Thủ tướng Anh Winston Churchill dùng con dâu để thực hiện “mỹ nhân kế”?

Thái Quân Thứ năm, ngày 11/06/2020 21:30 PM (GMT+7)
Tuân theo những lời thuyết phục kiên trì của bố chồng - Thủ tướng Anh Winston Churchill - như kiểu “hãy để tình cảm phát triển”, hay “nên làm một điều gì cho đất nước”, Pamela cuối cùng đã trở thành... người tình của Harriman.
Bình luận 0

Trong hoạt động tình báo, mỹ nhân kế luôn là một phương tiện hiệu quả trong việc tuyển mộ điệp viên hay khai thác thông tin. Cố Thủ tướng Anh Winston Churchill cũng là người rất hiểu rõ và thậm chí đã trực tiếp điều hành một kế hoạch tình báo có sử dụng loại "vũ khí" hữu hiệu này.

Thủ tướng Anh Winston Churchill dùng con dâu để thực hiện “mỹ nhân kế”? - Ảnh 1.

Pamela Churchill Harriman.

Công chúng chỉ được biết đến về kế hoạch trên qua cuốn sách mang tên "The Life Of Pamela Churchill Harriman" của tác giả Sally Bedell Smith, một người bạn thân của gia tộc nhà Churchill. Trong cuốn sách này, tác giả đã tiết lộ về việc Churchill đã sử dụng chính cô con dâu cho những mục đích chính trị riêng của mình...

Pamela Churchill Harriman sinh ngày 20/3/1920 tại Farnborough (Kent). Bà là con cả trong một gia đình có nguồn gốc quý tộc. Đến tuổi trưởng thành, Pamela đã nổi tiếng là một phụ nữ có sắc đẹp quyến rũ, làm say đắm giới mày râu, cho dù cô luôn có ý muốn tìm kiếm một người đàn ông có địa vị và quyền lực thực sự.

Cầu được ước thấy, Pamela đã chấp nhận lời cầu hôn của Randolf Churchill (con trai duy nhất của Winston Churchill) ngay trong buổi tối đầu tiên gặp gỡ. Bất chấp mọi lời cảnh báo hay gièm pha của mọi người, cặp tình nhân này đã tổ chức đám cưới chỉ 3 tuần sau đó.

Pamela đã nhanh chóng thiết lập được mối quan hệ tuyệt vời với cha chồng. Khi Churchill trở thành Thủ tướng Anh vào năm 1940, Pamela đã ngay lập tức tìm cách dọn tới ở tại số 10 phố Downing. Gia đình Pamela có cuộc sống không được hòa thuận do Randolf cũng nổi tiếng là một người hay ngoại tình, thích tranh cãi và uống rượu nhiều. Chỉ sau một thời gian chung sống, hai người đã có xu hướng cách ly và tự đi tìm những thú vui riêng. Winston Churchill không phải là không biết điều này.

Trong một cuốn hồi ký của mình được xuất bản vài năm trước khi qua đời, Pamela cho biết, ông bố chồng (cũng là người đứng đầu nước Anh) đã từng  đánh giá bà như một "cô con dâu dễ mến", cũng như là "một báu vật vô giá đối với nước Anh". Cụ thể theo như tác giả Sally Bedell Smith, Churchill đã trực tiếp tìm cách đạo diễn để cho cô con dâu Pamela "tình cờ gặp gỡ và bén duyên" với Averell Harriman, khi đó là bạn thân của Tổng thống Mỹ Roosevelt, trong thời gian ông này tới thăm nước Anh.

Tuân theo những lời thuyết phục kiên trì của bố chồng như kiểu "hãy để tình cảm phát triển", hay "nên làm một điều gì cho đất nước", Pamela cuối cùng đã trở thành... người tình của Harriman. Từ thời điểm đó, bà luôn tìm cách moi từ tình nhân những bí mật của người Mỹ và báo lại cho Churchill. Harriman về sau được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Anh, trước khi còn đảm nhiệm nhiều cương vị quan trọng khác trong chính quyền Washington.

Một người bạn thân của Pamela sau này còn khẳng định, anh ta đã biết được về việc Churchill tìm cách gán ghép cô con dâu của mình với Harriman, đồng thời bảo vệ cho mối quan hệ tình ái của họ. Anh ta cho biết là không hề ngạc nhiên về chuyện này: "Từ thời xa xưa, đây đã là một phương pháp hữu hiệu để các vị vua chúa khai thác bí mật. Trong khi Churchill lại nổi tiếng là một chính trị gia nhẫn tâm, nên những thành kiến về mặt đạo đức không thể ngăn cản mong muốn của ông ta khai thác được thông tin mà mình quan tâm".

Cậu con trai Randolf về sau đã biết được sự phản bội của vợ và vai trò của cha mình trong đó. Randolf và Pamela Churchill chính thức ly hôn vào năm 1946, cho dù Pamela vẫn tiếp tục sử dụng họ của chồng cho đến cuối đời mình. Bà có một thời gian làm phóng viên cho tờ Evening Standard, trước khi chuyển tới sinh sống tại Pháp.

Từ thời điểm này, Pamela đã trải qua một loạt những mối tình với những cái tên như ông hoàng Aly Khan, Gianni Agnelli (ông chủ của Hãng xe hơi Fiat), Elie de Rothschild (một ông chủ nhà băng của Pháp). Sau khi biết chắc Rothschild sẽ không bỏ vợ để cưới mình, Pamela đã sang Mỹ vào năm 1960 và lấy nhà đạo diễn Leland Hayward. Đến khi ông này qua đời vào năm 1971, Pamela gặp lại và lấy người tình cũ Averell Harriman (lúc này cũng đã góa vợ và là cựu Thống đốc của bang New York).

Tháng 12/1971, Pamela chính thức nhận quốc tịch Mỹ. Tương tự như chồng mình, bà nhanh chóng trở thành một trụ cột của đảng Dân chủ với khả năng ngoại giao gây quỹ tuyệt vời. Căn nhà của vợ chồng Pamela tại Georgetown, Washington, DC có thời từng được coi là trụ sở không chính thức của đảng Dân chủ dưới thời hai tổng thống Reagan và Bush cha.

Tháng 7/1986, Averell Harriman qua đời, để lại cho vợ một tài sản trị giá 115 triệu USD. Pamela vẫn tiếp tục tận dụng tài năng và nguồn tài chính của mình cho các ứng cử viên tranh cử của đảng Dân chủ, cụ thể là cặp Bill Clinton và Al Gore. Chính vì vậy, chỉ một năm sau khi Bill Clinton đắc cử Tổng thống, Pamela đã được bổ nhiệm làm Đại sứ Mỹ tại Pháp. Bà đã đóng vai trò quan trọng trong việc ký kết thỏa ước chung về thuế quan và thương mại giữa hai nước vào năm 1993.

Pamela Harriman qua đời vào ngày 5/2/1997 tại Paris, trước khi được đưa về chôn cất tại nghĩa trang riêng của gia tộc Harriman ở New York. Một số nguồn tin còn khẳng định, sau khi Churchill qua đời vào năm 1965, Pamela nếu không còn là một nguồn tin quỹ giá thì ít nhất vẫn là một đồng minh tin cậy đối với đất nước trước đây của mình.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem