Thủ tướng thảo luận về lập trường ủng hộ tăng trưởng mạnh mẽ thay vì phòng vệ dịch bệnh

14/07/2020 13:08 GMT+7
Sau những nỗ lực phòng chống dịch Covid-19, Thủ tướng lần đầu tiên thảo luận về lập trường ủng hộ tăng trưởng mạnh mẽ hơn, thay vì chỉ đơn giản là phòng vệ, nhất là về các cơ hội của các chính sách tài khóa và tiền tệ.

Trong báo cáo chiến lược thị trường tháng 7 mới công bố, Công ty CP Chứng khoán SSI đã khái quát những điểm nổi bật trong cuộc họp thường kỳ Chính phủ, nhất là về các phương thức điều hành chính sách kinh tế vĩ mô, chính sách tiền tệ…

Sau dịch, Thủ tướng thảo luận về lập trường ủng hộ tăng trưởng mạnh mẽ thay vì phòng vệ - Ảnh 1.

Việt Nam hiện có đang áp dụng chính sách tài khóa và tiền tệ thận trọng hay không? (Ảnh: IT)

Theo SSI, nổi bật trong cuộc họp là Thủ tướng lần đầu tiên thảo luận về lập trường ủng hộ tăng trưởng mạnh mẽ hơn, thay vì chỉ đơn giản là phòng vệ. 

Cụ thể, về cơ bản, Thủ tướng chỉ ra rằng cơ hội cho các chính sách tài khóa và tiền tệ thực thi mang lại cho quốc gia cơ hội tiếp cận các nguồn lực và lợi ích tài khóa - tiền tệ chưa được khai thác. Vì xu hướng toàn cầu là lãi suất bằng 0 hoặc âm, hay nới lỏng định lượng (QE), Việt Nam hiện có đang áp dụng chính sách tài khóa và tiền tệ thận trọng hay không? Bởi, nếu quá cẩn trọng trong việc ổn định kinh tế vĩ mô có thể dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp ở mức cao, làm hỏng các nỗ lực giảm nghèo và bất ổn xã hội gia tăng.

"Chúng tôi nhận thấy quan điểm mà Thủ tướng đưa ra là rất phù hợp và đặt câu hỏi về lập trường tiến hành các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô hoặc chính sách tài khóa và tiền tệ thận trọng, vì lập trường này có thể khiến đất nước bỏ lỡ các lợi ích khác", báo cáo của Công ty CP Chứng khoán SSI nêu.

Trước ý kiến của Thủ tướng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho rằng NHNN sẽ cho phép các ngân hàng thương mại tái cơ cấu nợ vay cho các lĩnh vực bị ảnh hưởng cho đến cuối năm 2020 (không chỉ 3 tháng sau khi đại dịch kết thúc). Hạn mức tăng trưởng tín dụng cũng có thể được nới lỏng đối với một số ngân hàng nhất định, nếu cần thiết, để hỗ trợ tăng trưởng (đặc biệt là các lĩnh vực ưu tiên hoặc bị ảnh hưởng).

Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước cũng có thể tái cấp vốn cho một số ngân hàng thương mại, để các ngân hàng này có thể cho vay các dự án nhất định có tác động lan tỏa tích cực đến các lĩnh vực quan trọng.

Sau dịch, Thủ tướng thảo luận về lập trường ủng hộ tăng trưởng mạnh mẽ thay vì phòng vệ - Ảnh 2.

Tăng trưởng tín dụng và vốn đầu tư công (từ Ngân sách Nhà nước) giai đoạn 2016-2020 (Nguồn: SSI)

Ngoài ra, Chính phủ đã sửa đổi mục tiêu trong năm (tăng trưởng GDP 3-4%, tăng trưởng tín dụng >=10%, CPI <4%), tuy nhiên mục tiêu này vẫn chưa được chốt. Theo SSI, văn bản sửa đổi mục tiêu năm 2020 cuối cùng sẽ được trình lên Quốc hội vào tháng 10.

"Chúng tôi cũng lưu ý rằng Chính phủ có kế hoạch thu hút thêm vốn đầu tư nước ngoài bằng cách xem xét lại quy hoạch khu công nghiệp toàn quốc. Chính phủ đề nghị rằng trong khi tổng diện tích có thể không thay đổi, các tỉnh mà nhà đầu tư FDI có nhu cầu thấp hơn (có nhiều đất khả dụng hơn) sẽ phải chuyển một phần hạn ngạch sang các tỉnh có nhu cầu cao hơn (như Hải Phòng và Bắc Giang)", báo cáo của Chứng khoán SSI, lưu ý.

Quốc Hải
Cùng chuyên mục