Đầu tư nhiều, hiệu quả ít
Với số lượng hơn 130 bảo tàng lớn nhỏ, một điểm mạnh của các bảo tàng, nhất là các bảo tàng quốc gia (chủ yếu nằm ở Hà Nội) chính là vị trí đất. Bởi phần lớn bảo tàng lớn đều ở vị trí mặt phố, với khuôn viên rộng trên những trục đường lớn. Ví dụ như Bảo tàng Lịch sử rộng 13.000 m2, nằm ngay trên phố Tràng Tiền, Bảo tàng Cách mạng rộng gần 95.000 m2 cũng nằm ngay sát cạnh đó, hay nhiều bảo tàng chuyên ngành như các bảo tàng quân sự cũng nằm trên những trục đường quan trọng của thành phố… Không chỉ được “đầu tư” vị trí, các bảo tàng này còn “ngốn” một lượng kinh phí không hề nhỏ để bảo quản hiện vật và duy trì hoạt động hàng năm.
Tuy nhiên, theo các nhà nghiên cứu, đang tồn tại một nghịch lý là đầu tư cho hệ thống bảo tàng thì rất nhiều, nhưng số lượng bảo tàng hoạt động thường xuyên, hiệu quả, phát huy tốt chức năng của mình thì lại chỉ “đếm trên đầu ngón tay”. Các bảo tàng phần lớn mới chỉ làm tròn chức năng là nơi trưng bày hiện vật lịch sử một cách đơn điệu, mà chưa biết cách đưa nó đi vào cuộc sống, nhất là các bảo tàng chuyên ngành...
Số bảo tàng hoạt động thường xuyên, hiệu quả hiện nay chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.
|
Dù mở cửa đều đặn nhưng luôn trong tình trạng đìu hiu, buồn tẻ vì ít khách tham quan là điều dễ thấy khi đến các bảo tàng. “Có bảo tàng một ngày chỉ đón 5 - 6 khách, như thế là quá ít và hiệu quả hoạt động quá thấp so với chức năng của nó”, PGS.TS Nguyễn Văn Huy, PGĐ Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa, nhận định.
Vì vắng khách tham quan, doanh thu từ bán vé ít, nên nhiều bảo tàng đã tận dụng “không gian trống” để tổ chức các hoạt động kinh doanh dịch vụ, thậm chí còn không mấy liên quan đến nhiệm vụ chính như cho thuê địa điểm làm nhà hàng tiệc cưới, bán bia, bán cơm bình dân. Tuy nhiên, cũng phải nói, nếu các hoạt động chuyên môn chính của bảo tàng có hiệu quả, bảo tàng có thể “sống” nhờ tiền bán vé, và có thể tăng giá vé mà vẫn tăng khách là điều không phải không làm được. Đơn cử như vé vào Bảo tàng Dân tộc học hiện nay đã tăng gấp 4 lần so với năm 2005, nhưng lượt người tới tham quan vẫn tăng rất nhanh. Tại Bảo tàng Lịch sử, sưu tập “Bảo vật hoàng cung” triều Nguyễn nhân dịp đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội chỉ trong hai ngày sau khai mạc đã đón trên 5.000 khách tới tham quan, thu trên 100 triệu đồng tiền bán vé, chưa kể các hoạt động dịch vụ khác.
Vì đâu nên nỗi?
PGS.TS Nguyễn Văn Huy kể: “ Tôi đã từng đến Ba Lan và tới thăm bảo tàng Anne Frank, nơi lưu giữ những kỷ niệm về một cô bé 13 tuổi người Do Thái nổi tiếng với cuốn “Nhật ký Anne Frank”. Dù là một bảo tàng cá nhân do gia đình cô bé thành lập, với quy mô rất nhỏ nhưng nó lại trở thành một địa điểm được rất nhiều khách du lịch ở nhiều nơi tìm đến. Nó hấp dẫn vì nó làm cho người ta hình dung ra được hoàn cảnh của đất nước, của các số phận con người dưới chế độ phát xít Đức một cách sinh động thông qua những kỷ vật, những câu chuyện trong cuốn nhật ký được trưng bày. Bảo tàng dù nhỏ, không cần đầu tư lớn nhưng hoạt động hiệu quả vì họ biết cách làm cho nó sống động. Đây cũng là điều mà phần lớn các bảo tàng ở Việt Nam chưa làm được”.
Cũng theo ông Huy, dù là những bảo tàng lớn, xây dựng công phu, tốn kém, nhưng khi đầu tư không tính đến hiệu quả, làm chỉ để theo phong trào, chạy đua thành tích nên mới trở nên lãng phí như hiện nay. “Tư duy chỉ cần cắt băng khánh thành là thành công là nhảm nhí, sai lầm. Hoàn thành công trình về mặt kiến trúc, nhưng quan trọng là bảo tàng phải biết cách “thổi hồn” vào để nó “sống”, ông Huy chia sẻ.
Thực tế có một số bảo tàng rất hút khách nhờ đã xây dựng được những chương trình có hiệu ứng tốt với khách tham quan như: Trưng bày triển lãm “Thời bao cấp” của Bảo tàng Dân tộc học hay Triển lãm “Gánh hàng rong”, triển lãm “Chợ” của Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam... Nhưng rất ít bảo tàng làm được những chương trình hấp dẫn như vậy.
“Phần lớn các chương trình trưng bày của các bảo tàng là làm theo kỳ, cuộc, sự kiện và tổ chức trưng bày một cách đơn điệu, trưng bày theo tư tưởng chủ quan mà không tính đến nhu cầu của người xem nên không thể tạo ra sự hấp dẫn được. Nhiều bảo tàng còn trình bày các hiện vật quá đơn giản, thậm chí thiếu cả những lời giới thiệu về các hiện vật ở trong đó. Điều này do tư duy của người làm bảo tàng chưa chịu tiếp thu, học hỏi, đổi mới cách làm cho hiệu quả hơn”, TS. Lê Thị Minh Lý, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị Di sản văn hóa nhận xét.
Cũng theo PGS.TS Nguyễn Văn Huy: “Chúng ta đang thiếu khâu đánh giá, phản biện đối với hoạt động của các bảo tàng. Còn hầu hết các bảo tàng mới chỉ quan tâm chạy theo những sự kiện, phong trào nên nhiều khi “làm cho xong”, cứ có hiện vật bày ra đấy, tuyên bố sự kiện là coi như hoàn thành mà không cần quan tâm có ai tới xem hay không, hiệu quả ra sao. Làm trưng bày cũng cần phải có sự đánh giá mới có hiệu quả”.
Như một thiết chế văn hóa quan trọng với chức năng giáo dục rất lớn, hệ thống bảo tàng ở Việt Nam đang rất cần rà soát lại để hoạt động hiệu quả hơn, xứng tầm với sự đầu tư để tránh được những lãng phí không đáng có.
(Theo Báo Tin Tức)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.