Thương hiệu zèng A Lưới

Thứ năm, ngày 26/05/2011 06:03 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Đồng bào các dân tộc ở huyện miền núi A Lưới, Thừa Thiên - Huế, đang thoát nghèo bằng việc phát triển nghề dệt zèng truyền thống.
Bình luận 0

Chị Mai Thị Tăng (27 tuổi), người dân tộc Tà Ôi, ở thôn A Tin, xã A Đớt, làm nghề dệt zèng (thổ cẩm truyền thống) đã 2 năm nay. "Lúc đầu mình không biết dệt, mẹ mình thì đã bỏ nghề từ rất lâu. Khi thấy nhiều nhà trong thôn phát triển nghề này mẹ đã dạy nghề cho mình rồi hai mẹ con cùng làm" - chị Tăng kể.

img
Đồng bào các dân tộc ở A Lưới đang phát triển nghề dệt zèng để thoát nghèo.

Thu nhập 1-1,2 triệu đồng/tháng

Cũng như gia đình chị Tăng, hầu hết các hộ đồng bào dân tộc Tà Ôi ở xã A Đớt cũng như huyện A Lưới hiện đang đẩy mạnh việc phát triển dệt zèng sau một thời gian khá dài nghề truyền thống này bị mai một. Dệt zèng được đồng bào các dân tộc Cơ Tu, Pa Kô, Vân Kiều, Pa Hy trên địa bàn huyện học hỏi mặc dù đây là nghề truyền thống của riêng người Tà Ôi.

Chị Hồ Thị Cay, người dân tộc Cơ Tu ở xã A Phú Vinh cho biết, việc học hỏi nghề dệt zèng của người Tà Ôi đã giúp nhiều người trong gia đình chị giải quyết việc làm. "Dù chủ yếu dệt lúc nhàn rỗi nhưng mỗi tháng gia đình mình cũng có thêm 1-1,5 triệu đồng, nhờ đó mà kinh tế gia đình ngày càng ổn định"- chị Cay phấn khởi. Ngoài phát triển nghề dệt zèng ở hầu khắp các hộ gia đình, hiện ở A Lưới đã có 3 tổ hợp dệt được thành lập ở các xã Phú Vinh, A Đớt và thị trấn A Lưới.

Tổ dệt zèng ở thị trấn A Lưới do bà Mai Thị Hợp làm tổ trưởng đến nay đã có 35 chị tham gia. Tổ đã mở 5 đợt dạy nghề, thu hút hàng trăm chị em các dân tộc trên địa bàn huyện tham gia. "Trước đây chị em chúng tôi không ai biết dệt zèng, nhưng sau khi được dạy nghề đã biết dệt để thoát nghèo. Ngoài thu nhập từ các hoạt động sản xuất khác, nghề dệt zèng đưa lại cho chị em thu nhập mỗi tháng từ 1-2 triệu đồng"- chị Hồ Thị Lai, người dân tộc Pa Cô, phấn khởi kể.

Nghề thoát nghèo

Bà Mai Thị Hợp - Tổ trưởng tổ dệt zèng ở thị trấn A Lưới, cho biết, sản phẩm zèng của tổ cũng như của người dân trên địa bàn làm ra được tiêu thụ ngày càng mạnh. Ngoài bán cho các địa phương truyền thống như Nam Đông (Thừa Thiên - Huế), Đông Giang, Tây Giang (Quảng Nam), Hướng Hóa, Đakrông (Quảng Trị)…, sản phẩm zèng của A Lưới đã và đang được xuất khẩu thường xuyên ra nước ngoài theo đơn đặt hàng.

img Phát triển dệt zèng không chỉ giữ gìn văn hóa truyền thống mà nó đang thực sự là một phương thức thoát nghèo hiệu quả của đồng bào dân tộc trên địa bàn. img

Ông Hồ Văn Ngoan

Theo bà Hợp, sở dĩ zèng của A Lưới được tiêu thụ mạnh là do chất lượng tốt và có tính sáng tạo rất cao. Thổ cẩm này thường được người làm gắn các họa tiết mang dáng dấp truyền thuyết bằng các gam màu đỏ, trắng, vàng, đen, xanh lá cây...

Tính nghệ thuật cao cộng với hình thức phù hợp với người tiêu dùng nên zèng A Lưới được du khách và đồng bào các dân tộc rất ưa chuộng, kể cả những dân tộc có nghề dệt thổ cẩm phát triển. Ngày càng có nhiều du khách trong và ngoài nước tìm đến huyện miền núi A Lưới để được tận mắt nhìn thấy những công đoạn dệt zèng và mua sản phẩm zèng của người dân nơi đây.

Ông Hồ Văn Ngoan- Trưởng phòng Văn hoá - Thông tin huyện A Lưới, cho biết, Phòng luôn tuyên truyền, vận động các hộ gia đình giữ gìn và phát triển nghề dệt zèng và đang tiến tới xây dựng đề án bảo tồn hoa văn trên thổ cẩm này. Huyện A Lưới cũng đã có chính sách hỗ trợ kinh phí đào tạo, tập huấn kỹ thuật, sản xuất những mặt hàng phục vụ nhu cầu thị trường hàng hóa cho những người làm nghề dệt zèng.

Theo ông Ngoan, qua đợt khảo sát mới đây, hầu hết những hộ làm nghề dệt zèng trên địa bàn huyện đều có thu nhập từ khá trở lên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem