Thừa Thiên - Huế: Mất mùa, nông dân kiệt quệ

Thứ hai, ngày 09/05/2011 11:57 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Khoảng 1.000ha lúa ở Thừa Thiên- Huế trổ thóc lép khiến hàng nghìn hộ nông dân khóc ròng.
Bình luận 0

Gặt lúa để… đốt

Vụ đông xuân năm nay, gia đình ông Đinh Như Bùi ở thôn Di Dông, xã Phú Hồ (huyện Phú Vang) gieo cấy 2,5ha lúa, nhưng có đến 90% diện tích trong số này cho thóc lép. Theo ông Bùi, chỉ riêng chi phí phân bón, thuốc trừ sâu cho mỗi sào lúa đã mất 600 nghìn đồng, nên với hơn 4 mẫu lúa mất trắng, gia đình ông thiệt hại 24 triệu đồng chi phí, chưa kể không có tiền thành phẩm.

img
Hơn 4 mẫu lúa trổ thóc lép nên ông Đinh Như Bùi phải gặt phơi khô để đốt trên ruộng.

Cũng như lúa của gia đình ông Bùi, tình trạng lúa trổ thóc lép xảy ra hàng loạt ở xã Phú Hồ. Ông Hồ Bạn - Chủ tịch HTX nông nghiệp Phú Hồ cho biết, toàn xã gieo cấy 514ha lúa đông xuân thì có đến 126,7ha lúa bị mất trắng, hơn 22ha bị thiệt hại từ 30-70%. Có hơn 500 hộ dân bị mất mùa với tổng thiệt hại hơn 7 tỷ đồng. Theo ông Bạn, từ năm 1975 trở lại đây, chưa có năm nào nông dân trên địa bàn xã mất mùa nặng nề như hiện nay.

Không chỉ Phú Hồ, tình trạng lúa trổ thóc lép cũng xảy ra hàng loạt ở huyện Phú Vang và nhiều huyện khác ở Thừa Thiên- Huế. Theo thống kê của Phòng NNPTNT huyện Phú Vang, toàn huyện có gần 600ha lúa bị thiệt hại do trổ thóc lép. Toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có hơn 1.000ha lúa bị chung tình trạng trên, số tiền bị thiệt hại lên đến hàng chục tỷ đồng. Vì vậy, những ngày này, việc nông dân gặt lúa để đốt diễn ra hàng loạt ở các địa phương.

Giống lúa thoái hóa

Theo ngành nông nghiệp các huyện ở Thừa Thiên - Huế, nguyên nhân chủ yếu khiến một lượng lớn diện tích lúa trổ thóc lép do đợt rét đậm rét hại từ ngày 21.3 đến hết tháng 3 vừa qua. “Thời kỳ lúa phân hóa làm đòng gặp rét đậm rét hại nên cây lúa không thụ phấn được, dẫn tới việc lúa trổ thóc lép”- ông Hồ Vang- Phó Chủ tịch UBND huyện Quảng Điền giải thích.

Các HTX nông nghiệp ở Thừa Thiên- Huế kiến nghị tỉnh hỗ trợ nông dân bằng việc trợ giá giống lúa vụ hè thu. Theo một số HTX, nông dân cần trợ giá từ 7.000-10.000 đồng/ 1kg giống thì mới sản xuất được vụ hè thu.

Theo tìm hiểu của NTNN, diện tích lúa bị thiệt hại ở Thừa Thiên- Huế là lúa Khang Dân 18 do Công ty Giống cây trồng Thừa Thiên - Huế cung ứng cho nông dân. Ngoài Thừa Thiên- Huế, giống này còn được công ty bán cho nông dân các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Đây là một trong những giống lúa mà nhiều tỉnh đã cấm đưa vào sản xuất do đã bị thoái hóa. Ngoài bán giống lúa này cho nông dân sản xuất lúa thịt, công ty còn hợp đồng với nông dân sản xuất lúa giống bằng việc cung ứng giống rồi mua lại lúa sau khi thu hoạch để làm giống.

Trao đổi với NTNN, ông Đặng Văn Chung- Giám đốc Công ty Giống cây trồng Thừa Thiên- Huế cho biết, lúa của dân sản xuất để bán lại cho công ty làm giống bị thiệt hại nặng khiến nguồn lúa giống của công ty bị thiếu hụt trầm trọng. Riêng ở Thừa Thiên- Huế, công ty hợp đồng với nông dân sản xuất hơn 500 ha lúa giống thì có hơn 400 ha bị thiệt hại.

“Thay vì sản xuất 5.000 tấn lúa giống thì giờ chúng tôi chỉ có được 3.000 tấn. Cả công ty và nông dân đang đối mặt với tình trạng thiếu lúa giống trầm trọng chưa từng thấy”- ông Chung nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem