Thực hư việc Hoàng thành Thăng Long sẽ phát ấn đầu năm

Huy Hoàng Thứ năm, ngày 18/02/2016 14:50 PM (GMT+7)
“Chúng tôi chưa có ý định phát ấn tại Điện Kính thiên - Hoàng Thành Thăng Long, còn khai ấn là hoạt động thử nghiệm mang tính chất nội bộ, lấy may đầu năm”, vị đại diện của Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội chia sẻ với Dân Việt sáng 18.2.
Bình luận 0

Sau lễ khai ấn tại điện Kính Thiên và dâng hương tại Điện Kính Thiên, Hoàng Thành Thăng Long, có thông tin phía Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội sẽ tổ chức lấy ý kiến của các chuyên gia văn hóa, lịch sử về vấn đề tặng ấn đầu năm từ chiếc ấn cổ “Sắc mệnh chi bảo” nổi tiếng.

Có nhiều ý kiến trái chiều trong dư luận xung quanh việc khai ấn và phát ấn tại Hoàng thành Thăng Long. Điều gì sẽ diễn ra khi hàng nghìn người dân đổ về Khu di tích Hoàng thành Thăng Long để xin được lá ấn một năm mới. Thực tế là vài năm trước, việc phát ấn tại đền Trần – Nam Định đã gây ra tình trạng chen lấn cướp lộc, bạo lực gây bức xúc, phản cảm.

img

Ấn “Sắc mệnh chi bảo” bằng gỗ, cổ nhất hiện nay được trưng bày tại Hoàng thành Thăng Long.

Chia sẻ về lo ngại cũng như tác động của việc khai ấn và phát ấn tại Điện Kính Thiên, đại diện của Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội cho biết:

Lễ dâng hương khai Xuân vừa qua là để tưởng nhớ các bậc tiên đế, các đức vua anh minh, các bậc hiền tài có công với đất nước và cũng là hoạt động tâm linh thành kính, hướng về cội nguồn tiên tổ, tôn vinh các giá trị truyền thống. Còn khai ấn chỉ mang tính chất hoạt động nội bộ lấy may đầu năm bởi vừa qua, tại khu di tích Hoàng thành Thăng Long đã khai quật và tìm thấy dấu ấn gỗ thời nhà Trần. Dấu ấn gỗ này được gọi là “Sắc mệnh chi bảo” có niên đại khoảng 700 năm.

Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội chưa có ý định phát ấn, nhìn từ việc phát ấn ở đền Trần Nam Định mấy năm vừa rồi thấy sự lộn xộn, bạo lực khi người dân đến nhận ấn. Chúng tôi thận trọng, cân nhắc và mới chỉ là thăm dò, thử nghiệm, lắng nghe ý kiến của dư luận cũng như của các chuyên gia khoa học về việc khai ấn chứ chưa nghĩ sẽ phát ấn. Về lâu dài thì Trung tâm mong muốn hoạt động dâng hương và khai ấn sẽ là hoạt động thường niên hàng năm được diễn ra những ngày đầu năm mới tại điện Kính Thiên.

Nói về việc có nên khai ấn tại Hoàng thành Thăng long, theo quan điểm của Chủ tịch Hội khảo cổ học Việt Nam - GS Tống Trung Tín là rất nên làm.

“Ta có ấn như thế xác thực của thời cổ, triều đình nhà Trần. Nhưng làm như thế nào, có gọi khai ấn, mở ấn hay không các nhà nghiên cứu sẽ họp bàn.Văn hoá tâm linh của cá nhân mỗi người,  người ta muốn có điều may mắn trong năm, vì tâm linh người ta đến thắp nén nhang tưởng nhớ liệt đế liệt hậu, chư thần để có một cái ấn xây dựng niềm tin phấn khởi, lạc quan hơn.

Tuy nhiên theo tôi, khi tổ chức khai ấn chúng ta nên làm thế nào để nó được diễn ra theo một cách tự nhiên, chứ không diễn ra theo cách phát ấn ở đền Trần, xô bồ, bạo lực mang tính chất mua chức tước, gây phản cảm cho việc đi lễ cầu may đầu năm”.

Cũng theo GS Tống Trung Tín, ấn “Sắc mệnh chi bảo” mới được khai quật là ấn cổ nhất hiện nay.

“Tôi được biết, giáo sư Hoàng Văn Khoán, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội đã so sánh chữ nghĩa các thời kỳ, nhất là chữ viết trên tiền. Chữ trên ấn đó gần gũi, đặc điểm như chữ ghi trên tiền thời Trần. Cho nên về mặt thư pháp, tầng văn hoá hiện nay đa số nhà nghiên cứu xác nhận đó là ấn thời Trần”, GS Tống Trung Tín chia sẻ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem