Năng lực tuyến dưới còn hạn chế
Ông đánh giá thế nào về chất lượng khám chữa bệnh của mạng lưới y tế cơ sở hiện nay?
Thời gian tới, y tế cơ sở sẽ được "cởi trói" nhiều về cơ chế tài chính. Ảnh: Khám chữa bệnh tại BV Đại Từ Thái Nguyên. Ảnh: Diệu Linh
- Nghiên cứu “Điều tra cơ sở y tế về năng lực cung ứng dịch vụ khám chữa bệnh tại tuyến cơ sở” của Viện Chiến lược Chính sách y tế (Bộ Y tế) vừa công bố (ngày 9.12-PV) đã cho thấy bức tranh khá sát thực về tình hình y tế cơ sở hiện nay. Có thể nhận thấy, năng lực cung ứng dịch vụ tuyến y tế cơ sở còn hạn chế, chưa được chuyển đổi kịp thời để đáp ứng với nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân. Đây là lý do cơ bản dẫn đến việc người bệnh không tin tưởng vào y tế tuyến dưới nên đổ dồn lên bệnh viện (BV) tuyến trên. Điều này dẫn đến quá tải ở một số BV T.Ư, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh, đồng thời chi phí y tế từ tiền túi của người dân phải bỏ ra nhiều hơn. Kết quả của nghiên cứu đã giúp Bộ nhận định về năng lực cung ứng dịch y tế cơ sở của Việt Nam đang ở mức độ nào? Trên cơ sở đó, Bộ Y tế và các tỉnh sẽ xây dựng kế hoạch và triển khai có hiệu quả đề án xây dựng và phát triển mạng lưới cơ sở trong tình hình mới mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt ngày 5.12 vừa qua.
Nghiên cứu chỉ ra rằng, tỷ lệ các bác sĩ chỉ định thuốc gây hại (chưa an toàn và hợp lý) còn cao, riêng đối với viêm phổi trẻ em lên đến gần 70%. Liệu Bộ Y tế đã biết đến điều này?
-Lâu nay, Bộ Y tế luôn có các hướng dẫn sử dụng thuốc hợp lý, an toàn. Mỗi BV cũng có riêng hội đồng thuốc và điều trị để hướng dẫn, định hướng cho bác sĩ kê đơn thuốc đúng, an toàn. Tuy nhiên, tuyến cơ sở vẫn có hạn chế. Điều này liên quan nhiều đến năng lực, nhận thức. Ví dụ như có trường hợp cứ ho, đau họng, sốt là cho dùng kháng sinh, nhưng nếu ho, đau họng sốt do virus mà không phải vi khuẩn thì dùng kháng sinh không có tác dụng gì. Hậu quả là người bệnh trì hoãn chữa bệnh, dẫn đến kháng kháng sinh… Thời gian tới, Bộ Y tế cũng sẽ cho rà soát lại chương trình sử dụng thuốc an toàn cũng như rà soát lại hoạt động của hội đồng thuốc và điều trị để tiếp tục đào tạo kiến thức cho cán bộ y tế. Để làm sao họ có thêm kinh nghiệm, kiến thức trong chẩn đoán và điều trị. Mục tiêu của ngành y là phát hiện bệnh sớm, chẩn đoán đúng, chỉ định hiệu quả, kê đơn an toàn.
Phải cân bằng giữa học và thực hành
Về phát hiện các bác sĩ dành thời gian cho bệnh nhân không nhiều, hỏi và khám lâm sàng chưa đủ để giúp chẩn đoán, điều trị bệnh tốt hơn. Theo Thứ trưởng, đây có phải do bác sĩ còn làm việc chưa nghiêm túc?
Các bác sĩ tuyến huyện thực hành ít hơn so với những gì họ biết, còn bác sĩ tuyến xã lại kiến thức hạn chế nhưng họ lại thực hành hầu hết những gì họ biết. Như vậy, một bên muốn làm nhiều nhưng biết ít, bên biết nhiều lại làm ít”.
Thứ trưởng Bộ Y tế
Phạm Lê Tuấn
|
-Nghiên cứu nói trên đã chỉ ra một nghịch lý “thú vị”: Các bác sĩ tuyến huyện thực hành ít hơn so với những gì họ biết, còn bác sĩ tuyến xã lại kiến thức hạn chế nhưng họ lại thực hành hầu hết những gì họ biết. Như vậy, một bên muốn làm nhiều nhưng biết ít, bên biết nhiều lại làm ít. Điều này đều gây thiệt thòi cho người bệnh. Việc thực hành ít liên quan mật thiết đến việc số lượng bệnh nhân mà mỗi bác sĩ khám hiện nay vẫn còn cao. Nếu mỗi bác sĩ khám nhiều bệnh nhân thì thời gian khám sẽ ít đi, không thể hỏi nhiều, tư vấn nhiều. Trong khi đó, Bộ Y tế đang chú trọng thay đổi đối với giao tiếp bệnh nhân, tăng cường tư vấn. Thời gian không chỉ hỏi tiền sử bệnh, triệu chứng, chẩn đoán mà còn phải tư vấn về sử dụng thuốc, dinh dưỡng, tư vấn tâm lý, việc luyện tập, giữ gìn sức khoẻ, tránh các thói quen có hại…
Điều này không chỉ liên quan đến việc giảm tải BV mà còn phải tổ chức lại bệnh nhân cho hợp lý. BV nhiều nước tiên tiến chỉ tập chung giải quyết các bệnh cấp tính, các ca cấp cứu, còn các bệnh mãn tính đều phải hẹn. Mình không thấy ở họ cảnh chờ đợi đông nghịt là vì bệnh nhân họ đợi ở nhà, đến ngày hẹn, giờ hẹn mới đến viện. Còn Việt Nam dù cấp tính hay mãn tính đều đổ dồn đến BV, dẫn đến việc bệnh nhân chờ đợi mệt mỏi, các bác sĩ quá tải cũng căng thẳng, ảnh hưởng đến chất lượng khám chữa bệnh.
Do đó, cần phải có kế hoạch tổ chức, phân bố lại việc khám chữa bệnh. Nếu bệnh mãn tính đã được chẩn đoán rồi, chỉ cần hẹn tái khám, phát thuốc định kỳ như đái tháo đường, tăng huyết áp thì cần phải hẹn bệnh nhân cho hợp lý. Như vậy mới dành được nhiều thời gian cho bệnh nhân. Bệnh nhân có lợi, bác sĩ cũng vui.
Có bác sĩ trạm trưởng trạm y tế phản ánh, cả trạm có mỗi mình ông làm bác sĩ nhưng phải dành tới 10-15 ngày mỗi tháng để đi họp, tập huấn, không dành nhiều thời gian được cho bệnh nhân?
-Đây đúng là một thực tế cần phải giải quyết ngay. Hiện chúng ta có xu hướng cái gì cũng phân cho bác sĩ, cho trạm trưởng trong khi ở trạm y tế xã thường chỉ có 1 bác sĩ, kiêm trạm trưởng. Do đó cần có cơ chế phân cấp cho các nhân viên khác, cái gì không cần bác sĩ đi họp, kiểm tra thì phân nhân viên đi. Còn trạm y tế ở khu vực đông dân cư, nhiều thẻ khám bảo hiểm y tế (BHYT) ban đầu thì BV huyện cần phải đưa bác sĩ về hỗ trợ, cố định khám các bệnh mãn tính một vài ngày trong tuần.
Thời gian tới, Bộ Y tế cũng sẽ tăng cường xây dựng BV vệ tinh tuyến huyện. Theo đó, BV tỉnh, T.Ư sẽ về BV huyện hỗ trợ kỹ thuật, đào tạo nhân lực, huyện lại hỗ trợ xã… Đồng thời không chỉ cử bác sĩ tuyến trên về hỗ trợ tuyến dưới mà bác sĩ tuyến dưới cũng cần lên tuyến trên học hỏi, tăng cường thực hành để lấy kinh nghiệm…
Cũng có ý kiến cho rằng ngân sách cấp cho y tế cơ sở còn quá thấp trong khi họ phải ôm đồm nhiều các hoạt động dự phòng, tuyên truyền nên muốn phát triển cũng “lực bất tòng tâm”. Vậy thời gian tới, Bộ Y tế có chính sách gì để tăng cường “năng lực” tuyến cơ sở?
- Một trong những nội dung quan trọng trong đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới là đổi mới cơ chế tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở. Ngân sách nhà nước sẽ không cấp cho cơ sở y tế mà hỗ trợ người dân tham gia BHYT. Đồng thời Bộ Y tế cũng sửa đổi bổ sung danh mục dịch vụ kỹ thuật, danh mục thuốc BHYT để tăng khả năng tiếp cận dịch vụ y tế của người có thẻ BHYT ngay tại nơi khám chữa bệnh ban đầu.
Bộ Y tế cũng tiếp tục điều chỉnh giá dịch vụ y tế, khi giá dịch vụ đủ thì các cơ sở y tế cung ứng dịch vụ sẽ có điều kiện để cung ứng. Bộ Y tế cũng sẽ xây dựng các ưu tiên rõ nét hơn để tạo động lực cho y tế cơ sở hoạt động, nâng cao năng lực cung ứng dịch vụ y tế cơ sở để người dân được tiếp cận các dịch vụ y tế cơ bản, có chất lượng tại nơi sinh sống, tăng chi tiêu công cho y tế, giảm tỷ lệ chi trực tiếp từ hộ gia đình…
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.