Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đang trả lời chất vấn Quốc hội

Hải Phong Thứ năm, ngày 17/11/2016 06:56 AM (GMT+7)
Đã nhiều lần Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trả lời chất vấn Quốc hội với cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ. Sáng nay, lần đầu tiên ông đăng đàn trả lời chất vấn Quốc hội khóa XIV trên cương vị người đứng đầu Chính phủ.
Bình luận 0

(Nguồn VTCNews)

Theo chương trình chất vấn của kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ có 130 phút trả lời chất vấn trước Quốc hội vào sáng nay, 17.11.

Cụ thể, theo chương trình dự kiến, từ 8 giờ 30 đến 11 giờ 10 sáng nay, sau phần trả lời thêm của Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sẽ đăng đàn để trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những nội dung thuộc trách nhiệm của Thủ tướng Chính phủ, liên quan đến các nhóm vấn đề đã chất vấn với 4 vị Bộ trưởng trong ngày 2 ngày trước đó (15-16.11) gồm có Bộ trưởng các bộ Công Thương, Tài nguyên – Môi trường (TNMT), Giáo dục – Đào tạo (GDĐT) và Nội vụ.

img

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Như vậy, phạm vi nội dung trả lời của Thủ tướng đã được thu gọn lại so với thông lệ các phiên chất vấn tại kỳ họp cuối năm Quốc hội các khóa trước thường làm. Thường thì tại các khóa trước, người đứng đầu Chính phủ sẽ trả lời chất vấn trực tiếp về bất cứ vấn đề nào các đại biểu Quốc hội quan tâm, đặt ra.

Trên cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ trong khóa trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng từng nhiều lần đăng đàn trả lời chất vấn theo sự ủy quyền của người đứng đầu Chính phủ tại các kỳ họp giữa năm.

Gần đây nhất, tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội khóa XIII diễn ra giữa năm 2015, ông đã nhận nhiều chất vấn từ vấn đề Biển Đông tới nợ công, hạ tầng giao thông, việc lấn sông tại Đồng Nai hay tình trạng công chức “cắp ô”.

Kỳ này, các nội dung đại biểu có thể chất vấn Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nằm trong 10 nhóm vấn đề dành cho 4 Bộ trưởng được chọn đăng đàn (Bộ trưởng Công Thương, TNMT, GDĐT và Nội vụ). Có nhiều nội dung đã được lật đi lật lại trong các phiên chất vấn trước đây như chống buôn lậu, thủy điện xả lũ, quản lý, khai thác tài nguyên, khoáng sản, chương trình cải cách giáo dục…

Nhưng cũng có những nội dung mới được đưa vào chương trình chất vấn, như việc đánh giá các dự án, nhà máy thua lỗ, kém hiệu quả; xử lý trách nhiệm với các dự án để xảy ra sự cố môi trường; đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp; công tác quy hoạch, luân chuyển, bổ nhiệm cán bộ…

Bản tổng hợp ý kiến của các vị đại biểu về dự kiến nhóm vấn đề chất vấn cũng đã nêu nhiều đề xuất nội dung khác như xử lý nợ xấu của hệ thống ngân hàng, việc mua ngân hàng thương mại với giá 0 đồng; chính sách quản lý, sử dụng tài sản công, cổ phần hóa doanh nghiệp; án tồn đọng, án oan sai chưa được giải quyết; tình hình tội phạm và tệ nạn xã hội; các dự án BOT đường bộ…

Trong hai ngày hôm qua, trong quá trình chất vấn các vị Bộ trưởng, một số ĐBQH cũng đã trực tiếp đặt câu hỏi cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.

Với nhóm vấn đề dành cho Bộ Nội vụ, một số vị đại biểu đề nghị bổ sung nội dung trách nhiệm của Bộ trong tham mưu để Thủ tướng Chính phủ phê chuẩn chức danh Phó chủ tịch UBND Hậu Giang đối với ông Trịnh Xuân Thanh và việc tặng thưởng các danh hiệu nhà nước đối với Tổng công ty xây lắp dầu khí - PVC…

Với các nhóm vấn đề trong lĩnh vực Tài nguyên – môi trường, một số ý kiến đề nghị đề cập rõ đến việc xem xét, xử lý trách nhiệm trong vụ Formosa; giải pháp khắc phục; trách nhiệm của Bộ trưởng Bộ TNMT cũng như việc xử lý, kỷ luật tổ chức, cá nhân có liên quan…

Trước đó, tại kỳ họp thứ 1 Quốc hội khóa XIV diễn ra vào tháng 6 – 7 vừa qua, ông Nguyễn Xuân Phúc đã được Quốc hội nhất trí bầu làm Thủ tướng Chính phủ nhiệm kỳ 2016 – 2021.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem