quảng Ninh).Ảnh: PHẠM MINH TUẤN
TP.Uông Bí đã được Tổ công tác Văn phòng Điều phối Trung ương – Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM đã tiến hành thẩm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế và đã báo cáo Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM.
Huyện đảo Cô Tô đang làm thủ tục đề nghị Ban chỉ đạo Trung ương công nhận đạt chuẩn trong năm 2015; thị xã Quảng Yên và TP.Cẩm Phả dự kiến đạt chuẩn vào 2016.
Nếu xét trên tỷ lệ số xã đạt chuẩn NTM, Quảng Ninh đạt 13,6% trong tổng số xã, cao hơn so với mức bình quân cả nước (đạt 9,36% trong tổng số xã của cả nước). Quảng Ninh không còn xã nào đạt dưới 5 tiêu chí, trong khi cả nước còn hơn 900 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Bình quân số tiêu chí đạt trên một xã của Quảng Ninh cao hơn so với mức bình quân chung cả nước (đạt 15,17 tiêu chí/xã và 33,74 chỉ tiêu/xã, so với với mức bình quân chung cả nước là 10 tiêu chí/xã). Nhiều tiêu chí có mức độ đạt chuẩn cao hơn so với mức bình quân chung toàn quốc.
Theo số liệu thống kê của tỉnh Quảng Ninh, thu nhập của người dân khu vực nông thôn Quảng Ninh đã tăng từ 10,98 triệu đồng/năm (năm 2010) lên 29,533 triệu đồng/năm (năm 2015), tức gấp 2,69 lần.
Toàn tỉnh có 84% số xã đạt tiêu chí thu nhập; có 84,8% số xã đạt tiêu chí hộ nghèo; có 96,8% số xã đạt tiêu chí tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên; có 88% số xã đạt tiêu chí hình thức tổ chức sản xuất.
Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm nhanh từ 7,68% vào năm 2010 xuống còn khoảng 1,55% vào năm 2015.
Huy động vốn xã hội hóa cao gấp đôi ngân sách
Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết số 01-NQ/TU của Tỉnh ủy Quảng Ninh (ban hành ngày 27.10.2010) “Về chương trình xây dựng NTM tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020”, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành 8 mục tiêu quan trọng của nghị quyết này, gồm: (1) 100% xã đạt tiêu chí về quy hoạch và phát triển theo quy hoạch. (2) 100% số thôn có nhà văn hóa đảm bảo đủ điều kiện hoạt động. (3) 100% xã có hệ thống điện cơ bản đạt yêu cầu kỹ thuật ngành điện. (4) Duy trì 100% y tế xã đạt chuẩn quốc gia. (5) Duy trì 100% xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở. (6) Có 100% số xã có đường trục xã, liên xã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đường liên thôn được cứng hóa. (7) Thu nhập của người dân nông thôn tăng từ 10,98 triệu đồng/năm (năm 2010) lên 29,533 triệu đồng/năm (năm 2015), gấp 2,69 lần, cao hơn mức mà Nghị quyết 01-NQ/TU đặt ra là gấp 1,5-2 lần. (8) Hàng năm có 80% Đảng bộ và các tổ chức đoàn thể xã đạt trong sạch vững mạnh.
Bốn mục tiêu khác mà nghị quyết này đề ra (gồm điểm bưu điện văn hóa xã; thôn có đủ điều kiện truy cập Internet; đào tạo nghề; tỷ lệ hộ gia đình sử dụng nước hợp vệ sinh) dự kiến sẽ đạt vào cuối năm 2015. Tám mục tiêu khác chưa hoàn thành, Quảng Ninh đang tiếp tục triển khai thực hiện.
Để hoàn thành khối lượng công việc khổng lồ trong 5 năm qua, Quảng Ninh đã huy động nguồn lực rất lớn- hơn 57.700 tỷ đồng (các con số làm tròn). Tuy nhiên, bằng cách thay đổi tư duy, biện pháp chỉ đạo xây dựng NTM theo hướng phân cấp cho địa phương chủ động huy động và sử dụng nguồn lực, tỷ trọng đầu tư từ ngân sách nhà nước đã giảm xuống. Trong tổng nguồn vốn hơn 57.700 tỷ đồng được huy động, nguồn vốn ngân sách là 6.700 tỷ đồng, chiếm 11,62% tổng nguồn vốn (theo Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 4.6.2010 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM giai đoạn 2010-2020, tỷ lệ vốn ngân sách “cơ cấu” là 40%). Vốn tín dụng đạt tỷ lệ cao 66,12% và vốn xã hội hóa đạt 22,26%.
Kết quả xây dựng NTM của tỉnh Quảng Ninh sau 5 năm được Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM ghi nhận là một trong những tỉnh đi đầu cả nước, và là tỉnh dẫn đầu trong 15 tỉnh miền núi phía Bắc về số xã đạt chuẩn NTM.
Mục tiêu tỉnh Quảng Ninh đề ra đến cuối năm nay là cơ bản đạt các tiêu chí “Tỉnh nông thôn mới” với 82/125 xã và 10/13 huyện, thị xã, thành phố cơ bản đạt tiêu chí NTM.
|
Một số kết quả ấn tượng
Đi đầu cả nước về quy hoạch nông thôn mới
Đến hết tháng 3.2012, các địa phương đã hoàn thành phê duyệt đề án và đồ án quy hoạch chung xã NTM của 125/125 xã trong toàn tỉnh... Không dừng lại ở quy hoạch NTM, tỉnh Quảng Ninh đang triển khai nghiên cứu lập quy hoạch “nông thôn tiên tiến” tại 3 xã An Sinh, Việt Dân và Bình Khê thuộc thị xã Đông Triều, với nhiều chỉ tiêu cao hơn so với chỉ tiêu chương trình NTM.
Kết cấu hạ tầng thay đổi toàn diện
Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội nông nghiệp, nông thôn được tập trung đầu tư, bộ mặt nông thôn được đổi mới: Quảng Ninh là tỉnh đầu tiên trong cả nước hoàn thành mục tiêu đưa điện lưới quốc gia đến các xã đảo, thôn, khe bản. 97,6% số xã có hệ thống điện cơ bản đạt yêu cầu kỹ thuật ngành điện, 99,85% hộ dân sử dụng điện lưới an toàn, ổn định. 100% số xã xây dựng NTM của Quảng Ninh (125 xã) có đường trục xã, liên xã được nhựa hoá hoặc bê tông hoá, đường liên thôn được cứng hoá; 100% số thôn có nhà văn hóa đảm bảo đủ điều kiện hoạt động; 99,2% số xã có điểm bưu điện văn hóa xã...
Mỗi xã phường một sản phẩm
Để phát huy thế mạnh đặc thù của địa phương và kết hợp với kinh nghiệm quốc tế vào xây dựng NTM, Quảng Ninh đã nghiên cứu, ứng dụng sáng tạo Chương trình “Mỗi xã phường một sản phẩm” (OCOP), triển khai thực hiện chương trình này trên 14/14 huyện thị. Hiện đã có 77 doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác được thành lập, đăng ký tham gia và đang sản xuất trên 120 sản phẩm, nhóm sản phẩm, dịch vụ theo chương trình này.
(Theo: Ban Xây dựng NTM Quảng Ninh)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.