Thừa Thiên Huế triển khai nhiều quy hoạch, đề án quan trọng để trở thành thành phố Trung ương

27/01/2023 13:01 GMT+7
Năm 2023 là năm Thừa Thiên Huế tăng tốc, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội để thực hiện mục tiêu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngày 27/1, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, năm 2023 là năm tăng tốc, tạo bứt phá trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh để thực hiện mục tiêu đưa Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương theo Nghị quyết số 54-NQ/TW của Bộ Chính trị.

Thừa Thiên Huế triển khai nhiều quy hoạch, đề án quan trọng để trở thành thành phố Trung ương - Ảnh 1.

Diện mạo đô thị Huế. Ảnh: Thái Hùng.

Năm 2023, Thừa Thiên Huế đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP từ 9 - 10%, GRDP bình quân đầu người 2.670 - 2.760 USD, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 10%, thu ngân sách đạt 13.000 tỷ đồng, kim ngạch xuất khẩu tăng từ 12% trở lên.

Để hoàn thành kế hoạch đề ra, tạo nền tảng quan trọng cho lộ trình sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, Thừa Thiên Huế sẽ tập trung hoàn thành và triển khai hiệu quả các quy hoạch, đề án quan trọng. Đó là các quy hoạch, đề án như: Quy hoạch tỉnh Thừa Thiên Huế giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2050, tầm nhìn đến năm 2065; đề án phân loại đô thị Thừa Thiên Huế trực thuộc Trung ương; quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Quần thể di tích Cố đô Huế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050; đề án thành lập thành thành phố trực thuộc Trung ương trên cơ sở địa giới hành chính Thừa Thiên Huế; xây dựng Đại học Huế trở thành đại học quốc gia...

Thừa Thiên Huế cũng sẽ tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh nhằm thu hút đầu tư khu vực kinh tế tư nhân và huy động vốn trong dân thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chú trọng phát triển kinh tế tập thể. Bên cạnh đó, tỉnh nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư; tranh thủ tối đa và quản lý hiệu quả nguồn vốn ODA để đầu tư các công trình trọng điểm, quy mô lớn; thực hiện tốt việc đẩy mạnh xã hội hóa, thu hút đầu tư.

Thừa Thiên Huế sẽ đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tỉnh tập trung cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của các ngành kinh tế dựa trên các lợi thế ngành dịch vụ, công nghiệp công nghệ cao và kinh tế biển.

Thừa Thiên Huế triển khai nhiều quy hoạch, đề án quan trọng để trở thành thành phố Trung ương - Ảnh 2.

Khi Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc Trung ương dự kiến sẽ có 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện, trong đó thành phố Huế hiện tại sẽ được chia thành 2 quận. Ảnh: T.H.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Phương, trong thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung xây dựng kết cấu hạ tầng để phát triển đô thị và phát triển khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp. Phát triển hệ thống đô thị toàn tỉnh, trong đó, thành phố Huế mở rộng đạt chuẩn đô thị loại I; xây dựng huyện Phong Điền đạt chuẩn đô thị loại IV, định hướng đô thị Chân Mây đạt tiêu chí đô thị loại III; nâng cấp và hình thành các đô thị cấp xã mới đạt tiêu chuẩn đô thị loại V.

Đồng thời, tỉnh ưu tiên đầu tư xây dựng phát triển khung hạ tầng, phát triển đô thị như: Tuyến đường ven biển, đường Tố Hữu nối dài đi sân bay Phú Bài, đường Nguyễn Hoàng và cầu vượt Sông Hương, đường vành đai 3, đê chắn sóng cảng Chân Mây giai đoạn 2, hạ tầng Khu đô thị mới Thuận An. Tỉnh hoàn thiện hạ tầng đô thị thành phố Huế, hạ tầng đô thị Phong Điền, nâng cấp đô thị thị xã Hương Thuỷ...

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, sau khi bàn bạc, thống nhất, cơ bản mô hình thành phố trực thuộc Trung ương mà Thừa Thiên Huế đang hướng đến là thành phố có 9 đơn vị hành chính cấp huyện, bao gồm 3 quận, 2 thị xã và 4 huyện.

Cụ thể, thành phố Huế hiện hữu sẽ chia thành 2 quận; thị xã Hương Thủy thành lập thành quận; huyện Phong Điền thành lập thành thị xã; thị xã Hương Trà nhập thêm địa giới hành chính xã Dương Hòa, thị xã Hương Thủy; nhập huyện Phú Lộc và huyện Nam Đông thành một huyện mới; các huyện Phú Vang, Quảng Điền, A Lưới giữ nguyên hiện trạng.

Khi thành lập thành phố trực thuộc Trung ương, số đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh sẽ giảm 10 đơn vị hành chính cấp xã, từ 141 đơn vị xuống còn 131 đơn vị.


Quỳnh Nhi
Cùng chuyên mục