Thủ tướng khẳng định: "Tôi xin nói rằng hiện có một sức ỳ rất lớn cho phát triển đất nước. Chúng ta không thể thờ ơ, vô cảm với phát triển đất nước được. Đất nước cần một cơ chế đánh giá cán bộ tốt hơn, công bằng hơn. Đây là câu hỏi và là vấn đề đặt ra cho các Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh giải quyết".
Người đứng đầu Chính phủ đưa ra một loạt minh chứng rõ nét. "20 năm gần đây môi trường kinh doanh có tiến triển nhưng chưa thực tế, "trên nóng dưới lạnh", chia rẽ quyền lực và quyền lực nhóm còn lớn... Gần đây, Đảng và Nhà nước đã quyết tâm chống lợi ích nhóm qua các vụ án có những người từng là lãnh đạo cao. Tại sao chúng ta cứ sợ trách nhiệm, cứ né tránh trách nhiệm cá nhân thì sao đất nước phát triển được? Trong khi đó quyền lực và trách nhiệm thuộc về các đồng chí - (Bộ trưởng, Chủ tịch tỉnh - PV)", Thủ tướng nhắc.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến tình hình kinh tế xã hội 6 tháng đầu năm 2018 với các Bộ ngành và 63 địa phương.
Thủ tướng đặt câu hỏi: Nhiều Bộ trưởng theo yêu cầu của Chính phủ phải cắt bỏ các điều kiện kinh doanh để xây dựng môi trường kinh doanh thông thoáng, họ cũng tuyên bố cắt giảm điều kiện kinh doanh nhưng thực tế đã làm chưa?
Thủ tướng nói: Mặc dù Chính phủ yêu cầu đến 31.10.2018 sẽ hoàn thiện và thông qua chính sách cắt giảm 50% các điều kiện kinh doanh hiện có, đồng thời yêu cầu các Bộ, ban ngành lên danh mục sớm; nhưng hiện mới chỉ một vài nơi xây dựng và hoàn thiện, còn lại nhiều bộ vẫn giậm chân tại chỗ. Chính phủ yêu cầu cắt 50% thủ tục kiểm tra chuyên ngành, song các bộ vẫn chưa mặn mà.
"Sức ỳ của nền kinh tế đang rất lớn. Đơn cử như chính sách kết nối 1 cửa quốc gia hiện mới chỉ có 47/284 thủ tục kết nối điện tử. Nhưng vừa kết nối điện tử vừa làm thủ công, vừa làm điện tử vừa làm bằng tay nên chi phí phát sinh cao hơn", Thủ tướng nói.
Do đó, Thủ tướng yêu cầu, trước 15.8, các Bộ, ngành phải hoàn thành đề xuất cắt giảm 50% thủ tục, điều kiện kinh doanh và thủ tục kiểm tra chuyên ngành được cắt bỏ để gửi về Chính phủ, trên cơ sở đó Chính phủ ban hành chính sách theo đúng kế hoạch.
Theo Thủ tướng, có bốn nguyên nhân khiến tình trạng trì trệ của đất nước ta hiện nay: Chưa tuân thủ đúng quy luật của kinh tế thị trường; kỷ cương phép nước chưa thực thi nghiêm; tham nhũng xảy ra kéo dài và đặc biệt là bệnh quan liêu, xa dân nên không huy động và khó biến nguồn lực trong dân làm động lực phát triển đất nước.
"Tôi nói để chúng ta khắc phục, chúng ta phải tiếp tục hủy bỏ các điều kiện kinh doanh vô lý, phát hiện điều kiện kinh doanh núp bóng ở các Thông tư, Nghị định mà các Bộ đang chuẩn bị đưa lên. Điều hành kinh tế cần lấy mục tiêu, hiệu quả làm đầu. Tăng trưởng của chúng ta cao nhất 8 năm, nhưng động năng cho tăng trưởng đang giảm đi, tìm đâu ra động năng tăng trưởng mới? Bây giờ không chạy thì không thể kịp, nếu "bổn cũ chép lại" thì chúng ta vẫn giậm chân tại chỗ", Thủ tướng nói.
Thủ tướng nói: "Đất nước ta phát triển nhiều mặt nhưng bình quân đầu người còn thấp thì chưa thể tự hào. Chúng ta phải cùng hò nhau đi lên, cùng phải biết đang ở cùng một chiến thuyền để tiến lên phía trước".
Thủ tướng nhắc, điều chúng ta làm được thì được khẳng định, nhưng những cái đáng lo thì phải biết trước để giải quyết. Trước các lãnh đạo tỉnh và nhiều Bộ ngành, Thủ tướng tâm sự: "Nhiều người hỏi tôi chu kỳ 10 năm khủng hoảng của kinh tế Việt Nam liệu có diễn ra không? Dù họ biết rõ thế nào, nhưng người ta cứ hỏi để chúng ta chủ động hơn, đừng vấp phải chứ không phải họ không biết".
Và theo Thủ tướng: "Tôi xem qua các thông số, dấu hiệu khủng hoảng là chưa có, những nguy cơ khủng hoảng mọi năm thường diễn ra ở thị trường bất động sản, tín dụng ngân hàng.... Chúng ta phải xem xét lại ở Hà Nội, TP.HCM và các ngân hàng thương mại để tìm hiểu, đây là câu hỏi rất lớn mà chúng ta phải biết và trả lời, không thể chủ quan".
Nguyễn Tuyền (Dân trí)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.