Thú vị và độc đáo, thầy trò họa sĩ đảo ngược thế giới nghệ thuật

M.T Thứ bảy, ngày 14/12/2024 15:57 PM (GMT+7)
Họa sĩ Nguyễn Đại Giang và học trò Tuấn Định (Dinh Lee) gây ấn tượng với giới thưởng lãm Sài thành khi mang những bức tranh ấn tương về nghệ thuật đảo ngược triển lãm tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.
Bình luận 0
Thầy và trò làm cuộc hẹn thú vị với nghệ thuật đảo ngược - Ảnh 1.

Tranh của họa sĩ Nguyễn Đại Giang. Ảnh: Dinh Lee

Hiệu ứng thị giác đặc biệt từ nghệ thuật đảo ngược

Ngày 14/12, họa sĩ Nguyễn Đại Giang khai mạc triển lãm lần thứ 9 tại Bảo tàng Mỹ thuật TP.HCM, kết hợp cùng học trò của mình, họa sĩ Tuấn Định (Dinh Lee) trong triển lãm Nghệ thuật đảo ngược V.Upsidedownism 2024. 

Đây là sự kiện đặc biệt đánh dấu sự giao thoa giữa hai thế hệ nghệ sĩ, đồng thời tiếp tục khẳng định sức sống và sự độc đáo của trường phái Upsidedownism – nghệ thuật đảo ngược.

Thầy và trò làm cuộc hẹn thú vị với nghệ thuật đảo ngược - Ảnh 2.

"Hùm xám" - tranh của Tuấn Định

Không chỉ gây chú ý bởi những bức tranh độc, lạ, táo bạo về tạo hình, họa sĩ Đại Giang còn hé lộ một số bức chân dung đảo ngược nhưng nhìn rất thật của nhạc sĩ Trần Tiến, nhà thơ Nguyễn Duy, nhà văn Nguyễn Quang Sáng, Nguyễn Thị Ngọc Tư...

Thầy và trò làm cuộc hẹn thú vị với nghệ thuật đảo ngược - Ảnh 3.

Chân dung đảo ngược của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tư qua góc nhìn của họa sĩ Đại Giang

Thầy và trò làm cuộc hẹn thú vị với nghệ thuật đảo ngược - Ảnh 4.

Nhà thơ Nguyễn Duy

Thầy và trò làm cuộc hẹn thú vị với nghệ thuật đảo ngược - Ảnh 5.

Nhạc sĩ Trần Tiến - tranh đảo ngược của họa sĩ Đại Giang

Còn Tuấn Định lại kết hợp giữa ngôn ngữ trừu tượng, tư duy mới mẻ, màu sắc tươi mới hiện đại với những chủ đề truyền thống, cũng đủ gợi cho người xem nhiều liên tưởng thú vị về một trật tự khác lạ, một cách nghiền ngẫm và xới lên nhiều góc độ của nhân thế và cuộc đời.

Nghệ thuật đảo ngược, hay Upsidedownism, là một trường phái nghệ thuật độc đáo mà họa sĩ Nguyễn Đại Giang đã phát triển từ đầu những năm 1990. Đây là một phong cách sáng tạo, trong đó các hình ảnh, cảnh vật hoặc nhân vật được vẽ ngược lại so với cách nhìn thông thường. 

Thầy và trò làm cuộc hẹn thú vị với nghệ thuật đảo ngược - Ảnh 6.

Tranh của họa sĩ Đại Giang

Điều này tạo ra một hiệu ứng thị giác đặc biệt, khiến người xem phải nhìn nhận lại và thay đổi cách thức cảm nhận về thế giới xung quanh. Bằng cách đảo ngược bố cục và hình ảnh, các tác phẩm không chỉ đơn thuần là tranh mà còn là một sự chuyển động trong nhận thức, nơi người xem phải thay đổi góc nhìn để khám phá và hiểu rõ hơn về nội dung tác phẩm.

Nghệ thuật đảo ngược không chỉ đơn giản là việc "lộn ngược" hình ảnh mà là một cách thức "đảo ngược" cả tư duy nghệ thuật. Cái gọi là "bình thường" trở nên kỳ lạ, và cái gì đã quen thuộc nay lại bỗng dưng trở nên mới mẻ và đầy ẩn ý. 

Thầy và trò làm cuộc hẹn thú vị với nghệ thuật đảo ngược - Ảnh 7.

Tranh của Tuấn Định

Trái ngược với những tác phẩm hội họa thông thường, trong Upsidedownism, người xem không thể chỉ nhìn vào hình ảnh mà phải "đọc" tác phẩm từ nhiều góc độ khác nhau để nhận ra ý nghĩa sâu xa mà nó mang lại. Mỗi bức tranh trong trường phái này đều chứa đựng một câu chuyện, một thông điệp có thể thay đổi tùy vào cách người xem lựa chọn tiếp cận.

Họa sĩ Nguyễn Đại Giang với hơn 30 năm cống hiến cho nghệ thuật Upsidedownism, đã dùng phong cách độc đáo này để truyền tải những thông điệp về con người, về xã hội, và về mối quan hệ giữa con người và thiên nhiên. Những bức tranh của ông không chỉ là sự phản chiếu của thực tại mà còn là những tác phẩm mang tính triết lý sâu sắc, mời gọi người xem suy ngẫm về những điều tưởng chừng rất quen thuộc nhưng lại chứa đựng vô vàn lớp nghĩa.

Thầy và trò làm cuộc hẹn thú vị với nghệ thuật đảo ngược - Ảnh 8.

Tranh của Tuấn Định

Đối với họa sĩ Tuấn Định (Dinh Lee), nghệ thuật đảo ngược là một cuộc hành trình khám phá không ngừng. Từ lần đầu tiếp cận với Upsidedownism vào năm 2008, Dinh Lee đã hoàn toàn bị cuốn hút bởi khả năng của nó trong việc thay đổi cách nhìn nhận, cũng như những thử thách mà nó mang lại. 

Là một họa sĩ thiết kế đồ họa, Dinh Lee mang đến cho Upsidedownism một sự kết hợp giữa kỹ thuật truyền thống và các yếu tố hiện đại, tạo ra những tác phẩm có chiều sâu và tính thẩm mỹ cao. Anh không chỉ học hỏi từ thầy mà còn sáng tạo và phát triển cách nhìn riêng, mang lại một luồng gió mới cho nghệ thuật đảo ngược.

Thầy và trò cùng thăng hoa

Họa sĩ Đại Giang nhớ lại: "Năm 1995, tôi sang Mỹ, nơi có rất nhiều anh tài. Sống ở môi trường mà người ta phải tự hỏi anh phải làm những gì mà nước Mỹ chưa có, tôi suy nghĩ, trăn trở tìm ra lối vẽ mới, phong cách mới mà chưa ai từng đi. Nhờ đó, tôi đẻ ra trường phái đảo ngược. Năm 1996-1997, tôi được Chính phủ Mỹ cấp bản quyền tác giả cho trường phái tranh của mình. Từ đó, các đài truyền hình, các giải thưởng cũng đến và nhiều người biết hơn về nghệ thuật đảo ngược. Nghệ thuật đảo ngược là vẽ cả hai chiều, chiều âm, chiều dương, chiều xấu, chiều đẹp, mọi thứ có 2 mặt thì nghệ thuật cũng vậy".

Thầy và trò làm cuộc hẹn thú vị với nghệ thuật đảo ngược - Ảnh 9.

Tranh của Đại Giang

Nói về cơ duyên nhận học trò, lão họa sĩ chia sẻ: "Ở Mỹ, tôi bất ngờ nhận mail của Tuấn Định xin làm học trò của tôi để phát triển nghệ thuật này. Tôi rất cảm động và từ đó hết lòng với học trò của mình. Phòng tranh này của chúng tôi hình thành trong vòng 20 năm qua. Tôi nói: Con cố gắng như thế là được, như thế là phát triển, nhưng phải vẽ nhiều lên, phải làm việc nhiều hơn, con phải thắng được mình để nối dõi sự nghiệp của thầy. Cho tới nay, Định là học trò duy nhất của tôi, sau này còn có thêm 1 nghệ sĩ Mỹ khác".

Họa sĩ cho biết thêm, lần đầu tiên, 1 nhà sưu tập mua cả 1 phòng tranh của anh làm bảo tàng nghệ thuật đảo ngược với 25 bức. 

Thầy và trò làm cuộc hẹn thú vị với nghệ thuật đảo ngược - Ảnh 10.

Tranh của thầy Đại Giang

Còn Tuấn Định cho biết: "Thầy là người am hiểu lịch sử mỹ thuật các nước, từng học mỹ thuật ở Liên Xô, sau này ông tìm hiểu và sáng tạo ra trường phái tranh đảo ngược trên đất Mỹ. Bản thân tôi khi tham gia vẽ tranh theo nghệ thuật đảo ngược cũng gặp không ít khó khăn, dù bản thân xuất phát là họa sĩ đồ họa. Tôi yêu thích nghệ thuật đảo ngược chính vì tư duy của nó, khiến mình thay đổi rất nhiều. 

Khi gặp khó khăn, tôi không quá sốc, mà bình tĩnh trong mọi hoàn cảnh. Cũng có một số họa sĩ Việt Nam vẽ upsidedownism nhưng phải thấm nhuần tư tưởng của upsidedownism thì mới có sự thăng hoa và phát triển về mặt nghệ thuật".

Thầy và trò làm cuộc hẹn thú vị với nghệ thuật đảo ngược - Ảnh 11.

Thầy và trò làm cuộc hẹn thú vị với nghệ thuật đảo ngược - Ảnh 12.

Triển lãm Nghệ thuật đảo ngược là dịp để công chúng khám phá không chỉ những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời mà còn là sự trải nghiệm về một thế giới không giống bất kỳ thế giới nào, nơi hình ảnh, màu sắc và bố cục luôn thay đổi tùy theo góc nhìn của người xem. 

Các tác phẩm trong triển lãm này không chỉ là những bức tranh mà còn là những "lối thoát" cho trí tưởng tượng, là cơ hội để mỗi người tự mình tìm ra ý nghĩa trong những hình ảnh có thể là "ngược đời" nhưng lại cực kỳ sinh động và đầy ẩn ý.

Thầy và trò làm cuộc hẹn thú vị với nghệ thuật đảo ngược - Ảnh 13.

Hai thầy trò Đại Giang và Tuấn Định

Thầy và trò làm cuộc hẹn thú vị với nghệ thuật đảo ngược - Ảnh 14.

Họa sĩ Đại Giang (bìa phải) chia sẻ về phong cách đảo ngược

Nghệ thuật đảo ngược không chỉ đơn thuần là một phong cách hội họa, mà là một cuộc trò chuyện với người xem về sự linh hoạt của trí óc và thị giác. 

Thông qua triển lãm này, Nguyễn Đại Giang và Tuấn Định mong muốn khơi gợi lại niềm đam mê nghệ thuật và kích thích trí tưởng tượng của người xem, đồng thời khẳng định sức mạnh của nghệ thuật trong việc truyền tải thông điệp và thay đổi cách thức chúng ta cảm nhận thế giới. Đây sẽ là một dịp đặc biệt để khán giả không chỉ thưởng thức nghệ thuật mà còn tham gia vào một hành trình khám phá sâu sắc về khả năng vô hạn của nghệ thuật thị giác.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem