Đó là một trong những nội dung trong Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước Chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (gọi tắt là Công ước Chống tra tấn) mà Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt.
Ông Nguyễn Thanh Chấn (bên phải), một trường hợp oan sai mà vừa qua đã làm đơn tố cáo, cho rằng mình từng là nạn nhân của tra tấn, nhục hình (ảnh minh họa).
Theo kế hoạch của Thủ tướng, các bộ, ngành liên quan cần triển khai tuyên truyền, phổ biến pháp luật phòng, chống tra tấn và nội dung Công ước Chống tra tấn; nội luật hóa và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật đáp ứng yêu cầu của Công ước Chống tra tấn; hợp tác quốc tế trong phòng, chống tra tấn...
Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao là cơ quan chủ trì, phối hợp với Tòa án nhân dân Tối cao và các bộ: Công an, Tư pháp, Quốc phòng nghiên cứu hoàn thiện các quy định có liên quan trong Bộ luật Tố tụng hình sự để đảm bảo tốt hơn quyền con người, đặc biệt là quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, tạm giam.
Các bộ, ngành liên quan phải nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện các quy định có liên quan của Bộ luật Dân sự, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo để đảm bảo tốt hơn quyền con người và phù hợp hơn với yêu cầu của Công ước Chống tra tấn.
Thủ tướng yêu cầu xây dựng, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật quy định về đạo đức nghề nghiệp cán bộ, công chức, bảo đảm tôn trọng quyền con người khi thi hành công vụ. Nghiên cứu, rà soát pháp luật về bạo lực tại nơi làm việc, bạo lực giới, bạo lực gia đình, bạo lực với trẻ em và các đối tượng yếu thế, để có những điều chỉnh đồng bộ bảo vệ các nhóm đối tượng trên và phù hợp với Điều 16 của Công ước Chống tra tấn...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.