Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam: Đổi mới việc đào tạo nông dân

Anh Thơ Thứ ba, ngày 15/01/2019 06:05 AM (GMT+7)
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, biến đổi khí hậu diễn biến khó lường, các cấp Hội Nông dân Việt Nam cần đẩy mạnh đào tạo nông dân những phương cách sản xuất mới.
Bình luận 0

Vai trò chủ thể của nông dân

Thứ trưởng Trần Thanh Nam đánh giá, Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đã tạo được “bước ngoặt” quan trọng trong nông nghiệp, nông thôn. Trong đó khẳng định nông dân là chủ thể không thể thay thế của quá trình phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Để phát triển nông nghiệp, nông thôn cần đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới.

img

Nông dân Thanh Hóa học nghề trồng nấm. Ảnh: I.T

Chương trình xây dựng nông thôn mới đến nay cơ bản hoàn thành các công trình thiết yếu đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất và đời sống của dân cư nông thôn như giao thông, điện, nước sinh hoạt, trường học, trạm y tế xã... Vì vậy nhiệm vụ và giải pháp cơ cấu lại nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2016-2020 là tập trung nâng cao chất lượng các tiêu chí đã đạt; phấn đấu có nhiều xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu và đến hết năm 2019 có 50% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại ngành nông nghiệp theo hướng xây dựng nền nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất hàng hóa lớn; nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; bảo đảm phát triển bền vững, an ninh lương thực quốc gia và vệ sinh an toàn thực phẩm.

Đánh giá về chương trình phối hợp thực hiện mục tiêu phát triển 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động hiệu quả giữa Bộ NNPTNT, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam và Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho rằng, nông dân, tổ chức Hội tiếp tục đóng vai trò to lớn trong ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, liên kết sản xuất và xây dựng nông thôn mới.

Nhờ phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam, đến nay cả nước có trên 13.000 HTX và khoảng 65.000 tổ hợp tác hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp. Doanh thu trung bình của HTX đạt 1,1 tỷ đồng/HTX/năm, cao gấp hơn 1,5 lần so với năm 2012.

Đổi mới công tác đào tạo nông dân

Đứng trước yêu cầu, nhiệm vụ của Hội ND trong giai đoạn mới, theo Thứ trưởng Trần Thanh Nam, Hội ND Việt Nam cần tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, nâng cao giá trị gia tăng và đảm bảo sản phẩm nông sản an toàn. Các cấp Hội cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, trang bị đầy đủ kiến thức, kinh nghiệm, cách thức tổ chức sản xuất thực hành nông nghiệp tốt, hiệu quả cho nông dân. Nhất là đào tạo cho nông dân những phương thức canh tác mới.

 Chủ động phối hợp các ngành, doanh nghiệp, Nhà nước, ngân hàng, nhà khoa học, nhà phân phối hướng dẫn, hỗ trợ nông dân xây dựng các mô hình sản xuất quy mô trang trại, gia trại; hỗ trợ nông dân liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước xây dựng chuỗi giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao, an toàn thực phẩm, thích ứng với biến đổi khí hậu; gắn sản xuất, kinh doanh nông nghiệp với nhu cầu của thị trường. Hằng năm có hình thức tôn vinh những tấm gương nông dân điển hình, tiên tiến trong các phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, xây dựng nền nông nghiệp hiện đại.

Vận động các chủ trang trại, nông dân sản xuất giỏi là hội viên Hội ND tham gia tích cực vào phong trào phát triển hợp tác xã; tham gia tổ chức đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, hội viên nông dân tập trung vào các cán bộ Hội cơ sở, các chủ trang trại và nông dân sản xuất kinh doanh giỏi để tạo nguồn sáng lập viên thành lập các hợp tác xã kiểu mới và các thành viên hợp tác xã là thành viên Hội ND để nâng cao hiệu quả hoạt động của các hợp tác xã; ưu tiên nguồn kinh phí cho vay từ Quỹ Hỗ trợ nông dân để giúp các thành viên hợp tác xã nông nghiệp là hội viên Hội ND phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập.

Khuyến khích và tạo điều kiện cho nông dân tích cực tham gia phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói, giảm nghèo và làm giàu chính đáng như: Vận động nông dân đăng ký thi đua phấn đấu trong sản xuất, kinh doanh có hiệu quả trên cơ sở nâng cao chất lượng hàng hóa, nông sản, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, xây dựng vùng nguyên liệu an toàn, truy xuất được nguồn gốc, đáp ứng khả năng cạnh tranh hàng hóa trong thời kỳ hội nhập; đoàn kết chia sẻ kinh nghiệm giúp nhau làm giàu.

“Hiện nay, vai trò chủ thể của người nông dân ngày càng được nâng lên, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Trong thời gian tới, các cấp Hội cần kết hợp chặt chẽ công tác tuyên truyền, vận động với tăng cường các hoạt động hướng dẫn, hỗ trợ, dịch vụ và dạy nghề cho nông dân. Kịp thời tổng kết, tôn vinh, cổ vũ các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích, đóng góp xây dựng nông thôn mới để phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, thiết thực và hiệu quả” - Thứ trưởng khẳng định.

Thống nhất trong nhận thức và hành động của các cấp Hội tích cực tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, khắc phục ô nhiễm, cải thiện môi trường nông thôn, sống hài hòa và thân thiện với môi trường, bảo tồn thiên nhiên và đa dạng sinh học; khai thác, sử dụng tiết kiệm, có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phòng ngừa dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe cho người dân nông thôn, vận dụng kinh nghiệm, kiến thức trong sản xuất và kiến thức được tập huấn chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem