dd/mm/yyyy

“Thức tỉnh” tiềm năng nhiều địa phương

Ngay sau khi có chủ trương, tái cơ cấu (TCC) ngành nông nghiệp như một luồng gió mới “thức tỉnh” tiềm năng ở nhiều địa phương.

Đồng Tháp đi đầu

Ngay từ đầu, lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp đã đề ra mục tiêu “hợp tác, liên kết, thị trường, giảm chi phí, tăng chất lượng, chế biến tinh”. Theo đó, 5 ngành hàng chủ lực là lúa gạo, xoài, hoa cảnh, cá tra và vịt được tổ chức lại sản xuất.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm quan vườn xoài tại Hợp tác xã xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp). T.L
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm quan vườn xoài tại Hợp tác xã xoài Mỹ Xương (huyện Cao Lãnh, Đồng Tháp). T.L

Ông Nguyễn Thanh Hùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp - nhìn nhận: “Thời gian qua, tỉnh thực hiện 6 giải pháp kỹ thuật nhằm giảm giá thành trong sản xuất lúa gạo, cùng triển khai cơ giới hóa trên đồng ruộng, đẩy mạnh mô hình cánh đồng lớn, đồng thời thí điểm sản xuất lúa theo hướng hữu cơ…

Làng hoa Sa Đéc cũng đã hình thành Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, khu nghiên cứu công nghệ sinh học, tăng cường các giống hoa mới, đồng thời xây dựng được những mô hình trồng hoa phục vụ du lịch. Cũng theo ông Nguyễn Thanh Hùng, với lợi thế về điều kiện tự nhiên, sản lượng nuôi cá tra của Đồng Tháp đứng cao nhất ĐBSCL. Ngoài ra, tỉnh còn có 20 nhà máy chế biến, 26 nhà máy chế biến thức ăn, 157 cơ sở sản xuất giống. Hiện 100% diện tích nuôi được cấp mã số nhận diện ao nuôi.

Riêng đàn vịt, Đồng Tháp tập trung vào 3 nội dung chính: Con giống chất lượng; khắc phục việc thả vịt chạy đồng thường xuyên bị dịch bệnh bằng mô hình nuôi nhốt; hạ chi phí thông qua hợp tác, liên kết và xây dựng chuỗi ngành hàng. Hiện đàn vịt của tỉnh đạt gần 6,5 triệu con.

OCOP và dấu ấn của Quảng Ninh

Quảng Ninh có nhiều sản phẩm đặc trưng, như: Trà hoa vàng, ba kích Ba Chẽ, nếp cái hoa vàng Đông Triều, lợn Móng Cái, gà Tiên Yên, sá sùng Vân Đồn, mực Cô Tô… Câu hỏi đặt ra là làm thế nào để phát huy lợi thế và nâng cao giá trị của các sản phẩm truyền thống. Chương trình “Mỗi xã, phường một sản phẩm” (OCOP) ra đời một phần lý giải những khúc mắc trên.

Thực hiện chương trình OCOP, tháng 5.2015, xã Quảng La (huyện Hoành Bồ) đã thành lập HTX Nông Dược xanh tinh hoa trên cơ sở quy hoạch lại trại trồng cây vải cũ của Nông trường Quảng La đã giải thể với diện tích 23,5ha để thực hiện Dự án Khu du lịch sinh thái Thiên đường hoa Quảng La, với mục tiêu phát triển trồng cây dược liệu, cây ăn quả, cây hoa, cây màu kết hợp du lịch sinh thái, giáo dục thực nghiệm...

Giám đốc HTX Nông Dược xanh tinh hoa Phạm Thanh Phong chia sẻ: “Hiện nay, HTX đã đầu tư gần 30 tỷ đồng, trong đó vay tín dụng 2,5 tỉ đồng, Nhà nước hỗ trợ hơn 1 tỷ đồng. Năm 2016, tổng doanh thu của HTX đạt 1,2 tỉ đồng; đã tạo ra hơn 20 sản phẩm dược liệu, nông nghiệp cho chương trình OCOP của huyện; duy trì việc làm thường xuyên cho khoảng 50 - 60 lao động là bà con dân tộc thiểu số tại xã Quảng La, Bằng Cả với thu nhập ổn định từ 3,5 - 4 triệu đồng/người/tháng”.

Vườn mẫu - nét riêng của Hà Tĩnh

Khác với nhiều địa phương lựa chọn kinh tế để TCC nông nghiệp, Hà Tĩnh chọn “lối đi riêng”, là gắn TCC với xây dựng nông thôn mới.

Tại mô hình khu dân cư kiểu mẫu ở thôn Dương Nội, xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, hàng rào của các hộ dân cư được trồng bằng những loại cây nhiều cành, dễ tạo thế và được uốn, cắt tỉa thành các hình đình làng, cổng nhà... rất đẹp mắt.

Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Hà Tĩnh - cho biết: “Việc phát triển vườn kiểu mẫu vừa nâng cao thu nhập cho nông dân, vừa tạo môi trường, cảnh quan đẹp cho nông thôn và thúc đẩy du lịch sinh thái vườn phát triển. Đến nay, Hà Tĩnh đã có 7.256 vườn đăng ký xây dựng vườn mẫu, trong đó có 1.750 vườn đạt chuẩn”.

Tố Loan