Thử việc nghỉ ngang, NLĐ có được trả lương?

09/11/2020 07:03 GMT+7
Bắt đầu từ 1/1/2021, Bộ Luật Lao động 2019 sẽ có hiệu lực. Vậy Bộ luật mới quy định thế nào về thử việc của người lao động (NLĐ), trong trường hợp nghỉ ngang thì NLĐ có được trả lương?

Mức tiền lương khi thử việc

Theo theo quy định tại Điều 26 Bộ Luật Lao động năm 2012  nếu người sử dụng lao động và người lao động có thỏa thuận về việc làm thử thì có thể giao kết hợp đồng thử việc. Khi đó, hợp đồng thử việc bắt buộc phải nêu rõ mức lương, hình thức và thời hạn trả lương.

Mức lương thử việc được Điều 28 Bộ Luật Lao động năm 2012 ghi nhận như sau:

Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thoả thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.

Như vậy, các bên hoàn toàn có quyền tự do thỏa thuận về mức lương thử việc nhưng để đảm bảo quyền lợi cho người lao động, lương thử việc ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc các bên thỏa thuận trong hợp đồng.

Thử việc nghỉ ngang, NLĐ có được trả lương? - Ảnh 1.

Dù việc ký hợp đồng lao động khiến các bên chịu sự ràng buộc chặt chẽ hơn nhưng Bộ Luật Lao động mới cũng không quy định cụ thể về việc trả lương khi người lao động tự ý nghỉ việc trong thời gian thử việc nếu ký hợp đồng lao động. Ảnh minh họa IE

Trường hợp trả lương thử việc ít hơn mức lương nói trên, doanh nghiệp sẽ bị phạt tiền từ 02 - 05 triệu đồng (khoản 2 Điều 9 Nghị định 28/2020/NĐ-CP).

Như vậy, người lao động thử việc có quyền được hưởng lương trong thời gian thử việc. Tới đây, vào năm 2021, khi Bộ Luật Lao động năm 2019 có hiệu lực, quy định về mức lương thử việc đối với người lao động vẫn được giữ nguyên.

Thử việc nghỉ ngang có được trả lương?

Vì các bên mới chỉ thỏa thuận với nhau về việc làm thử nên quan hệ lao động vẫn chưa chính thức xác lập. Do đó, quyền và nghĩa vụ giữa các bên cũng không bị ràng buộc nhiều bởi quy định pháp luật.

Bởi vậy, các bên có quyền đơn phương chấm việc làm thử mà không cần lý do được ghi nhận tại Điều 27 Bộ Luật Lao động năm 2012:

Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền huỷ bỏ thoả thuận thử việc mà không cần báo trước và không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận.

Theo đó, nếu trong thời gian thử việc, người lao động cảm thấy không phù hợp thì có thể tự ý nghỉ việc mà không cần báo trước. Đồng thời, người lao động cũng không phải bồi thường nếu việc làm thử không đạt yêu cầu mà hai bên đã thoả thuận.

Vì vậy, việc tự nghỉ trong thời gian thử việc không vi phạm các quy định của pháp luật nên người lao động có thể yêu cầu người sử dụng lao động thanh toán cho mình khoản tiền ứng những ngày làm thử chưa được trả lương.

Tuy nhiên, Bộ luật Lao động không quy định cụ thể về việc người lao động tự ý nghỉ trong thời gian thử việc thì người sử dụng lao động có phải trả lương hay không? Điều này sẽ phụ thuộc vào thỏa thuận của các bên.

Hiện nay, pháp luật chưa ghi nhận về việc xử phạt nếu người sử dụng lao động không trả lương cho người lao động thử việc tự ý bỏ việc. Do đó, người lao động khi ký hợp đồng thử việc cần thỏa thuận rõ các nội dung liên quan đến lương thử việc.

Từ năm 2021, các bên còn có thể thỏa thuận về nội dung thử việc trong hợp đồng lao động. Dù việc ký hợp đồng lao động khiến các bên chịu sự ràng buộc chặt chẽ hơn nhưng Bộ Luật Lao động mới cũng không quy định cụ thể về việc trả lương khi người lao động tự ý nghỉ việc trong thời gian thử việc nếu ký hợp đồng lao động. Vì vậy, trước mắt chỉ có thể căn cứ vào thỏa thuận của các bên trong hợp đồng để giải quyết vấn đề nêu trên.


PV
Cùng chuyên mục