Thủ tướng: Nhà nước không bao cấp cho ngành mía đường

19/02/2020 20:48 GMT+7
Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) có hiệu lực từ 1/1/2020 sẽ có những tác động không nhỏ tới hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp mía đường.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hằng năm, diện tích trồng mía của nước ta được duy trì trên 270.000 ha, sản lượng đường trung bình đạt 1,3-1,5 triệu tấn/năm, giải quyết sinh kế cho trên 35 vạn hộ nông dân. Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, ngành mía đường đối diện nhiều khó khăn, thách thức như năng lực cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp mía đường chưa cao so với các nước trong khu vực và thế giới. Giá đường thế giới và khu vực giảm thấp, tình trạng dư cung kéo dài, nhất là trong 3 niên vụ gần đây.

Thủ tướng: Nhà nước quan tâm nhưng không bao cấp cho ngành mía đường - Ảnh 1.

Ngành mía đường đang phải đối điện với rất nhiều khó khăn, thách thức

Cũng theo báo cáo, nhiều doanh nghiệp mía đường kinh doanh thua lỗ, thậm chí phải đóng cửa. Niên vụ năm 2018-2019 có 17/38 doanh nghiệp có khả năng mất vốn chủ sở hữu. Giá thu mua mía nguyên liệu giảm từ 100 đến 200 nghìn đồng/tấn, ở mức từ 700.000 đồng đến 800.000 đồng/tấn, ngang với giá thành. Hiện có 7 nhà máy đường đã dừng hoạt động và cũng chỉ có khoảng 4-5 nhà máy hoạt động hiệu quả nhờ sớm có sự chuẩn bị tốt với việc xóa bỏ hạn ngạch thuế quan theo cam kết thực hiện Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN bắt đầu từ 1/1/2020, tái cơ cấu, đầu tư khoa học công nghệ, sản phẩm có tính cạnh tranh cao.

Nguyên nhân lớn nhất, khiến ngành mía đường Việt Nam gặp khó là do địa hình đồi dốc của nhiều vùng trồng mía gây khó khăn cho việc phát triển cánh đồng lớn và cơ giới hóa. Đi cùng quy mô, trình độ chế biến, khả năng tổ chức sản xuất và năng lực quản trị của các nhà máy đường còn hạn chế. Cơ cấu sản phẩm chưa hợp lý. Còn chuỗi giá trị từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ sản phẩm chưa hoàn thiện và khâu phân phối sản phẩm chưa hiệu quả.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, với một đất nước gần 100 triệu dân có nhu cầu sử dụng đường ăn rất lớn mà phụ thuộc hoàn toàn vào đường nhập khẩu thì đó là một sai lầm trong xây dựng nền kinh tế Việt Nam tự cường. Nhưng cần phải tính toán lại giữa sản xuất trong nước và nhập khẩu để giữ lại ngành sản xuất đường ở Việt Nam một cách phù hợp trong điều kiện hội nhập, chứ không thể sản xuất số lượng lớn, ào ạt như vừa qua. 

Đồng thời phải kiên quyết tái cơ cấu, sắp xếp lại 41 nhà máy hiện có, theo hướng phát triển một số nhà máy đường quy mô lớn có vùng trồng mía tập trung, có năng suất cao ở một số khu vực để bảo đảm sinh kế cho hàng chục nghìn hộ nông dân.

Thủ tướng: Nhà nước quan tâm nhưng không bao cấp cho ngành mía đường - Ảnh 2.

Thủ tướng khẳng định Nhà nước không bao cấp cho ngành mía đường.

Thủ tướng nhấn mạnh thách thức đối với ngành mía đường Việt Nam là có, nhưng cơ hội phát triển vẫn luôn rộng mở, vì dự báo giá đường thế giới sẽ phục hồi trong năm nay. Một cơ hội nữa đối với phát triển ngành đường vẫn còn nằm ở các sản phẩm sau đường như sản xuất điện, ván ép, ethanol từ bã mía và rỉ mật. 

Để hỗ trợ ngành mía đường trong nước, Thủ tướng giao Bộ Công Thương tính toán lại giá mua điện được sản xuất từ bã mía, tăng cường chống gian lận thương mại, buôn lậu đường lỏng, đường hóa học và đường từ bột ngô, nhất là ở những tỉnh biên giới, đi cùng với nghiên cứu áp dụng các hàng rào kỹ thuật và các công cụ phòng vệ để kiểm soát đường nhập khẩu theo thông lệ và quy định quốc tế.

Thủ tướng chỉ đạo: "Nhà nước quyết tâm, có giải pháp ủng hộ, nhưng Nhà nước không bao cấp cho ngành mía đường mà yêu cầu ngành mía đường phải cạnh tranh sòng phẳng trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Ví dụ như chống buôn lâu, gian lận thương mại, nhập đường lỏng, đường hóa học phải có chế tài hoặc tiêu chí cụ thể. Có thể nghiên cứu mô hình nhập đường vàng thay đường trắng như Malaysia".

Mai Trang
Cùng chuyên mục