Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói về rà soát quốc tịch cổ đông liên quan hãng bay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn

01/10/2022 18:57 GMT+7
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạn việc rà soát quốc tịch cổ đông liên quan hãng bay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn là bình thường, không có gì phức tạp hóa.

Bộ Giao thông Vận tải (Bộ GTVT) mới đây đã có kiến nghị Thủ tướng xem xét, cho phép bộ này được cấp giấy phép kinh doanh cho Hãng hàng không IPP Air Cargo của ông Johnathan Hạnh Nguyễn – bố chồng Tăng Thanh Hà.

Bộ Giao thông Vận tải cho biết đã tiếp thu đầy đủ ý kiến của các ngành liên quan và cho rằng hồ sơ xin cấp phép kinh doanh vận chuyển hàng hóa bằng hàng không của IPP Air Cargo hiện tại phù hợp, theo đúng quy định của pháp luật.

Trước đó, góp ý cho việc cấp phép thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã lưu ý Bộ Giao thông Vận tải kiểm tra chặt chẽ việc góp vốn vào hãng hàng không này, đặc biệt liên quan tới quốc tịch của các cổ đông.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói về rà soát quốc tịch cổ đông liên quan hãng bay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương.

Liên quan đến góp ý này, tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 9 diễn ra chiều ngày 1/10, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh việc rà soát quốc tịch cổ đông liên quan hãng bay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn là bình thường, không có gì phức tạp hóa và việc này mang hai ý nghĩa.

Thứ nhất, việc xác định quốc tịch của cổ đông để biết tư cách của doanh nghiệp đấy thuộc thể loại nào. Chẳng hạn, doanh nghiệp có 2 cổ đông quốc tịch nước ngoài thì ứng xử khác, chính sách khác so với doanh nghiệp 100% trong nước hoặc doanh nghiệp toàn bộ cổ đông có quốc tịch nước ngoài.

Hai là, theo luật quốc tịch năm 2014, một số trường hợp, tình huống người Việt Nam có thể mang hai quốc tịch. Trong quy định hướng dẫn của Luật đầu tư cũng có các tình huống ứng xử với các nhà đầu tư mang hai quốc tịch, gồm quốc tịch Việt Nam để có quy định, trình tự thủ tục cụ thể với các trường hợp cụ thể.

Do đó, việc xác định cổ đông, nhất là cổ đông sáng lập, thành lập để ứng xử cho phù hợp. Đây là việc thận trọng trước khi cấp phép – theo Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nói về rà soát quốc tịch cổ đông liên quan hãng bay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn - Ảnh 2.

Máy bay mang thương hiệu IPP Air Cargo đã xuất xưởng chiếc đầu tiên vào tháng 7. Ảnh: IIP

Liên quan đến tiến độ cấp phép của hàng hàng không này, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Lê Đình Thọ thông tin thêm, sau khi Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho ý kiến thì Bộ Giao thông vận tải đã giao Cục Hàng không rà soát hồ sơ. Đến 26/9 vừa qua, hồ sơ đã được trình lên Thủ tướng.

"Hiện nay, Thủ tướng chưa cho ý kiến về chủ trương đầu tư. Sau khi có chủ trương đầu tư, chúng tôi sẽ thực hiện quy trình cấp phép", ông Thọ nêu.

Hiện tại, Việt Nam chưa có hãng vận chuyển hàng hóa bằng tàu bay chuyên dụng. Trong khi đó, có đến 47 hãng hàng không có chuyến bay chuyên chở hàng hóa bằng tàu chuyên dụng thường lệ đến Việt Nam.

Bộ GTCT cho biết, việc được cấp giấy phép là cơ sở pháp lý quan trọng để IPP Air Cargo có thể tham gia vào khai thác thị trường vận chuyển hàng hóa hàng không. Tuy nhiên, để có thể thực hiện chuyến bay thương mại đầu tiên, hãng bay của ông Johnathan Hạnh Nguyễn cần có chứng nhận nhà khai thác máy bay AOC sau khi được cấp giấy phép kinh doanh.

Được biết, PP Air Cargo là Công ty cổ phần được thành lập vào tháng 3/2021, gồm 4 cổ đông sáng lập là Công ty TNHH xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (đại diện là ông Johnathan Hạnh Nguyễn); Công ty TNHH Thương mại Duy Anh (đại diện là ông Nguyễn Phi Long) đều là doanh nghiệp 100% vốn từ nhà đầu tư quốc tịch Việt Nam; bà Lê Hồng Thủy Tiên và ông Nguyễn William Hiếu.

Dự án hãng hàng không chở hàng IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư theo hồ sơ là 2.400 tỷ đồng, trong đó 30% là vốn chủ sở hữu, 70% còn lại sẽ là vốn huy động.

IPP Air Cargo dự kiến có chuyến bay đầu tiên vào tháng 11. IPP Air Cargo đã hoàn tất thủ tục thuê 4 máy bay B737 800BCF, trong đó có 1 chiếc đã xuất xưởng hồi cuối tháng 7 chỉ chờ hoàn thiện thủ tục, giấy phép để về Việt Nam.


Huyền Anh
Cùng chuyên mục