Thực hư Virus Div1 Trung Quốc gây bệnh ở tôm: Ít nguy hại ở Việt Nam

Khương Lực Thứ năm, ngày 23/04/2020 11:12 AM (GMT+7)
Thông tin virus Div1 gây bệnh trên tôm nước lợ đang tấn công các trang trại nuôi tôm ở Quảng Đông (Trung Quốc), gây hoang mang trong dư luận. Tuy nhiên, Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT) cho biết, virus Div1 được ghi nhận chỉ xuất hiện ở Trung Quốc, Thái Lan và dịch bệnh sẽ ít nguy hại hơn ở Việt Nam.
Bình luận 0

Để đối phó với dịch bệnh Div1 trên tôm nước lợ ở Việt Nam, một số nghiên cứu về dịch tễ, phương pháp chẩn đoán và thực nghiệm gây bệnh trên tôm nước lợ đang được triển khai.

Tổng cục Thủy sản cho biết, qua tìm hiểu thông tin từ các nhà khoa học và các tài liệu nghiên cứu trước đây, virus gây bệnh trên tôm ở Quảng Đông (Trung Quốc) được biết đến với tên Decapod iridescent virus 1 (Div1) hay còn được gọi Shirmp hemocyte iridescent virus (SHIV). 

img

Virus Div1 sẽ ít nguy hại hơn ở Việt Nam do công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng của Việt Nam phát triển cao (nuôi có kiểm soát trong nhà kính, ao lót bạt, nuôi an toàn sinh học…), hạn chế được mầm bệnh từ môi trường bên ngoài. Ảnh: K. Lực

Loài virus mới thuộc họ Iridoviridae được tìm thấy đầu tiên trên tôm thẻ chân trắng nuôi ở tỉnh Chiết Giang và tôm càng xanh ở một số địa phương khác của Trung Quốc từ tháng 12/2014.

Năm 2018, bệnh Div1 được ghi nhận chỉ xuất hiện ở Trung Quốc và Thái Lan. Bệnh xuất hiện trở lại ở tỉnh Quảng Đông – Trung Quốc từ tháng 2 năm nay đã ảnh hưởng đến khoảng 1/4 diện tích nuôi tôm ở tỉnh này.

Virus (Div1) tấn công vào tế bào máu trong mang, gan tụy và cơ của tôm. Khi tôm bị nhiễm Div1, tôm chìm xuống đáy ao, mềm vỏ và chuyển màu đỏ nhạt, dạ dày và ruột rỗng, bề mặt và mặt cắt gan tụy nhạt màu.

Theo quan sát ban đầu, tôm bị nhiễm mạnh vào mùa đông. Tác động của bệnh sẽ nghiêm trọng hơn khi tôm bị bội nhiễm với vi khuẩn vibrio, trong ao có tảo bùng phát mạnh hoặc trời mưa kéo dài. Tôm ít bị nhiễm vào mùa hè, mùa thu, nhất là khi nhiệt độ trên 300C.

Một số nhận định ban đầu cho rằng, bệnh này được xem là không nghiêm trọng trên tôm nuôi so với các bệnh thường gặp khác như: đốm trắng, hoại tử gan tuỵ cấp, phân trắng, vi bào tử trùng; tuy nhiên các chuyên gia cũng cảnh báo cần cảnh giác và có biện pháp ngăn ngừa phù hợp.

Đến nay, nguồn gốc và cách truyền lây của virus vẫn chưa rõ ràng (một số thông tin cho rằng nguồn lây chủ yếu từ dời tươi (giun nhiều tơ) và chưa có biện pháp phòng trị hiệu quả. Người nuôi đang áp dụng các biện pháp như: không cho người lạ vào cơ sở nuôi, khử khuẩn thường xuyên. 

Một số nhà khoa học nhận định rằng, mức độ trầm trọng của dịch bệnh này ở Trung Quốc do phương pháp nuôi của họ còn thô sơ, lạc hậu (ao đất) và nhận định rằng dịch bệnh sẽ ít nguy hại hơn ở Việt Nam do công nghệ nuôi tôm thẻ chân trắng của Việt Nam phát triển cao (nuôi có kiểm soát trong nhà kính, ao lót bạt, nuôi an toàn sinh học…), hạn chế được mầm bệnh từ môi trường bên ngoài.

Hiện nay, đang là thời điểm thả tôm nuôi chính vụ, ông Trần Đình Luân, Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản cho biết: "Tình hình hạn hán, xâm nhập mặn đã giảm tại các tỉnh ĐBSCL và tại các tỉnh bắt đầu có mưa. Độ mặn và điều kiện thời tiết bắt đầu phù hợp cho nuôi trồng thủy sản, đặc biệt là đối với con tôm" 

Năm nay do dịch Covid-19 và điều kiện khắc nghiệt của thời tiết nên diện tích thả nuôi tôm đạt thấp hơn cùng kỳ năm 2019. Tính đến 8/4, diện tích nuôi tôm đạt 441.593 ha, bằng 82,7% so với cùng kỳ năm 2019; phần lớn diện tích thả tôm sú quảng canh.

Hiện nay, thời tiết thuận lợi hơn, nên người dân bắt đầu thả nuôi tôm. Tuy nhiên, các yếu tố liên quan đến dịch bệnh đang được bà con nông dân quan tâm. Tại Việt Nam, virus đốm trắng đang tấn công mạnh các ao tôm từ một tháng rưỡi tuổi ở Sóc Trăng và một số tỉnh, khiến sức đề kháng của tôm bị giảm.

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, hệ sinh thái biến đổi, khiến vi khuẩn (và virus) có cơ hội phát triển tấn công tôm nuôi trong hoàn cảnh tôm nuôi sức khoẻ suy giảm khiến ao tôm bị sự cố, phải thu sớm, thiệt hại.

 Tình trạng này kéo dài nhiều tuần, khiến ngoài người nuôi mang tôm non và tôm cỡ nhỏ đi bán cho các cơ sở chuyên mua, chế biến tôm cỡ nhỏ (100-250 con mỗi kg).

Trước thông tin về dịch bệnh Div1 trên tôm nước lợ nuôi ở Trung Quốc, Tổng cục Thuỷ sản đề xuất Bộ NN&PTNT giao Cục Thú y kiểm soát nhập tôm bố mẹ, tôm giống, dời tươi từ Trung Quốc, Thái Lan; Thực hiện điều tra dịch tễ học của bệnh Div1 ở một số vùng nuôi tôm nước lợ trọng điểm ở Việt Nam.

Cùng với đó, tổ chức thông tin, truyền thông về mức độ nguy hại của bệnh Div1 trên tôm nước lợ; xây dựng phương án và hướng dẫn các địa phương, cơ sở nuôi tôm nước lợ phòng chống dịch bệnh Div1.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem