Thua kiện, Điện lực Miền Trung phải liên đới thanh toán cho doanh nghiệp gần 12 tỷ đồng

28/10/2022 07:25 GMT+7
Hai doanh nghiệp ở Gia Lai vừa thắng kiện Tổng Công ty Điện lực Miền Trung và Công ty Điện lực Gia Lai với khoản tiền yêu cầu thanh toán tiền điện gần 12 tỷ đồng.
Thua kiện, Điện lực Miền Trung phải liên đới thanh toán cho doanh nghiệp gần 12 tỷ đồng - Ảnh 1.

Hai Dự án điện mặt trời của công ty Thanh Danh và công ty Vạn Phát

TAND TP. Pleiku (Gia Lai) vừa cho biết vừa ban hành bản án số 17/2022/KDTM-ST về việc "Tranh chấp hợp động mua bán điện".

Theo đó, nguyên đơn trong vụ án là Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Thanh Danh (gọi tắt là Công ty Thanh Danh) và Công ty TNHH Năng lượng xanh Vạn Phát (Công ty Vạn Phát), cùng do bà Nguyễn Thị Mộng Huyền làm giám đốc. Bị đơn là Tổng Công ty Điện lực Miền Trung và Công ty Điện lực Gia Lai.

Theo nội dung bản án, ngày 26/12/2020, nguyên đơn ký hợp đồng mua bán điện hệ thống mặt trời mái nhà với đại diện theo ủy quyền của Tổng Công ty Điện lực Miền Trung là Công ty Điện lực Gia Lai. Sau khi ký hợp đồng, bên bán điện thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với Công ty Điện lực Gia Lai và được đơn vị này thanh toán tiền điện 3 tháng (từ tháng 12/2020-2/2021). Tuy nhiên, Công ty Điện lực Gia Lai đã tạm ngưng thanh toán cho 2 đơn vị trên từ tháng 3/2021 dù nhà đầu tư liên tục có nhiều văn bản thúc giục, khiếu nại.

Trả lời nguyên đơn, Công ty Điện lực Gia Lai lại cho rằng, hệ thống điện mái nhà của hai đơn vị bán điện đã nâng công suất trong hợp đồng mua bán điện tương ứng với 953 tấm pin lắp dư, đã vi phạm nên “không xác nhận sản lượng điện sản xuất để thanh toán tiền điện là đúng”.

HĐXX nhận định khi nghiệm thu đưa vào đấu nối 2 hệ thống điện là không có kiểm đếm số lượng tấm pin cụ thể; khi đang xác định có hay không vi phạm về lắp đặt tấm pin mới thì bên nguyên đơn không thể tự lắp đặt thêm tấm pin năng lượng để làm bất lợi thêm cho mình; hợp đồng mua bán điện giữa hai bên thống nhất điện năng mua bán không xác định theo công suất lắp đặt mà căn cứ vào sản lượng điện năng thực thế của nguyên đơn sản xuất được, phát lên lưới của Tổng Công ty Điện lực Miền Trung thông qua công tơ đó đếm.

Như vậy, sản lượng điện thực tế mà bên nguyên đơn phát lên lưới của Tổng Công ty Điện lực Miền Trung có thể cao hơn, thấp hơn và thay đổi phụ thuộc vào điện năng sản xuất được. Đặc biệt, chưa vượt quá đỉnh công suất lắp đặt (không quá 1MW và 1,25 MWp) mà pháp luật quy định thì cần bảo vệ quyền lợi theo đúng tinh thần "Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà tại Việt Nam"…

Từ các nhận định trên, TAND TP. Pleiku quyết định chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, buộc bị đơn phải liên đới thanh toán cho nguyên đơn số tiền gần 12 tỉ đồng, gồm tiền điện và lãi do chậm thanh toán.

Đồng thời, TAND TP. Pleiku buộc Tổng Công ty Điện lực Miền Trung và Công ty Điện lực Gia Lai phải liên đới chịu án phí kinh doanh, thương mại sơ thẩm nộp vào ngân sách nhà nước với số tiền hơn 119,7 triệu đồng.

Trao đổi với Nhadautu.vn, bà Nguyễn Thị Mộng Huyền giám đốc công ty Thanh Danh và công ty Vạn Phát cho biết, lâu nay phía công ty điện lực vẫn mua điện của công ty nhưng họ dừng thanh toán, muốn họ thanh toán thì phải theo điều kiện của họ là tháo dỡ mấy chục ngàn tấm pin.

"Thời gian qua phía điện lực dừng thanh toán khiến công ty tôi không có tiền trả nợ gốc và lãi cho ngân hàng nên phải đi vay mượn khắp nơi với lãi suất cao hơn bình thường, khó lại chồng khó", bà Huyền nói.

Bà Huyền cho rằng, bà muốn sản phẩm của mình bán ra là phải được thanh toán tiền đầy đủ, nếu sau bản án của Toà án nhân dân TP. Pleiku, phía điện lực kháng cáo thì bà cũng sẽ tiếp tục đi theo để khi nào công ty bà nhận được những gì đã bỏ ra.

Theo Nhà Đầu tư
Cùng chuyên mục