Thúc đẩy đầu tư công: Không nên vội vàng, dàn trải, vẽ dự án mới

22/07/2020 06:56 GMT+7
Việc thúc đẩy đầu tư công trong giai đoạn hiện nay có vai trò quan trọng với tăng trưởng kinh tế, tuy nhiên chỉ nên tập trung vào các dự án trọng điểm, đã có vốn sẵn.

Đầu tư công kéo “cỗ xe” tăng trưởng 2020

Trên phương diện sản xuất, cả khi bệnh dịch trong nước được kiểm soát hoàn toàn thì nhiều ngành dịch vụ và sản xuất hướng ra xuất khẩu có thể sẽ còn gặp khó khăn lâu dài một khi bệnh dịch còn chưa hoàn toàn biến mất ở các khu vực kinh tế – tài chính quan trọng trên thế giới.

Do vậy, thúc đẩy đầu tư công trong nửa cuối năm được nhận định là việc nên làm để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

PGS. TS. Nguyễn Khắc Quốc Bảo, Trưởng khoa Tài chính của Đại học kinh tế TP.HCM, đánh giá kinh tế thế giới và Việt Nam đang đứng trước nguy cơ rơi vào một đợt suy thoái nặng nề. Trong 100 năm qua, không có mấy lần thế giới trải qua những sự kiện như vậy, đặt ra thách thức lớn với các nhà điều hành chính sách.

Nhận định về các động lực thúc đẩy tăng trưởng năm 2020 với hình ảnh cỗ xe tam mã, bao gồm đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng, ông Bảo cho rằng chỉ có "con ngựa" đầu tư công là chạy tốt.

Xuất khẩu trong 6 tháng tới được đánh giá khó trở thành yếu tố thúc đẩy tăng trưởng trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái khiến cầu giảm mạnh.

Tình hình xuất khẩu tốt hay xấu thực tế không phụ thuộc vào ý chí của Chính phủ và mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu chỉ là mong muốn, rất khó xác định xuất khẩu có trở thành động lực tăng trưởng hay không, ông Bảo nói tại buổi công bố báo cáo kinh tế vĩ mô mới đây của Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR).

Về tiêu dùng, người dân hiện nay đang thắt chặt chi tiêu, tập trung vào các nhu cầu thiết yếu nên rất khó để tiêu dùng tăng trưởng tốt trong nửa cuối năm nay.

Hiện chỉ có đầu tư công là hiệu quả nhất vì tiền bơm qua kênh đầu tư sẽ được nền kinh tế hấp thụ. Bơm tiền bằng kênh tiền tệ, tín dụng chưa chắc đã được hấp thụ hết nhưng qua tài khóa, đầu tư thì đó sẽ là cú hích quan trọng, tạo công ăn việc làm, giải quyết đầu ra cho các ngành sản xuất và tạo bầu không khí lạc qua, ông Bảo phân tích.

Không dàn trải, vội vàng hay vẽ ra các dự án mới

Theo ông Bảo, vấn đề giải ngân vốn đầu tư công hiện nay còn nhiều khó khăn như vướng mắc về thể chế, pháp lý, đòi hỏi Chính phủ cần có những giải pháp đột biến để tăng tốc độ, đặc biệt khi thời điểm “mùa nhân sự” hiện nay rất nhạy cảm, “ít ai dám xé rào”.

Ông cũng cho rằng Chính phủ cần chấp nhận đánh đổi một số chỉ tiêu, ví dụ như lạm phát, để có thể đạt được điều quan trọng nhất và mang ý nghĩa lâu dài.

PGS.TS. Phạm Thế Anh, Kinh tế trưởng VEPR, lưu ý rằng thúc đẩy đầu tư công không phải là việc vẽ ra các dự án mới mà chỉ nên tập trung vào các dự án trọng điểm, những dự án đã có vốn sẵn.

Theo đó, thúc đẩy đầu tư công không nên là việc tăng chi tiêu công một cách dàn trải, vội vàng, thiếu kiểm soát. Việt Nam chỉ nên đẩy nhanh những dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia, đã được phê duyệt và đã được bố trí sẵn vốn thực hiện.

Việc chia nhỏ ra làm nhiều gói thầu và thực hiện rải rác ở nhiều địa phương để nhiều doanh nghiệp và nhiều địa phương có thể tiếp cận, tạo sự lan tỏa tốt hơn cũng có thể được cân nhắc như một giải pháp đặc biệt.

Đồng thời, cắt giảm ngân sách thường xuyên (tiêu dùng) tối thiểu 10% nên được thực hiện nhằm dành nguồn lực cho việc khắc phục những hậu quả do bệnh dịch gây ra.

Chia sẻ đồng quan điểm, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Giám đốc Viện đào tạo và nghiên cứu BIDV, cho rằng thúc đẩy đầu tư công là cần thiết nhưng không phải thúc đẩy bằng mọi giá mà vẫn phải đảm bảo yếu tố tiên quyết là hiệu quả. Đây là giải pháp mà nhiều nước cũng đang thực hiện để hỗ trợ nền kinh tế, đơn cử là Trung Quốc vừa qua đã thúc đẩy đầu tư công rất mạnh mẽ để đạt được mức tăng trưởng khá ấn tượng trong quý II.

Vấn đề quan trọng hiện nay là chuyện giải phóng mặt bằng, vốn đối ứng và sự phối hợp thực thi giữa các cơ quan, bộ ngành, ông cho hay.

Nhờ vào động thái quyết liệt của Chính phủ trong việc giải quyết ách tắc đầu tư công, cùng chủ trương thúc đẩu đầu tư nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế, trong quý II/2020, vốn đầu tư toàn xã hội thực hiện ước tính đạt 481 nghìn tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó vốn khu vực Nhà nước tăng 7,8%; khu vực ngoài Nhà nước tăng 4,9% và khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 2,4%.

Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, vốn đầu tư toàn xã hội tăng 3,4% so với nửa đầu năm ngoái và bằng 33% GDP, bao gồm vốn khu vực Nhà nước chiếm 32,2% tổng vốn và tăng 7,4%; khu vực ngoài Nhà nước chiếm 44,2% và tăng 4,6%. Trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài giảm 3,8%.

Có thể thấy trong nửa đầu năm 2020, do quá trình đẩy nhanh đầu tư công, tăng trưởng đầu tư của khu vực nhà nước đang giúp bù đắp khu vực ngoài nhà nước, tuy vậy, đây có thể không phải là xu hướng lâu dài mà chỉ là biện pháp tình thế trong thời điểm khó khăn do dịch bệnh. Dự báo trong tương lai, khu vực ngoài nhà nước sẽ tiếp tục chi phối trên bình diện đầu tư, cáo cáo của VEPR nhận định.

Thắng Hoàng
Cùng chuyên mục